Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021, được Toà án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.
Các hoà giải viên chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TAND tỉnh.
Sau khi nhận được văn bản của TAND Tối cao về việc chuẩn bị triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, TAND tỉnh đã thực hiện ngay các bước tổ chức, triển khai, thành lập 10 trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án và bổ nhiệm 36 hoà giải viên. Đội ngũ hoà giải viên được tuyển chọn là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật.
Công tác tuyên truyền việc triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án về cơ bản thuận lợi, đa dạng bằng nhiều hình thức, tạo sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Trong công tác tiếp công dân, thẩm phán, thư ký Toà án hướng dẫn, giải thích cho người nộp đơn hiểu về Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận và nắm được các lợi ích của việc lựa chọn phương thức hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Trong năm 2021, TAND hai cấp đã nhận 9.236 đơn đủ điều kiện tiến hành hoà giải, đối thoại; đã chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án 2.538 đơn. Thông qua việc hoà giải, đối thoại có 249 vụ, việc người khởi kiên rút đơn khởi kiện; 1.100 vụ, việc hoà giải thành (trong đó có 1.098 vụ, việc có yêu cầu Toà án ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại thành); tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành đạt 43,34%.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp đã nhận 6.257 đơn khởi kiện/đơn yêu cầu, trong đó đơn đủ điều kiện chuyển sang hoà giải, đối thoại là 4.980 vụ. Số vụ đã giải quyết là 4.312 vụ; kết quả hòa giải thành 1.635 vụ, việc, chấm dứt việc hoà giải 312 vụ do đương sự rút đơn, hoà giải không thành chuyển sang thủ tục tố tụng 2.365 vụ, việc. Việc công nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án bảo đảm đúng quy định pháp luật, không có trường hợp nào bị khiếu nại, kiến nghị.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, đánh giá về công tác thi hành luật, TAND tỉnh cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả hoà giải, đối thoại trong các vụ việc. Cụ thể, chưa có hướng dẫn thống nhất về mẫu quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại tại Toà án; đa số việc khiếu kiện hành chính, người khởi kiển đồng ý đối thoại nhưng người bị kiện không đồng ý đối thoại nên không thực hiện được. Một số TAND cấp huyện có trụ sở xuống cấp, chật hẹp không có phòng làm việc riêng cho từng hoà giải viên.
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, quyết định công nhận kết quả hoà giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định về phạm vi điều chỉnh, bản án, quyết định được thi hành tại Điều 1, 2 Luật Thi hành án dân sự thì không có quyết định công nhận kết quả hoà giải thành tại Toà án thuộc phạm vi những bản án, quyết định được thi hành, nên việc giao nhận các quyết định công nhận hoà giải thành, đối thoại thành chưa được quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế giám sát hoạt động của hoà giải viên như việc xử lý nếu xảy ra trường hợp hoà giải viên lợi dụng trong quá trình hoà giải, đối thoại để thực hiện những hành vi không đúng, vụ lợi. Ngoài ra, do không có con dấu riêng cho hoà giải viên, các văn bản do hoà giải viên gửi cho đương sự chỉ có chữ ký của hoà giải viên và đóng dấu treo của Toà án nơi hoà giải viên làm việc, vì vậy tạo tâm lý không tin tưởng cho người dân khi nhận được thông báo của hoà giải viên.
Đại diện TAND huyện Bến Cầu cho biết thêm, về thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hoà giải thành theo điểm c khoản 1 Điều 28 thì phải có thẩm phán phụ trách hoà giải, đối thoại hoặc thẩm phán khác do Chánh án Toà án phân công (gọi chung là thẩm phán tham gia phiên họp). Khi hoà giải viên và các đương sự tổ chức hoà giải, đối thoại ngoài trụ sở (hoặc tại trụ sở nhưng ngoài giờ hành chính) thống nhất giải quyết tranh chấp nhưng nếu không có thẩm phán thì không lập được biên bản phiên họp ghi nhận kết quả hoà giải. Nhưng nếu mời các đương sự đến trụ sở trong ngày, giờ hành chính thì có thể xảy ra trường hợp một trong hai bên đương sự không đến, vì thế không lập được biên bản ghi nhận kết quả hoà giải thành theo đúng quy định nên gặp khó khăn. Nếu lập biên bản ghi nhận kết quả hoà giải thành mà không có thẩm phán thì liệu có vi phạm quy định dẫn đến hủy quyết định công nhận không?.
Về các thủ tục tống đạt các thông báo, giấy mời của hoà giải viên và Toà án chưa có quy định cụ thể xem thế nào là thông báo hợp lệ để chuyển sang thủ tục tố tụng theo khoản 3, Điều 40 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Ngoài ra, chưa có quy định về công tác lưu trữ, sắp xếp hồ sơ hoà giải, xử lý chuyển giao đơn khởi kiện như thế nào khi kết thúc hoà giải, đối thượng chuyển sang thụ lý vụ án.
Còn theo TAND huyện Tân Châu, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án là chế định mới nên đa số người dân chưa nắm rõ và hiểu hết ý nghĩa của luật; mặt khác các bên muốn sự việc được giải quyết nhanh chóng, sớm đưa ra xét xử nên đa số không đồng ý hoà giải, đối thoại.
Một số trường hợp người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện đã tư vấn cho các bên không đồng ý hoà giải, đối thoại nên khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện sẽ kèm theo đơn từ chối hoà giải.
Hay tại Điều 20 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án quy định thời hạn hoà giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày hoà giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn này được kéo dài không quá 30 ngày.
Các hoà giải viên tham gia góp ý kiến tại hội nghị sơ kết 1 năm thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Quy định thời hạn này là ngắn, không đủ để thực hiện hoà giải đối thoại theo quy trình được ban hành và các trình tự, thủ tục. Ngoài ra, thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Toà án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Vậy căn cứ nào xác thực được tài liệu kèm theo được thu thập trong quá trình hoà giải, đối thoại là chính xác.
Trong khi điểm đ khoản 1 Điều 14 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án quy định về quyền của hoà giải viên “không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp”. Điều này dễ tạo ra những sai sót làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Hậu quả của việc này giải quyết như thế nào chưa được đề cập.
Để nâng cao hiệu quả công tác hoà giải, đối thoại trong thời gian tới, ngành Toà án cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án để người dân hiểu được những thuận lợi khi lựa chọn hoà giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp; kịp thời cung cấp cho các hoà giải viên những văn bản quy phạm pháp luật mới; tiếp tục áp dụng các quy định về tính linh hoạt của chế định hoà giải, đối thoại tại Toà án như thực hiện hoà giải, đối thoại ngoài trụ sở Toà án, ngoài giờ hành chính.
TAND hai cấp tỉnh kiến nghị TAND tối cao cần sớm ban hành bổ sung một số biểu mẫu còn thiếu, quy định về công tác lưu trữ hồ sơ cũng như giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc các Toà án gặp phải trong quá trình áp dụng Luật; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hoà giải viên; bổ sung thư ký giúp việc cho hoà giải viên.
Thiên Di