Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhiều người biết Luật nhưng vẫn vi phạm
Thứ hai: 06:23 ngày 15/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Nghị định 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2016, trong đó các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ đều tăng so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, hoặc biết nhưng vẫn để bản thân vi phạm các lỗi giao thông.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2016, thay thế cho Nghị định số 171/2013/ NĐ-CP Nghị định số 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.

Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi Nghị định 46/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 46), nhất là mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ (tăng cả về hình phạt tiền lẫn hình phạt bổ sung so với các nghị định trước đây).

Dù đèn đỏ còn đến 3 giây nhưng nhiều người đã điều khiển phương tiện đi qua ngã tư. (Ảnh chụp tại giao lộ Cách mạng Tháng 8- Nguyễn Chí Thanh).

Cụ thể, Nghị định 46 quy định, người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở….

Mặc dù mức phạt vi phạm lỗi đã tăng cao, và dường như nhiều người vẫn biết quy định mới về mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ theo Nghị định 46 nhưng vẫn còn không ít người cố ý vi phạm. Theo ghi nhận của phóng viên, tại ngã tư đường Cách mạng Tháng 8 – Nguyễn Chí Thanh (phường III, thành phố Tây Ninh), vẫn còn nhiều trường hợp không chờ đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu xanh mà đã vượt. Một thanh niên điều khiển xe vượt đèn đỏ khi chỉ còn 3 giây, cho biết, anh biết mức phạt mới về lỗi vi phạm này là từ 300.000-400.000 đồng, nhưng do “có việc gấp và không thấy… cảnh sát giao thông” nên anh mới vượt đèn đỏ.

Còn tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Văn Rốp (phường IV, thành phố Tây Ninh), mới hơn 15 giờ mà đã nhiều bàn nhậu xôm tụ khách. Một thực khách cho chúng tôi biết, ông cũng có nghe loáng thoáng việc uống rượu điều khiển xe môtô sẽ bị phạt nặng hơn, nhưng do bạn bè rủ nên ông ghé lại uống chút đỉnh, “chút nữa tui chọn chạy đường hẻm trong xóm để về nhà ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, chắc cũng không gặp cảnh sát giao thông đâu”- ông bảo.

Theo Công an thành phố Tây Ninh, từ khi áp dụng Nghị định 46 xử phạt đối với người vi phạm giao thông, tính từ ngày 1- 5.8.2016, lỗi phổ biến bị phạt là điều khiển xe môtô không có giấy phép lái xe, nhiều trường hợp người điều khiển xe môtô không mang theo giấy đăng ký xe. Đặc biệt, có đến 5 trường hợp bị xử phạt do hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng)

Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền về Luật cũng như Nghị định mới, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để người dân nâng cao ý thức, có trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông.

Thiên Tâm

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục