BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiêu khê tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 12/08/2015 - 06:02

Sản xuất hàng mây tre (ảnh minh hoạ - Hoàng Anh).

Vay tín chấp nhưng phải “gửi” giấy đỏ 

Nghị định 41 quy định hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng. Hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Thế nhưng trên thực tế, các đối tượng được hưởng chính sách này đang gặp phải không ít khó khăn về thủ tục trong tiếp cận vốn vay. 

Ông N.V.Đ (ngụ xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) cho biết: “Gia đình tôi phát triển mô hình trang trại nuôi gà, kết hợp chăn nuôi bò thịt và trồng cây ăn trái. Nếu theo quy định tại Nghị định 41, gia đình tôi thuộc đối tượng hưởng ưu đãi vay vốn không cần thế chấp tài sản, với mức vay tối đa lên tới 500 triệu đồng.

Vừa rồi, tôi làm hồ sơ đề nghị phía ngân hàng cho vay 100 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án chăn nuôi và trồng trọt nhưng phía ngân hàng chỉ xét cho vay mức tối đa 50 triệu đồng. Theo tư vấn của cán bộ tín dụng ngân hàng, nếu muốn được vay 100 triệu đồng, gia đình tôi phải có tài sản thế chấp”.

Ông Đ thắc mắc: “Theo Nghị định 49 thì nông dân không cần phải có tài sản thế chấp khi vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên thực tế các ngân hàng lại yêu cầu người vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đất nông nghiệp của gia đình chưa được cấp giấy nên tôi đã ra chính quyền địa phương xin xác nhận là đất chưa được cấp giấy và tha thiết xin vay vốn, nhưng phía ngân hàng cự tuyệt. Tại sao có sự vô lý này? Ngân hàng đối xử với nông dân như thế là có trái quy định không, có bị cơ quan nào kiểm tra, phát hiện, “tuýt còi” hay không?”.

Trường hợp của bà L.T.Đ (xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) cũng tương tự. Bà Đ cho biết: “Gia đình tôi có gần 2 ha đất trồng cây ăn trái. Năm ngoái, tôi đến ngân hàng vay vốn theo hình thức tín chấp để đầu tư phân bón, chăm sóc vườn cây.

Thế nhưng cán bộ ngân hàng đã nói thẳng, chỉ khi người vay có tài sản thế chấp, ngân hàng thẩm định có giá trị thì mới bàn đến việc vay vốn. Tôi hụt hẫng vô cùng. Nói là cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, nhưng lại yêu cầu người vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy chẳng khác gì so với cho vay thông thường”.

Đối với chủ trang trại, khi vay vốn theo Nghị định 49, hầu hết đều gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục vay, bởi đa phần họ đều là nông dân nên không có khả năng lập dự án hoặc phương án sản xuất - kinh doanh. Mà theo quy định thì việc lập hồ sơ vay vốn cần phải có phương án sản xuất - kinh doanh.

Do đó, việc vay vốn trở nên nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Nhiều người, để được vay vốn, phải “nhờ” người khác làm thủ tục hồ sơ. Ngoài ra, theo một số người thì thủ tục vay vốn theo Nghị định 49 chưa thuận tiện, mất nhiều thời gian liên quan đến thẩm định, kiểm tra, chứng thực... nên nhiều trang trại làm thủ tục giữa chừng rồi bỏ.

Cụ thể như trường hợp ông N.V.H, chủ trang trại heo ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị chăn nuôi. “Tuy nhiên, tiếp cận được nguồn vốn vay này không phải chuyện dễ dàng mà là cả một hành trình… mệt mỏi.

Tôi phải mất nhiều thời gian hoàn chỉnh các giấy tờ theo quy định, rồi điều chỉnh, bổ sung các thủ tục. Đặc biệt, việc thực hiện một phương án kinh doanh khả thi trên “giấy trắng mực đen” là vấn đề rất khó khăn đối với một nông dân như tôi”. Do “khát vốn”, ông H cũng đành cố gắng hoàn thành thủ tục vay vốn theo yêu cầu, nhưng chờ đợi cả năm vẫn chưa nhận được phản hồi nào về việc được giải ngân từ phía ngân hàng (!?).

Không ít người cho biết, khi nghe phong thanh có quy định cho nông dân vay không cần bảo đảm bằng tài sản thì rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi liên hệ với ngân hàng, nhiều người tiu nghỉu trước câu trả lời: “Phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng mới được xét vay”.

Trả lời về việc nông dân vẫn phải thế chấp sổ đỏ khi vay vốn theo hình thức tín chấp, đại diện phòng Dịch vụ và Marketing thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người dân.

Tuy nhiên, nông dân vẫn phải giao sổ đỏ cho ngân hàng quản lý với lý do làm tin để phòng ngừa rủi ro. Ngân hàng cũng phải thẩm định, căn cứ vào diện tích đất canh tác, nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ để đưa ra mức vay phù hợp.

Quy định này nhằm tránh việc cùng một tài sản, người vay cầm cố, thế chấp để vay vốn ở nhiều ngân hàng. Việc vay vốn tín chấp khác thế chấp là hồ sơ, thủ tục được đơn giản hơn nhiều.

Ngân hàng thương mại không “mặn mà”

Theo nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần thương mại có chi nhánh tại Tây Ninh, do phần lớn nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, chạy theo phong trào, chưa liên kết trong sản xuất nên vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá” luôn tái diễn, thị trường tiêu thụ không ổn định, phương án sản xuất - kinh doanh không khả quan. Vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại e dè, ngại cho nông dân vay do sợ khó khăn thu hồi vốn.

Về chủ trương chung, các ngân hàng và tổ chức tín dụng bắt buộc phải thực hiện chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, điều kiện xem xét cho vay hết sức “ngặt nghèo”. Nếu đối tượng vay là những nông dân canh tác diện tích lớn các loại cây như cao su thì được các ngân hàng thương mại “ưu tiên” xem xét; còn nông dân canh tác trên diện tích đất nhỏ, trồng cây ngắn ngày như lúa, hoa màu… thì đa phần rất khó để được vay vốn phát triển sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, các cấp, ngành phải có quy hoạch từng nhóm ngành, vùng sản xuất cụ thể. Quan trọng nhất là phải có sự liên kết “bốn nhà”, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổi mới thủ tục hành chính... Như vậy, người dân mới có thể hưởng lợi ích cao nhất từ chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất.

Nông dân xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) thu hoạch khổ qua.

Cần chủ động đưa vốn đến tay người dân

Trước những bất cập trong chính sách cũ, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 để thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Nghị định mới có rất nhiều thay đổi so với nghị định cũ nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có đối tượng được vay vốn.

Cụ thể, Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chứ không còn phải bó hẹp ở phạm vi các huyện như trước đây

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn đạt hơn 14 tỷ đồng. Để Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhanh bắt nhịp với cuộc sống, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tây Ninh đã có văn bản gửi đến 37 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh về việc triển khai thực hiện các nội dung trong nghị định mới.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh đề nghị các tổ chức tín dụng làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh để cùng bàn giải pháp triển khai những nội dung trong Nghị định 55/2015/NĐ-CP, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng đối với người nông dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp người dân sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

THANH NHI - SONG HUỲNH

CƠ CẤU LẠI THỜI HẠN NỢ VÀ CHO VAY MỚI ĐỐI VỚI NÔNG DÂN BỊ THIÊN TAI, DỊCH BỆNH

Ngày 22.7.2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó quy định đối với việc cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới là: Đối với khách hàng được quy định tại khoản 1 Điều 12, khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được tổ chức tín dụng chủ động xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Việc giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện 1 (một) lần đối với một khoản nợ kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành. Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.