GDP sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra và lạm phát sẽ giảm về một con số. Đó là điểm chung trong 3 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2009 do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), Bộ KH-ĐT đưa ra sáng 13.5.
GDP sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra và lạm phát sẽ giảm về một con số. Đó là điểm chung trong 3 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2009 do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), Bộ KH-ĐT đưa ra sáng 13.5.
Không khác với xu hướng nhận định về GDP của Việt Nam trong một số báo cáo nghiên cứu kinh tế Việt Nam gần đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem) đánh giá, mục tiêu GDP của Quốc hội đạt 6,5% là khó khả thi và quá cao.
Tiêu chí nhận định nền kinh tế đã hồi phục là tỷ lệ việc làm tăng lên |
Như mọi năm, Ciem đưa ra 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế 2009 theo 3 sắc thái: lạc quan, bình thường và bi quan.
Năm nay, ở mức lạc quan, GDP cao nhất sẽ đạt 5,56% và lạm phát là 8,9%. Theo hướng bi quan, GDP sẽ chỉ đạt 3,39% và lạm phát là 8,2%. Theo hướng cơ bản, GDP sẽ đạt 4,69% và lạm phát là 9,4%.
Với kịch bản cơ bản thường dễ xảy ra nhất, GDP của Việt Nam không chỉ thấp hơn mục tiêu của Quốc hội mà còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu GDP đạt 5,5% mà Chính phủ đang dự kiến xin điều chỉnh giảm.
Cho đến nay, tổ chức dự báo lạc quan nhất về kinh tế của Việt Nam là Ngân hàng thế giới cũng chỉ đưa ra mức 5,5% và cơ quan dự báo bi quan nhất về chỉ số này là EIU, cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tuần báo The Economist của Anh cho rằng, GDP của ta chỉ đạt 0,3%.
Trả lời cho câu hỏi quen thuộc, Ciem nghiêng về kịch bản nào, Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Ciem thẳng thắn: “Cá nhân tôi kỳ vọng về phương án lạc quan nhất mặc dù, xét về khoa học, phương án kịch bản cơ bản thường dễ xảy ra nhất”.
Lý giải về điều này, ông Ân nói qua căn cứ tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm, các động thái rất quyết liệt của Chính phủ thực hiện gói kích cầu thứ 2, những chuyển biến tích của các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết 30 về ngăn ngừa suy giảm kinh tế thì có thể kỳ vọng lạc quan được.
Sẽ hồi phục sớm hơn
Liệu đối với Việt Nam, suy giảm kinh tế đã đến đáy chưa và đã có tín hiệu phục hồi hay chưa? Ông Đinh Văn Ân khẳng định: “Đây là thời điểm chúng ta có thể hi vọng suy thoái kinh tế của Việt Nam đã đến đáy và đã đến lúc, chúng ta có thể đi ra, duy trì sự phát triển cho quý sau tốt hơn quí trước. Việt Nam có thể đi ra khỏi khủng hoảng sớm trước các nền kinh tế mạnh trên thế giới”.
Ông phân tích, không như các giai đoạn trước, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này là khủng hoảng về cơ cấu và thể chế kinh tế. Để xác định lại cơ cấu và thể chế đó, các nền kinh tế thế giới cần ít nhất 10 năm. Những giải pháp họ thực hiện chỉ là trước mắt, hạn chế các tác động xấu. Nền kinh tế Mỹ, châu Âu bị tác động nặng nề nhất sẽ phải mất nhiều thời gian để phục hồi.
Tuy nhiên, với Việt Nam, tác động của khủng hoảng là tác động với nền kinh tế thực, do thị trường thu hẹp chứ không phải là khủng hoảng về thể chế kinh tế. Việt Nam có đặc thù riêng là một nền kinh tế đang chuyển đổi nên nhu cầu về đầu tư lớn, thị trường của Việt Nam vẫn rộng mở. Đặc biệt, cầu có khả năng thanh toán của Việt Nam bao giờ cũng cao hơn các con số thống kế chính thức. Đây là điểm khác biệt với các nước khác khi công bố về thu nhập, tiền lương, việc làm thường sát thực tế hơn.
Tuy nhiên, tiêu chí nào để được gọi là kinh tế đã phục hồi? Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Ciem cho rằng, đó là khi GPD tăng trưởng đi lên chứ không đi ngang như hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp giảm đi, việc làm và thu nhập tăng lên.
Trong báo cáo lần này, điểm thú vị nhất là, chỉ số lạm phát theo phương pháp phân tích của Ciem đều cho ra kết quả trùng hợp với chỉ đạo trước đây của Thủ tướng hồi cuối năm 2008, ông Đinh Văn Ân bày tỏ.
Khi đó, Bộ KH-ĐT cho rằng, so với mức lạm phát của năm 2008 thì lạm phát năm 2009 phấn đấu nếu xuống dưới 15% đã là tốt rồi. Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ đạo, cần nỗ lực đưa lạm phát về mức một chữ số, nghĩa là dưới 10%. Cả ba kịch bản của Ciem đều cho thấy, lạm phát là 1 chữ số mặc dù, đó vẫn làm mức cao.
Tuy nhiên, ông Đinh Văn Ân lưu ý, đây chỉ là dự báo. Kịch bản kinh tế Việt Nam có lạc quan hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác và nhất là vào chủ quan như sự điều hành của Chính phủ, của các bộ ngành và các doanh nghiệp.
(Theo Vietnamnet)