Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã Thái Bình, huyện Châu Thành:
Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thứ ba: 22:45 ngày 21/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2017, xã Thái Bình là xã thứ tư của huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau 5 năm liên tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được, xã đang tiếp tục phát huy nội lực và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng NTM nâng cao, theo đúng lộ trình sẽ về đích trong năm 2022.

Tuyến đường hẻm số 3, ấp Bình Hoà, xã Thái Bình được khởi công nâng cấp (ảnh chụp ngày 16.6)

Nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp

Khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thái Bình cơ bản được đầu tư, bảo đảm việc lưu thông, đi lại của người dân được thuận tiện. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường trước đây chỉ được làm cứng hoá bằng đất và đá đã bị bong tróc, hư hỏng, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, ứ đọng nước thường xuyên gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân.

Ông L.M.V, người dân sống tại hẻm số 3, ấp Bình Hoà, xã Thái Bình cho biết, tuyến đường hẻm số 3 nối từ đường 781 sang đường Trưng Nữ Vương bị xuống cấp và hư hỏng hơn 2 năm nay, mỗi khi trời mưa là mặt đường ngập nước, nhiều vũng to, nhỏ khác nhau, nhiều trường hợp té ngã do những vũng nước này. Để giảm bớt tình trạng hư hỏng, ông và một số hộ dân thuê xe ba gác chở gạch vụn, xà bần về đổ lấp những ổ gà, đến nay vẫn còn nhiều cục bê tông to nằm giữa đường.

Theo ông Tiến, ngụ tại hẻm số 3, ấp Bình Hoà, hiện nay địa phương đã triển khai ban gạt để thực hiện nâng cấp tuyến đường nhằm đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM nâng cao. “Nếu tuyến đường này được đổ bê tông hay trải nhựa thì việc đi lại của bà con sẽ không còn vất vả như trước đây nữa”- ông Tiến nói.

Còn theo bà T.T.B.L, ngụ ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, trước đây tuyến đường hẻm số 43 cũng được đổ đá 0x4, đi lại sạch sẽ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai năm, lớp đá mỏng bị chìm lẫn vào đất, khi trời mưa thì sình lầy, lúc nắng thì bụi bám đỏ nhà cửa hai bên đường, mặt đường thì ứ đọng nước gây khó khăn cho việc đi lại.

“Có thông tin là trong năm 2022, xã Thái Bình được chọn là xã điểm xây dựng NTM nâng cao của tỉnh, chúng tôi hy vọng các tuyến đường sỏi đỏ trên địa bàn sẽ được đầu tư, nâng cấp lên đường bê tông hoặc thảm nhựa bảo đảm việc đi lại của người dân được an toàn hơn”- một người dân sống tại hẻm 35, ấp Suối Muồn cho biết thêm.

Ông Trần Thế Hiệp- Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, trong giai đoạn xã thực hiện xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp, ngõ xóm được đầu tư, trong đó, có một số tuyến đường nhựa hoá, bê tông hoá kiên cố và nhiều tuyến được thực hiện cứng hoá bằng cách đổ đất sỏi, đá xanh 0x4, bảo đảm việc đi lại sạch sẽ, an toàn. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, đến nay có một số tuyến đường ngõ xóm bị xuống cấp.

Để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, đồng thời thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM nâng cao năm 2022. Xã đã khởi công nâng cấp 11 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 4km. Ngoài ra, UBND xã phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân chung sức đóng góp bê tông hoá 7 tuyến đường ngõ xóm, với tổng chiều dài 920m. Trong đó, người dân đóng góp 491 triệu đồng và xã hỗ trợ 1.350 bao xi măng.

Theo ông Hiệp, trên địa bàn xã hiện có rất nhiều tuyến đường chưa được kiên cố hoá, trong khi nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao có hạn nên xã chỉ thực hiện nâng cấp các tuyến đường quan trọng, thiết yếu, có đông dân cư sinh sống, bảo đảm việc đi lại an toàn, sạch sẽ, các tuyến đường còn lại sẽ được tiếp tục đầu tư trong những năm sau.

Nhiều khó khăn trong thực hiện bộ tiêu chí mới

Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trần Thế Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, để hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa xã Thái Bình về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, cấp uỷ, chính quyền xã và các cơ quan chức năng huyện đã hoàn tất công tác rà soát các tiêu chí chưa đạt để tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do nhiều tiêu chí hoàn toàn mới, chỉ tiêu thực hiện rất cao như: Mức độ phổ cập giáo dục bậc THCS phải đạt mức độ 3; thu nhập bình quân đầu người trên 76 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh điện tử đạt trên 95%, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không hiệu quả do khi vận động người dân thực hiện khá khó khăn, tốn nhiều chi phí bố trí thùng chứa, người dân tự phân loại riêng từng loại nhưng khi thu gom thì đơn vị thu gom chỉ mang một xe và đổ tất cả rác vào một thùng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong năm vừa qua khiến đời sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn, tình hình thu ngân sách bị hạn chế, việc huy động sức đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng NTM không được nhiều, trong khi số lượng công trình hạ tầng cần xây dựng nhiều với chi phí lớn nhưng nguồn ngân sách phân bổ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đa số các tiêu chí vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên rất khó khăn khi triển khai thực hiện.

Theo ông Hiệp, trong thời gian tới, để thực hiện đạt các tiêu chí NTM nâng cao, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, địa phương mong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các tiêu chí để xã áp dụng. Đồng thời, ưu tiên kinh phí để đầu tư hệ thống đường giao thông, nhất là việc nâng cấp các tuyến đường giao thông bị xuống cấp.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục