Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều nơi cần đầu tư kênh tưới nội đồng
Thứ hai: 00:20 ngày 26/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên vẫn còn nhiều nơi chưa có hệ thống thuỷ lợi dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô.

Tuyến kênh nhánh bằng đất do người dân tự làm để dẫn nước từ kênh chính của trạm bơm Hoà Thạnh 2.

Trong sản xuất nông nghiệp, nước tưới luôn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng thuỷ lợi. Nhất là việc phát triển hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng để dẫn nước, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên vẫn còn nhiều nơi chưa có hệ thống thuỷ lợi dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô.

Có kênh chính, thiếu kênh nhánh

Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đầu tư xây dựng trạm bơm Hoà Thạnh 2 với mục tiêu phục vụ nước tưới cho khoảng 368 ha đất nông nghiệp ở xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Đến năm 2015, dự án hoàn thành và được đưa vào vận hành khai thác, tuy nhiên, sau gần 10 năm, hệ thống thuỷ lợi này mới chỉ phục vụ nước tưới được khoảng 200 ha (bằng 60% công suất thiết kế).

Theo ông Dương Văn Tuấn- cán bộ Quản lý Trạm bơm Hoà Thạnh 2, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, trạm bơm chỉ được đầu tư một tuyến kênh chính và một tuyến kênh cấp một. Trong khi theo thiết kế, để cung cấp đủ nước tưới, hệ thống cần đến 10 tuyến kênh nhánh dẫn nước. Hiện nguồn nước từ trạm bơm mới chỉ cung cấp một phần diện tích đất sản xuất có hệ thống kênh chính chạy qua. Người dân có đất gần phải tự đấu nối ống nhựa men theo bờ dẫn nước từ kênh chính để tưới. Diện tích còn lại, đa số là của những hộ ở xa, không có kênh thuỷ lợi nội đồng, do vậy, để có nước phục vụ sản xuất, người dân địa phương vẫn phải sử dụng nước ngầm thông qua các giếng khoan.

Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh cho biết, vào mùa khô, nhiều diện tích đất tại đây thường thiếu nước tưới, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, nhiều hộ phải đào giếng sâu từ 2-3m rồi mới khoan giếng đặt máy bơm nước, mỗi lần cần nước tưới, gia đình bà phải đặt máy bơm liên tục khoảng ba, bốn ngày mới đủ nước, chi phí để tưới một héc-ta lúa từ lúc làm đất đến thu hoạch khoảng 3-4 triệu đồng tiền điện. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm tại khu vực này bị nhiễm phèn nặng nên việc canh tác rất khó khăn, các loại cây trồng thiếu nước nên sinh trưởng kém, năng suất thấp hơn so với những nơi khác. Theo bà Hiền, nếu được đầu tư hệ thống kênh tưới nội đồng dẫn nước từ tuyến kênh chính của trạm bơm Hoà Thạnh 2 sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước tưới và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Ông Trương Văn Vinh, ngụ xã Hoà Hội, đang canh tác gần 1,2 ha lúa tại ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, cách tuyến kênh chính của Trạm bơm Hoà Thạnh 2 khoảng 300m cho biết, việc sử dụng nước tưới của ông và các hộ xung quanh khá khó khăn, người dân phải tự làm kênh đất dẫn nước, người phía sau phải chờ người phía trước lấy đủ nước tưới mới tới lượt mình, mất nhiều thời gian.

Ông Phạm Đình Giản- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, từ nhiều năm qua, các địa phương ở khu vực bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông vẫn thường xuyên chịu cảnh thiếu nước tưới vào mùa khô, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù đã có một số trạm bơm được đầu tư, đưa vào hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng so với diện tích thực tế thì số diện tích thực tưới của những trạm bơm chẳng thấm vào đâu.

Người dân phải tự nối ống lấy nước từ kênh chính của trạm bơm Hoà Thạnh 2 phục vụ sản xuất.

Xã Hoà Thạnh là địa phương được ưu ái với 2 trạm bơm cung cấp nước cho hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, thế nhưng điều bất cập là đến nay hệ thống kênh thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng dẫn nước từ tuyến kênh chính vào tưới cho những cánh đồng hầu như chưa được đầu tư, những nông dân có ruộng ở xa không thể lấy nước vào ruộng sản xuất.

Theo ông Giản, theo phân cấp đầu tư, dự án Trạm bơm Hoà Thạnh 2 được tỉnh đầu tư hai hạng mục là trạm bơm và tuyến kênh chính, còn các tuyến kênh nhánh cấp 1, 2 sẽ do địa phương đầu tư. Tuy nhiên, do là huyện có nhiều xã biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên nguồn thu ngân sách rất hạn chế. Do đó, đến nay, huyện mới chỉ đầu tư được 1/10 tuyến kênh nhánh cấp 1, trong khi theo thiết kế, dự án cần đến 10 tuyến kênh cấp 1 mới bảo đảm diện tích tưới, phát huy hết công suất của trạm bơm.

Thiếu nước tưới vì chưa có công trình thuỷ lợi

Là địa phương tiếp giáp với công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có hệ thống thuỷ lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với 71 tuyến kênh nội đồng, tổng chiều dài trên 33km, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khu vực thuộc các xã Suối Đá, Bàu Năng, Phan chưa có công trình thuỷ lợi, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Trong đó có khu vực Sân Đình (địa danh do người dân địa phương gọi), thuộc ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu gần như không có nước tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Thu, ngụ ấp Phước Long 2 cho biết, hằng năm, khi bước vào mùa khô, tình hình thiếu hụt nước tại khu vực này rất nghiêm trọng, người dân phải chắt chiu từng giọt nước dùng để sinh hoạt, làm gì có nước tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Thông, chủ trang trại nho Vang Cy tại ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu cho biết, do gần núi (núi Bà Đen) nên địa hình khu vực Sân Đình từ xưa đến nay cứ đến mùa khô là cây cối chết dần chết mòn vì không có nước tưới, việc canh tác của người dân chỉ diễn ra khi có mưa. Theo ông Thông, khu vực này có đất đai màu mỡ, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như mãng cầu, nho rừng, mì… nếu được đầu tư hệ thống thuỷ lợi sẽ là đòn bẩy để người dân nơi đây thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

“Ở đây mà có nước tưới là dân giàu lắm, Nhà nước mà làm được hệ thống tưới coi như là cho tiền, cho vàng người dân rồi đó”- ông Thông chia sẻ thêm.

Ông Bành Minh Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Phan cho biết, khu dân cư Sân Đình thuộc ấp Phước Long 2 có tổng diện tích khoảng 200 ha. Đây là khu vực có địa hình tương đối cao hơn so với các khu vực xung quanh, nên đến mùa khô lại diễn ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, đời sống nhân dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lợi, địa phương đã ghi nhận nhiều ý kiến của nhân dân đề nghị Nhà nước đầu tư hệ thống thuỷ lợi cho khu vực này. Xã cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện khảo sát thực tế và đề xuất với huyện, tỉnh sớm có phương án đầu tư hệ thống thuỷ lợi, phục vụ nước tưới cho khu vực này.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh