Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều nông dân bắt đầu trồng chanh dây
Thứ tư: 08:13 ngày 24/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu, Dương Minh Châu đã có một số nông dân trồng hơn 100 ha chanh dây. Bước đầu cho thấy, loài dây leo này tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở Tây Ninh.

Ông Còn (bìa trái) giới thiệu vườn chanh dây của mình với lãnh đạo Công ty Đồng Giao và lãnh đạo Sở NN&PTNT Tây Ninh.

RỦ NHAU TRỒNG CÂY “MỚI”

Chanh dây (còn gọi là chanh leo) là loại cây trồng khá mới lạ đối với nông dân Tây Ninh. Những năm trước, chanh dây được trồng với số lượng nhiều ở những vùng đất cao, khí hậu mát mẻ như Gia Lai, Lâm Đồng... Không ngờ, khi đem về trồng thử trên đất Tây Ninh, chanh dây cũng xanh tốt và cho trái không thua kém những vùng chuyên canh khác.

Người đầu tiên trồng chanh dây quy mô tương đối lớn ở Tây Ninh là ông Trần Văn Hưng, với diện tích 1,6 ha ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Tính đến nay, vườn chanh dây của ông Hưng được hơn một năm tuổi và đã cho thu hoạch được nhiều lứa.

Nói về cơ duyên dẫn đến nghề này, ông Hưng kể, trước đây, trên phần đất này ông trồng cây cao su. Những năm gần đây, mủ cao su rớt giá, ông không còn “mặn” với cây cao su nữa nên đã đi nhiều nơi, tìm giống cây trồng mới.

Nhân một lần lên Tây Nguyên, thấy người bạn là đồng đội cũ trồng chanh dây khá hiệu quả, tò mò học hỏi, ông Hưng được người bạn hướng dẫn cách chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ. Nhớ lại vườn cao su vài ba năm tuổi của gia đình đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, ông liền nghĩ ra cách chặt đọt cây cao su, giữ lại thân cây dùng làm cọc để căng dây, mắc giàn cho chanh dây leo. 

Trở về nhà, ông Hưng đặt mua 1.000 gốc chanh dây giống Đài Loan đem về trồng xen trong 2 ha vườn cao su của gia đình. Lần đầu tiên trồng loại cây mới lạ này, ông chưa có kinh nghiệm nhiều nên có 200 gốc chanh bị chết. Số còn lại dần thích nghi với đất trồng và được chăm sóc đúng cách nên sau 5 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Hiện nay, mỗi ngày, vườn chanh dây của ông Hưng cho thu hoạch từ 500- 1.000kg trái. Ông bán cho thương lái thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg hoặc chở ra tỉnh Lâm Đồng bán cho một công ty thu mua với giá từ 15.000- 17.000 đồng/kg.

Theo chu kỳ, sau 2,5 năm thu hoạch liên tục chanh dây mới tàn và ông trồng lại đợt khác. Người nông dân này cho biết, ông chuẩn bị mở rộng diện tích trồng thêm 10 ha chanh dây nữa.

Ở huyện Tân Châu, Tân Biên có nhiều “đại gia” đang sở hữu hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha cao su. Nắm bắt tình hình, biết được Tây Ninh đang xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó, chanh dây sẽ là một trong những cây chủ lực, một số “đại gia” cao su bắt đầu rẽ sang cây trồng này.

Điển hình trong xu thế đó là ông Nguyễn Văn Còn, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Đầu năm 2017, ông Còn mạnh dạn cắt đọt 66 ha cao su 3 năm tuổi để trồng xen canh chanh dây. Ông tận dụng những thân cây cao su làm trụ để mắc giàn cho chanh dây leo nên không phải tốn thêm chi phí mua trụ xi măng về làm giàn như những nhà vườn khác.

Đến nay, vườn chanh dây của ông Còn đã lớn và bắt đầu cho trái. Giải thích về việc lựa chọn lĩnh vực mới này, ông cho biết: “Tôi nhận thấy chanh dây cũng dễ trồng và trái cây này có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ con người. Hiện nay, trên thị trường, nhu cầu tiêu thụ loại trái cây này khá cao”.

Vườn chanh dây của ông Còn đã ra những quả đầu mùa.

“CÚ HÍCH” CHO NÔNG DÂN

Đầu tháng 5.2017, Nhà máy Tanifood (thuộc Công ty Lavifood) được khởi công xây dựng tại huyện Gò Dầu. Sau đó vài ngày, Công ty Đồng Giao tiếp tục vào tìm hiểu thị trường, tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao để xin phép UBND tỉnh cho đầu tư ở huyện Tân Biên một nhà máy sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chanh dây.

Những tin vui này như “cú hích” đối với nông dân, khiến nhiều nhà nông an tâm đầu tư trồng chanh dây. Ông Nguyễn Văn Còn chia sẻ: “Lúc mới trồng chanh dây, tôi có phần trăn trở về đầu ra. Nhưng nay thấy trong tỉnh đã khởi công xây dựng nhà máy Tanifood ở Gò Dầu và Công ty Đồng Giao Ninh Bình đang định đầu tư xây dựng nhà máy ở Tân Biên, chúng tôi phấn khởi, không còn lo ngại thiếu đầu ra nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết: “Theo thống kê của Trung tâm, đến nay, trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu, Dương Minh Châu đã có 7 người đầu tư trồng chanh dây với tổng diện tích hơn 110 ha.

Trong khi đó, với công suất tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày của nhà máy Tanifood, thì diện tích trồng chanh dây phải đạt 2.000 ha mới đáp ứng nhu cầu”. Ông Dũng cho biết thêm: “Chanh dây ở Tây Ninh đạt năng suất trung bình 60 tấn/ha, thấp hơn năng suất tại Gia Lai 20 tấn/ha, nhưng chanh dây của Tây Ninh sau khi xét nghiệm ở hai Công ty Lavifood và Đồng Giao Ninh Bình đều cho kết quả về độ ngọt đạt 16,8% - cao hơn 0,6% so với chanh dây trồng tại Gia Lai (16,2%)”.

Chanh dây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây trồng mới đối với Tây Ninh và tỉnh ta được đánh giá là địa phương có nhiều vùng đất phù hợp với loại cây trồng này.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng chanh dây không đạt chất lượng, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh khuyến cáo bà con nông dân nên chọn vị trí đất đai phù hợp và chọn mua giống chanh dây bảo đảm chất lượng. Ngành Khuyến nông sẽ sẵn sàng tư vấn cho bà con nông dân cách chọn giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng chanh dây có năng suất cao để đáp ứng yêu cầu, của nhà máy.

Đại Dương - Tâm Giang

Kỹ thuật trồng chanh dây: Loại cây này thích hợp đất thoáng xốp, giàu chất hữu cơ như đất thịt nhẹ, đất đỏ Bazan. Nên làm giàn theo kiểu chữ T, chanh dây sẽ phát triển tốt hơn do tiếp xúc ánh sáng nhiều, hạn chế nấm bệnh. Làm giàn cao 1,8- 2 mét với các trụ tre, gỗ hoặc bê tông, bên trên căng lưới thép với khoảng cách ô vuông 40 x 40cm cho dây leo. Chanh leo cần độ ẩm cao, vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần. Vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn để gúp cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục. Ở giai đoạn làm trái, nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc trái bị teo. Sau thu hoạch trái, cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái, để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau đó, cây sẽ ra chồi mới, phân cành. Nếu chanh dây không được đốn tỉa vào cuối năm, sang năm mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển, làm hạn chế năng suất. Chanh dây rất thích hợp với các loại phân hữu cơ, nhất là phân chuồng ủ hoai. Chanh dây thường gặp một số bệnh như bệnh đốm nâu (brown spot), bệnh ghẻ (scab) v.v…

(Theo trang Web Làm Nông)

 

Tin cùng chuyên mục