Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh luôn xác định việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Các vụ việc cử tri phản ánh kéo dài được giải quyết dứt điểm, hạn chế việc phản ánh lặp đi lặp lại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo, trước và sau kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp nhận 54 kiến nghị của cử tri, đã trả lời, làm rõ 23 kiến nghị- tỷ lệ 42,6%; giải quyết dứt điểm 10 kiến nghị- tỷ lệ 18,5%; đang tiếp tục xử lý 21 kiến nghị- tỷ lệ 38,9%.
Cụ thể, cử tri xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) đề nghị ngành chức năng thông tin về công tác quy hoạch, đền bù và giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp (KCN) Thanh Điền. Đối với diện tích quy hoạch nằm trong khu vực dân cư, nếu chưa triển khai thực hiện dự án, cử tri đề nghị ngành chức năng đầu tư cơ sở hạ tầng theo tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn, sinh sống.
Vấn đề này được UBND tỉnh trả lời như sau: Quy hoạch KCN Thanh Điền với diện tích khoảng 166 ha đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, tại Công văn số 2328/TTg-KTN ngày 22.12.2014. Sau khi Quy hoạch KCN Thanh Điền được bổ sung vào quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với UBND huyện Châu Thành và các sở, ngành liên quan tích cực kêu gọi, nhưng đến nay, KCN Thanh Điền chưa có chủ đầu tư hạ tầng và chưa xác định ranh cụ thể nên chưa có quy hoạch chi tiết và chưa triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo định hướng phát triển của tỉnh, đồng thời để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó xem xét chuyển mục đích sử dụng đất không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao sang đầu tư phát triển lĩnh vực đô thị - công nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở, ngành liên quan xác định lại tính khả thi của dự án KCN để tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng thực hiện theo quy hoạch.
Trường hợp, quy hoạch dự án KCN không khả thi và không còn phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, giao Sở KH&ĐT phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xoá quy hoạch; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án khác thay thế để tiếp tục phát triển khu vực này.
Cử tri xã Cẩm Giang và Phước Trạch (huyện Gò Dầu) phản ánh tình trạng lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ xã Cẩm Giang đến xã Phước Trạch, cản trở việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân, đề nghị ngành chức năng xem xét, có giải pháp xử lý. Trả lời vấn đề này, ngày 11.9.2019, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với đơn vị xử lý lục bình (Công ty TNHH Huỳnh Vương) kiểm tra thực tế đoạn sông cử tri nêu (4 vị trí có khúc cua dễ ùn ứ lục bình), lục bình trên đoạn này không đáng kể, mặt sông thông thoáng, không ảnh hưởng đến tàu, bè qua lại.
Để bảo đảm công tác xử lý lục bình đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh giao Sở GT-VT tiếp tục làm việc với đơn vị thi công, thường xuyên kiểm tra các điểm thường ùn ứ lục bình theo phản ánh của cử tri và chỉ đạo Tổ giúp việc xử lý lục bình tiếp tục kiểm tra, hạn chế lục bình trên sông đến mức thấp nhất.
Trên lĩnh vực nông nghiêp và phát triển nông thôn, cử tri thị trấn huyện Tân Biên phản ánh tình trạng heo trong vùng xảy ra dịch tả heo châu Phi (DTHCP) không tiêu thụ được, bị thương lái ép giá, người dân gặp nhiều khó khăn, thua lỗ, đề nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tại các khu vực đã công bố dịch. Vấn đề này được UBND tỉnh trả lời; dù các ngành chức năng địa phương, các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền đây là dịch bệnh không lây sang người, sản phẩm thịt heo được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, được đóng dấu kiểm soát bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ của người tiêu dùng, sức tiêu thụ giảm so với trước đây.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh (BCĐ) đã chỉ đạo cho các thành viên BCĐ, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện cho tiêu thụ nhanh đàn heo và tổ chức hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có heo bị thiệt hại do bệnh DTHCP.
Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính có công văn hướng dẫn hỗ trợ kinh phí trong công tác phòng, chống DTHCP trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo phải tiêu huỷ, bảo đảm công khai, đúng đối tượng, đúng quy định và kịp thời. Hiện nay, một số huyện như Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành... hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ. Đối với huyện Tân Biên, Phòng NN&PTNT đang tham mưu cho UBND huyện các thủ tục để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do DTHCP.
Công ty TNHH Huỳnh Vương xử lý lục bình trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh luôn xác định việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ngay sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công làm rõ trách nhiệm, xác định thời hạn cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết kịp thời, đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề cử tri kiến nghị.
Chất lượng văn bản giải quyết, trả lời được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân. Các vụ việc cử tri phản ánh kéo dài được giải quyết dứt điểm, hạn chế việc phản ánh lặp đi lặp lại. Đối với nhóm kiến nghị liên quan đến các dự án đang thi công và hư hỏng trên các tuyến đường cũng được các ngành chức năng sửa chữa kịp thời, bảo đảm an toàn giao thông.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng nhìn nhận trong quá trình trả lời ý kiến cử tri có những hạn chế như: công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị- nhất là của cử tri trong vùng thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng dành đất cho phát triển và quy hoạch công nghiệp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên gặp không ít khó khăn.
Một số kiến nghị chưa giải quyết ngay được, phải chờ thực hiện đồng bộ với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Việc sửa chữa, bổ sung mương, cống thoát nước... phải thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư (lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, trình thẩm định, tổ chức đấu thầu thi công) theo quy định mất nhiều thời gian; việc thi công sửa chữa hư hỏng trên các tuyến đường phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành trả lời ý kiến cử tri theo phương châm: nhanh, đầy đủ. Những vấn đề chưa giải quyết kịp được trong kỳ họp này, các ngành phải giải thích rõ, nêu rõ thời gian giải quyết và không hứa những vấn đề nằm ngoài khả năng.
Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Phan Thị Điệp đề nghị các đại biểu quan tâm những vấn đề như: trả lời không đúng trọng tâm, dài dòng, khiến cử tri không hiểu. Tránh trường hợp nhiều vấn đề không trả lời dứt khoát mà viện dẫn nhiều văn bản, nhiều quyết định.
Đại Dương