Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gạch không nung:
Nhiều lợi - ít người dùng
Thứ tư: 05:30 ngày 20/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, so với vật liệu xây thông thường (gạch đất sét nung), gạch không nung có nhiều ưu điểm như có kích thước lớn nhưng trọng lượng nhẹ, nên có thể làm giảm kích thước, kết cấu móng, cột, dầm… từ đó giảm chi phí công trình; cường độ chịu nén, kích thước của gạch không nung có thể sản xuất, điều chỉnh theo yêu cầu thiết kế của công trình.

Gạch không nung:

Nhiều lợi - ít người dùng

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, so với vật liệu xây thông thường (gạch đất sét nung), gạch không nung có nhiều ưu điểm như có kích thước lớn nhưng trọng lượng nhẹ, nên có thể làm giảm kích thước, kết cấu móng, cột, dầm… từ đó giảm chi phí công trình; cường độ chịu nén, kích thước của gạch không nung có thể sản xuất, điều chỉnh theo yêu cầu thiết kế của công trình.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty Tây Phố trên đường 758, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh.

Ngày 28.4.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN- từ đây gọi là gạch không nung) với mục tiêu thay thế gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. 

Trên địa bàn tỉnh, hơn 7 năm kể từ khi có Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ người dân sử dụng VLXKN chưa nhiều, phần đông người dân vẫn chuộng những loại VLXKN như ngói lợp bê tông, gạch Terrazzo, còn gạch không nung chưa được người dân quan tâm đến.

Công tác truyền thông còn hạn chế

Theo ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1153/QĐ-UBND về triển khai phát triển sản xuất, sử dụng VLXKN và lộ trình hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đã sử dụng gạch không nung theo đúng tỷ lệ quy định tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, so với vật liệu xây thông thường (gạch đất sét nung), gạch không nung có nhiều ưu điểm như có kích thước lớn nhưng trọng lượng nhẹ, nên có thể làm giảm kích thước, kết cấu móng, cột, dầm… từ đó giảm chi phí công trình; cường độ chịu nén, kích thước của gạch không nung có thể sản xuất, điều chỉnh theo yêu cầu thiết kế của công trình. Gạch không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy cao, giảm nhiệt vào mùa nóng và giữ ấm vào mùa lạnh. Gạch không nung có bề mặt phẳng giúp giảm vữa (hồ) xây, tô (trát), có thể sơn trực tiếp mà không cần tô (trát); dễ dàng vận chuyển và thi công (trọng lượng riêng 750kg/m3- nhẹ hơn nước).

Ông Quốc nhìn nhận, đối với các công trình xây dựng quy mô nhỏ, riêng lẻ, đặc thù thì Chương trình phát triển VLXKN chưa thực sự được hưởng ứng, bởi hiệu quả kinh tế chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư về loại vật liệu này chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung cũng chưa tiếp cận được đầy đủ các ưu đãi, hỗ trợ; một phần do số lượng doanh nghiệp sản xuất gạch không nung còn ít, chưa hoạt động hết công suất và chưa hết khấu hao máy móc để có thể hạ giá thành; ngoài ra thợ xây dựng chưa được đào tạo bài bản để thi công với gạch không nung.

Theo một doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, đối với các công trình dân dụng ở tỉnh, chủ đầu tư thường sử dụng gạch đất sét nung, còn gạch không nung chỉ được dùng vào việc xây dựng hàng rào hoặc tường trang trí. 

Chủ doanh nghiệp này cho rằng, ngoài việc giá của gạch không nung cao hơn gạch đất sét nung, còn có một bộ phận tác động không nhỏ “cản trở” việc người dân sử dụng gạch không nung là… đội ngũ thợ hồ. Trước nay, hầu hết anh em thợ hồ quen “tay” xây dựng bằng gạch đất sét nung, chuyển sang sử dụng gạch xây không nung tốn rất nhiều công sức, năng suất lao động thấp. Do đó, nếu chủ đầu tư dự định sử dụng gạch xây không nung thường bị cánh thợ hồ bàn ra khiến chủ đầu tư thay đổi ý định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung chưa chú trọng đến công tác tiếp thị có bài bản đến người dân, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng về hiệu quả của gạch không nung nên không thu hút được người dân sử dụng loại vật liệu này.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn- một chủ đầu tư xây dựng nhà trên đường Tôn Đức Thắng, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho biết, dự định mua vật liệu để xây dựng nhà, anh cũng có tính đến việc sử dụng gạch không nung. Nhưng sau khi anh trao đổi với chủ thầu xây dựng, người này cho rằng gạch không nung đắt tiền, chất lượng lại không tốt, muốn mua loại gạch chất lượng phải đi mua ở tận các tỉnh khác vận chuyển rất tốn kém... Rồi chủ cửa hàng vật liệu xây dựng nơi anh mua vật liệu xây nhà cũng nói tương tự như thế, từ đó anh Tuấn đành bỏ ý định sử dụng gạch không nung để cất nhà. Hơn nữa, chẳng có ai tư vấn cho anh về những lợi ích của loại gạch xây không nung để biết mà sử dụng.

Một chủ thầu xây dựng chia sẻ, thật ra gạch không nung đã được sản xuất có kích cỡ bằng viên gạch nung nên việc xây dựng cũng không quá khó đối với thợ hồ. Khó khăn nhất ở giai đoạn tô hồ tường gạch không nung đòi hỏi người thợ xây phải tốn nhiều công sức, vì loại gạch không nung hút nước khá nhanh. Lúc tô hồ, người thợ phải thường xuyên tưới nước lên vách tường, nếu không khi tô gạch hút nước nhanh dẫn đến vách bị khô, bức tường sẽ xấu. Còn tưới nước thường xuyên khiến vách tường quá ướt lại dẫn đến hồ tô không bám vào tường, thợ hồ phải tô đi tô lại mất công sức rất nhiều. 

Đối với các công trình xây dựng hiện nay, tiền công xây dựng được tính trên mét vuông nên việc thợ phải bỏ nhiều công sức sẽ dẫn đến năng suất, hiệu quả xây không cao, chủ thầu lợi nhuận ít do phải tốn thêm tiền trả công cho thợ vì thời gian thi công kéo dài. Vì vậy, khi gia chủ đề nghị sử dụng gạch không nung để xây dựng, anh tìm mọi cách bàn ra và đề nghị sử dụng gạch xây đất sét nung để có lợi cho mình.

Anh Võ Đặng Bảo Phương- Giám đốc Công ty TNHH Tây Phố, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh cho biết, gạch không nung được sản xuất tại doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tiêu thụ tại thị trường tỉnh nhà khoảng 30%, còn 70% phải tìm mối tiêu thụ ngoài tỉnh, chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, doanh nghiệp đã nhập về hệ thống ép gạch tự động của Hàn Quốc để sản xuất gạch không nung, nhằm nâng cao chất lượng và tăng sản lượng cung cấp cho thị trường. Công suất hiện nay tại nhà máy mỗi ngày có thể sản xuất loại gạch ống có kích cỡ 8x18cm khoảng 72.000 viên, gạch thẻ khoảng 120.000 viên... hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh.

Tại Công ty sản xuất gạch không nung An Hưng Thành, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, công ty đang sản xuất gạch không nung bê tông khí không chưng áp với nguyên liệu chính là tro nhà máy nhiệt điện và xi măng. Hiện nhà máy 1 ca có thể sản xuất khoảng 54.000 viên gạch ống có kích thước 8x18cm. Sắp tới, công ty sẽ triển khai thêm nhà máy sản xuất gạch không nung bê tông cốt liệu để cung cấp cho thị trường. Doanh nghiệp này hy vọng trong thời gian tới, gạch không nung cũng như sự tiện lợi của loại vật liệu xây này sẽ được người dân quan tâm.

Cần thay đổi thói quen

Ông Trần Tương Quốc cho biết, cơ bản đến nay, các công trình phải sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh đều tuân theo đúng tỷ lệ tại Quyết định 1153/QĐ-UBND. Việc chuyển đổi từ gạch nung sang vật liệu không nung đang thực hiện theo lộ trình. Các công trình sẽ tăng dần tỷ lệ sử dụng gạch không nung và tiến tới hoàn toàn không sử dụng gạch đất sét nung, kết hợp với tác động của thông tin tuyên truyền, người dân sẽ dần quen với việc sử dụng gạch không nung.

Để phát triển VLXKN cần các giải pháp đồng bộ theo các nhóm giải pháp: về chính sách, cần quan tâm, hỗ trợ phát triển nhiều doanh nghiệp VLXKN tiếp cận sử dụng Quỹ Chuyển giao công nghệ, ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN tiến tới giảm giá thành.

Về khoa học kỹ thuật, cần xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN. Hiện, nước ta cần thêm các tài liệu mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức dự toán, định mức vật liệu tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng VLXKN. Cần đưa nội dung xây gạch không nung vào các trường nghề đào tạo cho công nhân xây dựng.

Riêng về công tác thông tin, tuyên truyền, cần đẩy mạnh thông tin để các cơ quan quản lý chính quyền, nhà tư vấn, chủ đầu tư, doanh nghiệp, công nhân xây dựng và người dân được phổ biến ưu điểm đối với sản xuất và sử dụng VLXKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung.

​Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ngành xây dựng cần kiên quyết thực hiện lộ trình hạn chế, xoá bỏ các lò gạch đất sét nung. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng theo quy định (công bố hợp quy) đối với VLXKN, nhằm bảo vệ lợi ích và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm các công trình phải sử dụng tỷ lệ VLXKN theo quy định.

THANH NHI - THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh