Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều lao động tự do không được tham gia BHXH
Thứ tư: 22:53 ngày 12/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng được nhiều người lao động quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều cơ sở sản xuất như lò gạch, lò mì, cơ sở may, sản xuất bánh tráng… nhiều lao động không được ký hợp đồng lao động cũng như tham gia BHXH.

Nhiều công nhân làm việc không có hợp đồng lao động, không được tham gia BHXH (trong ảnh, công nhân làm việc tại một cơ sở bánh tráng huyện Dương Minh Châu).

Lao động tự do bị “bạc đãi”?

Tại cơ sở may B.T ở phường Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh), nhiều công nhân may quyết định không ký hợp đồng lao động mà thay vào đó là làm việc tự do, nhận tiền thù lao theo sản phẩm. 

Chị Linh- một nhân công tại đây cho biết, chị không muốn ký hợp đồng làm lâu dài với cơ sở may vì công việc làm 8 giờ/ngày mức lương chỉ tầm 4-5 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu làm nghề tự do lấy hàng về gia công, có thể làm bất cứ khi nào, lương tính theo sản phẩm, khi nào cơ sở cần hàng gấp mới phải đến xưởng may thì trung bình mỗi tháng chị Linh có thu nhập từ 6-7 triệu đồng, mà chị còn có thời gian phụ giúp công việc gia đình. 

Anh A- nhân công làm thuê tại một lò mì ở huyện Hoà Thành vừa nghỉ việc cho biết, anh xin nghỉ để chuyển sang công việc khác, do mức lương của lò mì chưa tương xứng và không được tham gia BHXH vì là lao động tự do. “Tôi phải làm việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, mùi hôi thối nhưng lương thử việc chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Chuyển sang chỗ làm mới, tôi được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt hơn với mức lương khởi điểm 6,5 triệu đồng. Nếu được nhận vào chính thức, tôi sẽ có thêm tiền thưởng và được đóng BHXH” - anh A cho biết.

Anh Mạnh, nhân công làm việc hơn 1 năm của cơ sở sản xuất gạch H.T tại huyện Hoà Thành cho hay, anh và nhiều công nhân khác không tham gia BHXH. Anh Mạnh cho rằng do mình là lao động tự do, không có hợp đồng nên lò gạch không đóng BHXH.

Công nhân làm việc tại một cơ sở sản xuất gạch huyện Hoà Thành.

Người sử dụng lao động “lách luật”, người lao động thiệt thòi

Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh, theo quy định tại điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH: Kể từ ngày 1.1.2018, người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trừ hợp đồng lao động được ký kết đối với người lao động đang thử việc hoặc hợp đồng thời vụ được ký kết với người lao động đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH hiện hành.

Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. 

Như vậy theo quy định, dù lao động tự do thì khi làm việc liên tục tại doanh nghiệp từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là đối tượng phải tham gia BHXH, nhưng nhiều doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau đã “lách luật” để không phải đóng BHXH cho lao động tự do.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trung - kế toán  của một công ty tinh bột mì tại huyện Dương Minh Châu (vừa nghỉ việc) cho biết, để lách luật, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thường không ký hợp đồng lao động với lao động tự do chỉ giao ước làm việc bằng lời nói. Hoặc nếu ký hợp đồng thời vụ thì chỉ ký 3 tháng, sau 3 tháng đơn vị ngừng ký hợp đồng khoảng 1 tuần rồi lại ký hợp đồng mới. Đây là một trong những cách để lách luật BHXH thường gặp nhất ở một số doanh nghiệp. 

Không hợp đồng lao động, không được tham gia BHXH, dịp tết, nhiều lao động tự do cũng không được thưởng tết gì nhiều. 

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Năm (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành), đang làm công nhân may tại một cơ sở may gia công ở huyện Hoà Thành, cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi nên đi làm phải qua trung gian giới thiệu. Do không có hợp đồng lao động nên ít được đãi ngộ hơn so với những người được ký hợp đồng lao động”. Việc doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH cho người lao động theo quy định đã vi phạm chế độ về BHXH và Bộ luật Lao động, người lao động thiệt thòi về các chế độ, chính sách BHXH. 

Theo BHXH tỉnh, trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp liên tục vi phạm, ký kết hợp đồng lao động nhưng không lập danh sách người lao động tham gia BHXH bắt buộc, ngoài việc bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính do hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động, khoảng thời gian doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động khi ký kết hợp đồng lao động sẽ bị cơ quan BHXH truy đóng và bị tính lãi suất chậm đóng theo quy định hiện hành.

Trên thực tế, do sức ép việc làm và chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách nên người lao động chưa đấu tranh với người sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. 

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2019, văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn, công đoàn khu kinh tế, Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố đã tư vấn, hỗ trợ khoảng 10 lao động liên quan đến việc chủ doanh nghiệp do không chốt sổ BHXH hoặc không làm sổ BHXH cho người lao động. Sau đó, các công nhân này đều được thực hiện chế độ BHXH theo đúng quy định. 

Để bảo vệ quyền lợi, nếu đơn vị sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ thì người lao động có thể liên hệ trực tiếp hoặc gọi điện thoại tới văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn, công đoàn khu kinh tế, Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố được hướng dẫn, tư vấn về quyền, nghĩa vụ của người lao động giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục