BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều người khốn đốn vì “vỡ nợ, bể hụi” tiền tỷ

Cập nhật ngày: 03/11/2010 - 10:43

(ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh ta liên tiếp xảy ra nhiều vụ “vỡ nợ”, “bể hụi” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, khiến nhiều chủ nợ tán gia bại sản vì bao nhiêu vốn liếng và tiền của vay mượn để chơi hụi hoặc cho vay với lãi suất cao đã “tan thành mây khói”. Trong nhiều trường hợp, khi các chủ nợ, hụi viên phát hiện “vỡ nợ”, “bể hụi” thì con nợ của họ hầu như không còn tài sản gì đáng kể để bán trả nợ. Những trường hợp này, khi kiện ra toà dân sự, cho dù toà xử chủ nợ thắng kiện đi nữa nhưng hy vọng lấy lại tiền là quá… xa xôi. Một số trường hợp, các chủ nợ gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nhưng được trả lời không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Vừa qua, nhiều người đã gửi đơn đến cơ quan chức năng huyện Bến Cầu, “yêu cầu giải quyết” trường hợp vợ chồng bà M về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo trình bày của ông bà T, năm 2009, vợ chồng bà M nợ tiền vay và tiền hụi của 7 người làm việc cùng cơ quan khoảng trên 1,5 tỷ đồng (theo thông tin từ TAND huyện Bến Cầu, từ ngày 20.4.2010 đến ngày 16.7.2010, Toà đã thụ lý 7 vụ án dân sự sơ thẩm mà bị đơn là bà M). Người cho bà M mượn nhiều nhất gần 370 triệu đồng. Cuối tháng 4.2010, các chủ nợ đã gửi đơn đến TAND huyện Bến Cầu, yêu cầu toà xét xử buộc vợ chồng bà M phải trả nợ cho họ. Khoảng 4 tháng sau, các chủ nợ nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND huyện Bến Cầu vì Toà còn phải chờ cơ quan điều tra Công an huyện Bến Cầu kết luận vụ “vỡ nợ” này có dấu hiệu vi phạm hình sự hay không. Vậy là các chủ nợ tiếp tục “ngồi trên đống lửa” chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng. Các con nợ cho rằng thời gian này đủ để con nợ tẩu tán hết tài sản. Một chủ nợ tên C cho biết, trước đó, lo ngại vợ chồng bà M “tìm kế hoãn binh” để tẩu tán tài sản, bà đã gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Bến Cầu. Ngày 24.6.2010, Công an huyện có công văn trả lời cho biết đã chuyển hồ sơ sang TAND huyện Bến Cầu thụ lý, giải quyết. Hai tháng sau, TAND huyện Bến Cầu lại có văn bản gửi Công an huyện và Viện KSND huyện, cho biết Toà tạm đình chỉ các vụ kiện mà bà M là bị đơn, chờ… ý kiến kết luận của cơ quan điều tra.

Một trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn Thị xã. Có đến 14 chủ nợ gửi đơn tố cáo đến ngành chức năng hành vi lừa đảo của vợ chồng bà T. Các chủ nợ cho biết, thấy vợ chồng bà T có cơ ngơi bề thế, “làm ăn lớn” nên tin tưởng giao cho họ tổng số tiền gần… 5 tỷ đồng. Đùng một cái, bà T tuyên bố “vỡ nợ”, tài sản trong nhà cũng lần lượt “lặng lẽ ra đi”. Bà P, một chủ nợ rầu rĩ cho biết, khi phát hiện bà T có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bà và một số chủ nợ đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an. Sau một thời gian khá dài chờ đợi, các chủ nợ được cơ quan điều tra trả lời cho biết vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án dân sự.

Toà dân sự đã thụ lý đơn kiện của một số chủ nợ trong vụ kiện đòi tài sản (tiền) mà bà T là bị đơn. Tuy nhiên, đến thời điểm toà xử thì tài sản của bà T hầu như chẳng còn gì ngoài căn nhà. Nhưng khổ nỗi, căn nhà này đã bị bà T thế chấp ngân hàng từ trước nên ngân hàng được quyền phát mãi, bán đấu giá để thu hồi nợ. Vậy là các chủ nợ dù thắng kiện nhưng “mất tiền”.

Mới đây, ở Hoà Thành suýt xảy ra án mạng từ việc đi đòi nợ. Chị T có chồng làm đầu công cho một nhà thầu “đại gia”, chuyên lãnh thầu thi công các công trình thuỷ lợi trong tỉnh. Mặc dù chủ thầu đã ứng tiền tỷ từ chủ đầu tư nhưng không hiểu sao không thanh toán tiền thuê nhân công xây lắp suốt nhiều tháng trời, báo hại anh đầu công phải vay mượn chi trả cho những người anh đã thuê thi công công trình với số tiền hơn 30 triệu đồng- một tài sản lớn đối với người đi làm thuê. Đòi mãi không thấy nhà thầu trả tiền mà chỉ nhận được những cái hẹn triền miên, chị T đâm quẫn trí, ẵm con nhỏ ra nhà “con nợ”, tay cầm theo chai… thuốc bảo vệ thực vật. Chị T bảo: “Đòi nợ không được, về nhà bị chủ nợ hối thúc nặng lời riết chịu không nổi, không muốn sống nữa…”. May mà nhiều người (trong đó có gia đình con nợ) lao vào giật chai thuốc độc ra. Sau nhiều ngày khổ sở “chầu chực” ở nhà con nợ vì bị lánh mặt, chị T vỡ lẽ rằng số tiền mà “đại gia” nợ chị chẳng thấm vào đâu so với những chủ nợ khác. Những người này cũng đi đòi nợ và cho chị biết, số tiền mà “đại gia” mắc nợ khoảng 4 đến 5 tỷ đồng nên đã tuyên bố “phá sản”. Đồng thời, nhiều tài sản của “con nợ” cũng đã “âm thầm biến mất” trong thời gian gần đây, trong đó có cả bất động sản. Chị T chỉ còn biết kêu trời!

Đơn tố cáo, yêu cầu giải quyết của nhiều nạn nhân gửi cơ quan chức năng

Trong số những chủ nợ khốn khổ, có những người tích cóp cả tài sản dành dụm gần cả đời mới có. Có người vì ham lãi suất cao nên đi vay mượn từ người thân, bạn bè, người quen về cho “đại gia” vay lại. Cũng có người là công chức, viên chức, lương ba cọc ba đồng cũng đi “huy động vốn” về cho “đại gia” vay. Khi đối mặt với nguy cơ trắng tay, nhiều “chủ nợ” hoá thành “con nợ” của nhiều chủ nợ khác, kéo theo nhiều người cùng lâm vào cảnh quẫn bách.

Hầu hết các chủ nợ đều lấy làm khó hiểu trước việc con nợ “đại gia” của họ bỗng dưng “vỡ nợ” nên cho rằng đã có sự sắp xếp trước. Do đó, khi vụ việc vỡ lỡ, các chủ nợ phải nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết thì hầu như tài sản của con nợ chẳng còn bao nhiêu để “gỡ gạc”. Các con nợ cho rằng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, một số người đã “dàn dựng” những kịch bản vay tiền với lãi suất cao để “làm ăn” hoặc tổ chức, tham gia các đường dây hụi để đưa nhiều người vào tròng.

Các vụ “vỡ nợ”, “bể hụi” không những để lại hậu quả rất lớn về kinh tế, khiến nhiều người lao đao, lâm vào đường cùng mà còn tác động tiêu cực đến xã hội, khiến dư luận hoang mang. Có lẽ, để không phải lâm vào cảnh “tiền mất, nợ mang”, trở thành nạn nhân của những vụ “vỡ nợ, bể hụi”, mọi người cần cảnh giác, không nên vì ham lãi suất cao mà trắng tay. Bởi suy cho cùng, những “đại gia” thực sự nhiều tiền lắm bạc, cơ ngơi đồ sộ, “làm ăn lớn” thì hà cớ gì lại vay mượn hàng tỷ đồng với lãi suất cao và sau đó bỗng dưng “phá sản”?!

ĐÌNH CHUNG