Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện cảnh giác

Nhiều người bị lừa số tiền lớn qua mạng xã hội

Cập nhật ngày: 02/06/2018 - 08:41

BTN - Chuyện lừa đảo qua mạng xã hội đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến nhiều nạn nhân phải “kêu trời” vì tin tưởng những người bạn “ảo” trên mạng như “nhờ nạp giùm card điện thoại”, “ông chú làm ở nhà mạng”…

Sau thời gian im hơi lặng tiếng, hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội lại xuất hiện trở lại và có “tính chuyên nghiệp” hơn. Hình thức lừa đảo tinh vi, khiến không ít người tham gia mạng xã hội, đặc biệt là những người mới tham gia “sập bẫy”.

Ðại tá Trần Văn Luận, Trưởng Công an thành phố Tây Ninh cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Tây Ninh nổi lên tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Ðối tượng tạo các nick Zalo hoặc Facebook giả giống bạn bè, người thân của nạn nhân, hoặc hack nick mà bạn bè, người thân của nạn nhân đang sử dụng.

Sau khi chiếm được tài khoản này, đối tượng liền nhắn tin bằng Zalo hoặc Facebook với nội dung cần gấp một số tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Do chủ quan, thiếu kiểm tra lại trước khi chuyển tiền, nên nhiều người đã chuyển tiền nhiều lần cho các đối tượng lừa đảo, gây thiệt hại lớn.

Trưởng Công an Thành phố dẫn chứng vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội Zalo như sau: ngày 2.4.2015 chị Ð.T.K.N nhận tin nhắn từ tài khoản Zalo tên M với nội dung đang cần tiền gấp, nhờ chị N chuyển giúp. Ðược biết, tài khoản tên M là tài khoản Zalo của chị L.T.X.M (bạn của chị N- NV). Do thường xuyên liên lạc với nhau qua mạng xã hội này, nên chị N tin tưởng và chuyển số tiền 9.000.000 đồng vào số tài khoản ngân hàng 1021000008089 và 0201000586998.

Cùng thời điểm trên, chị L.T.X.M cũng nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo, có tên giống tài khoản Zalo chị Ð.T.K.N đang sử dụng, nội dung nhờ chị M chuyển vào số tài khoản 1021000008089 số tiền 10.000.000 đồng. Sau khi chuyển tiền, chị N và chị M liên lạc với nhau mới biết các tài khoản trên là giả, các đối tượng đã tạo tài khoản giống như hai chị và lừa chiếm đoạt tổng cộng 19.000.000 đồng.

Theo Ðại tá Trần Văn Luận, trước đó, ngày 4.5.2018, anh V.X.T nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook tên Q.S với nội dung đang cần tiền gấp, nhờ anh T chuyển tiền qua tài khoản, sẽ trả lại sau. Facebook tên Q.S là của người em họ anh T đang đi xuất khẩu lao động ở Nga. Hai anh em thường xuyên liên lạc với nhau qua mạng xã hội nên T tin tưởng và chuyển tiền vào số tài khoản do Q.S cung cấp (số 106002591076 và 102868324822) với tổng số tiền 50.000.000 đồng. Khi chuyển xong, anh T liên lạc với anh S thì được biết Facebook của anh S đã bị đối tượng đánh cắp và sử dụng để lừa anh T chiếm đoạt số tiền trên.

Hai vụ việc trên là điển hình cho thấy, sự chủ quan của nạn nhân và nhiều người tham gia mạng xã hội đã tạo điều kiện cho tội phạm có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Ðể chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân trên địa bàn, trong thời gian tới, Công an Thành phố sẽ thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến cán bộ, người dân để nâng cao cảnh giác.

Ðại tá Luận cảnh báo thêm: “Khi có bạn bè, người thân nhắn tin yêu cầu chuyển tiền, phải kiểm tra lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để xác nhận, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa xác nhận lại thông tin trong tin nhắn”.

ÐỨC AN