BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều quy định mới trong Luật Căn cước 

Cập nhật ngày: 04/12/2023 - 07:49

BTN - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Trong đó, Luật Căn cước là một trong những dự án luật được đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Lấy mẫu vân tay làm thẻ căn cước công dân gắn chip tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Báo cáo cử tri kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban ngành tỉnh, lực lượng vũ trang và các tổ chức tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày 1.2 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Luật Căn cước được ban hành nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Qua đó góp phần xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều (tăng 1 chương, 10 điều so với Luật Căn cước công dân hiện hành), trong đó đã bổ sung quy định về: cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu; tích hợp số thông tin vào thẻ căn cước; bổ sung quy định về căn cước điện tử... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

Bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

Trên thực tế, công dân Việt Nam đang sử dụng nhiều loại giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân gắn chip (CCCD), Luật Căn cước quy định về mẫu giấy tờ tuỳ thân mang tên thẻ căn cước, khiến nhiều người băn khoăn CMND, thẻ CCCD đã cấp còn hiệu lực có phải đi làm lại?

Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước, tất cả thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân có nhu cầu được cấp đổi sang thẻ căn cước. Riêng đối với CMND còn thời hạn thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15.1.2024 đến trước ngày 30.6.2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.6.2024.

Tuệ Lâm