Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều ngôi trường bị bỏ hoang
Thứ tư: 00:20 ngày 16/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm học mới sắp bắt đầu, các trường đều tất bật chuẩn bị chào đón học trò. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, có một số ngôi trường bị bỏ hoang, dù cơ sở vật chất còn khá mới.

Dãy lầu của Trường TH Trung Lập hiện nay.

Trường tiểu học Tân Lập (điểm Lò Than), thuộc ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên được xây dựng khá khang trang với tổng cộng 8 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, phòng bảo vệ, nhà vệ sinh, có cổng trường, hàng rào kiên cố bao bọc xung quanh. Hôm chúng tôi đến (14.8), cổng trường mở toang, không có nhân viên bảo vệ trông nom. Trước hàng rào và trong nhà để xe có nhiều vật dụng nông nghiệp như chảo máy cày, ống dây dẫn nước tưới chất ngổn ngang. Trong sân trường, cây hoang, cỏ dại mọc um tùm; nhiều phòng cửa không khoá.

Phía trong các phòng học, tập vở, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học vứt đầy trên nền gạch; có nơi chất ngổn ngang tủ sắt, bàn, ghế. Trên trần các phòng học, nhiều quạt trần còn mới tinh. Ngoài cửa sổ, dây leo chằng chịt; đồ đạc vứt đầy ngoài hành lang.

Chị Lê Hồng Nhiều, có nhà gần điểm trường này cho biết, từ khi ngôi trường không còn tổ chức dạy học, vợ chồng chị phải đưa, đón con đến học ở Trường tiểu học Tân Lập- cách gia đình gần 10km. “Dân ở đây còn khổ lắm, không có điều kiện đưa đón con đi học xa. Nếu chính quyền địa phương tổ chức ngôi trường này dạy và học trở lại thì bà con rất biết ơn”- chị Nhiều nói.

Dãy lầu của Trường TH Tân Lập (Điểm Lò Than) còn mới tinh tươm.

Ông Đào Văn Sớt- Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, Trường tiểu học Tân Lập (điểm Lò Than) là điểm lẻ của Trường tiểu học Tân Lập đã ngưng hoạt động từ khi xảy ra dịch Covid- 19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng học sinh đến trường quá ít nên xã vận động người dân địa phương đưa con em ra điểm Trường tiểu học Tân Lập học. Cơ sở hạ tầng của điểm trường Lò Than tương đối lớn, hiện nay xã không có nhu cầu sử dụng nên sẽ đề xuất với UBND huyện Tân Biên giao lại cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vào mục đích khác.

Ông Sớt cho biết thêm, ngoài điểm trường Lò Than, trên địa bàn xã còn một điểm trường khác không còn hoạt động. UBND tỉnh đã giao cơ sở vật chất này về cho xã quản lý. Nơi đây còn những phòng học cũ cho giáo viên ở tạm trú, như nhà công vụ.

Nhiều năm qua, ở ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng có Trường tiểu học Trung Lập- điểm phụ của Trường tiểu học Trung Lập, được xây dựng với quy mô khá lớn nhưng không còn hoạt động. Ngôi trường được xây dựng 1 tầng trệt, 1 tầng lầu với 6 phòng học rất khang trang, hiện đại. Công trình được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2012. Các phòng học đều được trang bị đầy đủ bàn, ghế, phấn, bảng, nhưng hiện tại đều bị xếp xó; thời khoá biểu, sách vở vứt lăn lóc. Một vài phòng học trở thành nơi chứa tàu dừa khô, bạt ni-lông, xe đạp cũ của người dân ở gần trường.

Điểm Trường THCS Phước Chỉ ven sông Vàm Cỏ Đông đã bị tróc mái tôn khá nhiều.

Anh Phạm Văn Nhân, ngụ địa phương cho biết, khi mới hoàn thành, ngôi trường này có một số học sinh ở địa phương và các ấp lân cận đến học, trong đó có con gái của vợ chồng anh. Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông nội đồng ở các địa phương đi lại thuận tiện nên các em ở vùng lân cận đều chuyển đến điểm trường khác học tập, trong ấp chỉ còn vài học trò đến trường. Vì vậy, chính quyền địa phương chuyển học sinh đến Trường tiểu học Phước Long. Đã hơn 6 năm, ngôi trường này đóng cửa.

Cách điểm Trường tiểu học Trung Lập vài trăm mét là điểm Trường THCS Phước Chỉ. Từ khi Phước Chỉ được đầu tư xây dựng Trường THCS Phước Chỉ mới gần trụ sở UBND xã, học sinh vào trường mới học tập, ngôi trường ven sông này bỏ trống. Hiện nay, trước sân trường đã được xây dựng Nhà văn hoá ấp Phước Trung, phía sau vẫn còn một dãy phòng học bỏ hoang tàn. Nhiều phòng học không còn cửa lớp, cỏ dại mọc um tùm. 

Ông Lê Vũ Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho hay, ngoài những điểm trường nêu trên, trên địa bàn xã còn điểm Trường tiểu học Phước Trung (ấp Phước Trung) bỏ hoang. Những năm trước đây, đường giao thông nội đồng chưa có nên xã Phước Chỉ tạo điều kiện cho mỗi ấp có một điểm trường để thuận tiện cho trẻ em đến lớp. Sau khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư, các em học sinh dễ dàng đến những điểm trường có quy mô lớn. Từ đó, các trường không đủ học sinh để tổ chức dạy và học, phải tập trung các em về học ở những điểm trường lớn.

Trong các phòng học nhiều sách vở, đồ dùng dạy học, bàn ghế học sinh xếp xó.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã giao những điểm trường không còn sử dụng lại cho địa phương, được xã tận dụng làm nhà văn hoá ấp để bảo đảm tiêu chí nông thôn mới. Điểm trường nào không sử dụng, xã giao cho Ban quản lý ấp bảo quản, sau này, nếu dân cư phát triển thì sẽ hoạt động trở lại, để các cháu khỏi phải đi học xa.

Trong một phòng học của Trường TH Tân Lập (Điểm Lò Than), tủ, bàn, nghế ngỗn ngang.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh ta phát triển, hệ thống đường giao thông, trường học được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, thuận lợi cho việc đến trường. Tuy nhiên, nếu trước khi xây dựng các điểm trường nêu trên, chính quyền địa phương và ngành chức năng dự báo chính sách đầu tư trong tương lai chính xác hơn, có lẽ không dẫn đến tình trạng trường học bị bỏ hoang phế.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh