Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã An Bình:
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả
Thứ tư: 11:19 ngày 18/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xã An Bình hiện có nhiều mô hình kinh tế của nông dân phát huy hiệu quả như: trồng nấm bào ngư, trồng dừa xiêm lùn, chăn nuôi dê, tổ liên kết chăn nuôi gà...

Nhằm giữ vững và không ngừng nâng cao những thành quả đã đạt được trong phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hội Nông dân xã An Bình (huyện Châu Thành) đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất, qua đó tạo cơ hội cho nông dân phát triển kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Năm 2013, sau khi tham dự lớp đào tạo nghề trồng nấm bào ngư do Hội Nông dân xã An Bình tổ chức và được vay 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Nguyễn Thành Tâm (nông dân ngụ ấp An Hoà, xã An Bình) mạnh dạn đầu tư trại nấm bào ngư gần 80m2.

Sau một năm thực hiện mô hình, anh Tâm đã mở rộng thêm diện tích trồng nấm. Ðến nay, trại nấm của gia đình anh có diện tích gần 180m2, mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 20kg sản phẩm. Với giá bán trung bình từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi tháng anh thu lợi nhuận gần 15 triệu đồng.

Anh Tâm chia sẻ, nấm bào ngư rất giàu dinh dưỡng nên nhu cầu thị trường còn rất lớn, nhưng hiện tại ít người trồng. Do đó, anh mong muốn sắp tới, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động bà con triển khai rộng rãi mô hình này để có thể thành lập tổ liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra.

Xã An Bình hiện còn có nhiều mô hình kinh tế của nông dân phát huy hiệu quả như: trồng dừa xiêm lùn với tổng diện tích gần 8 ha đang cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho hơn 20 hộ nông dân; chăn nuôi dê tại ấp An Ðiền của 2 hộ với tổng đàn gần 300 con, mang lại lợi nhuận trung bình gần 100 triệu đồng/năm; tổ liên kết chăn nuôi gà với 20 thành viên.

Ông Dương Thanh Phong- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, trong năm 2018, Hội Nông dân xã triển khai một số dự án, mô hình mới như  trồng nấm rơm với 6 hộ tham gia; dự án chăn nuôi bò sinh sản dành cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng đàn hiện có khoảng 25 con. Hằng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Hội còn đứng ra hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với lãi suất thấp; phối hợp với các Ngân hàng như  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu điện Liên Việt, Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn, phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ nông dân cũng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể như nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay trên đầu hộ còn khá thấp, thời hạn ngắn (khoảng 1 năm). Trong khi đó, nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp thường đòi hỏi nguồn vốn tương đối lớn, thời gian thu hồi vốn dài (từ 2-3 năm), nên nhiều hộ chưa mặn mà với việc tiếp cận nguồn vốn này. Hay như vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục