Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, chủ lực là bốn ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) để hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân vay vốn với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Sau gần 1 năm triển khai gói tín dụng, đến nay, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giải ngân được vốn chính sách, trong khi nhu cầu NƠXH giá rẻ ngày càng cao.
Người lao động khó tiếp cận
Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: việc quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động; việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…
Công nhân lao động khó tiếp cận vốn vay chính sách nhà ở xã hội (trong ảnh, công nhân làm việc tại một công ty hạt điều)
Anh Trịnh Quốc Dũng, quê ở Sóc Trăng, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Phước Đông (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) cho biết, năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, anh cùng vợ đến Khu công nghiệp Phước Đông làm việc cho đến nay. Hiện tổng thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mặc dù là đối tượng có thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân hằng tháng nhưng sau nhiều năm tích góp, ước mơ về một tổ ấm để “an cư lạc nghiệp” của vợ chồng anh vẫn rất xa vời bởi giá nhà, đất liên tục tăng. Để an tâm làm việc, vợ chồng anh phải gửi các con về quê cho ông bà nuôi do chưa có chỗ ở ổn định. Với mong muốn có được một chỗ ở ổn định để nuôi dạy con cái, anh Dũng và vợ đã nỗ lực làm thêm, tiết kiệm chi tiêu, chắt chiu dành dụm, rồi vay mượn người thân mới đủ mua một mảnh đất nhỏ, cách chỗ làm việc hơn 10km.
Theo anh Dũng, có được mảnh đất đã khó, việc có được ngôi nhà còn khó hơn, khi chi phí xây dựng lên ước tính vài trăm triệu đồng, trong khi nguồn thu nhập của hai vợ chồng anh hiện chỉ đủ trả gốc và lãi cho số tiền đã vay của họ hàng.
Ông V.H.T, ngụ thành phố Tây Ninh cho biết, đợt cuối năm 2023, ông có tìm hiểu để mua một căn hộ trong dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng (phường 2, thành phố Tây Ninh). Tuy nhiên, do số tiền hiện có của gia đình không đủ nên ông tìm đến một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để hỏi vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Sau khi được tư vấn về các điều kiện vay vốn, ông được cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết, gia đình ông chưa đáp ứng được điều kiện để được vay vì không thuộc người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
Theo ông T, mặc dù thu nhập của ông thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng trên thực tế, với thu nhập này, gia đình ông vừa phải chi tiêu sinh hoạt vừa chu cấp cho cha mẹ hai bên, rất khó để vừa đủ tiền trang trải sinh hoạt, vừa đủ tiền trả nợ ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội liên tục được điều chỉnh. Cụ thể, trước ngày 30.6.2023, mức lãi suất đối với chủ đầu tư dự án NƠXH là 8,5%/năm và 8,2% đối với người mua nhà; từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12.2023, lãi suất cho vay theo chương trình đã giảm 0,5% so với thời kỳ trước (8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7% đối với người mua nhà) và từ ngày 1.1.2024 đến ngày 30.6.2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà.
Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người, lãi suất cho vay như vậy vẫn cao, không phù hợp với người có thu nhập thấp. Một số người còn đánh giá, gói 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói vay đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm và với chủ đầu tư là 3 năm là quá ngắn.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, công nhân, viên chức đang có nhu cầu về nhà ở rất nhiều. Theo đó, năm 2023, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu về việc xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh, kết quả, có gần 92% người lao động được khảo sát có nhu cầu về nhà ở.
Chưa giải ngân được gói 120.000 tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 dự án nhà ở xã hội là “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” do Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh thông báo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn.
Dự án được khởi công năm 2016 và đã mở bán năm 2017. Đến nay, Sở Xây dựng đã xét duyệt 118 hồ sơ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại dự án.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh, tính đến hết năm 2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh cho vay khách hàng mua nhà ở xã hội của “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” đã liên hệ với các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM) trên địa bàn để vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản hồi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh, chủ đầu tư chưa chứng minh được vốn đối ứng tham gia dự án, năm 2022 không phát sinh doanh thu... nên không được cấp tín dụng.
Hiện, phía chủ đầu tư mới được Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDbank) đồng ý cấp tín dụng (500 tỷ đồng) để bổ sung vốn thực hiện dự án, đã giải ngân được 459 tỷ đồng.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh, doanh số cho vay trong năm 2023 là 50 tỷ 226 triệu đồng, với 109 lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đến 31.12.2023 là 122 tỷ 928 triệu đồng, với 321 khách hàng đang còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay mua NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP với dư nợ đến 5.3.2024 là 22 tỷ 290 triệu đồng, với 48 khách hàng mua nhà ở xã hội của “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng”; dư nợ cho vay xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở 100 tỷ 638 triệu đồng, với 273 khách hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngày 5.3.2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh đã chủ trì mời lãnh đạo các ngân hàng, lãnh đạo công ty để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan việc cho vay gói 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà ở xã hội (điều kiện, mức cho vay, bảo đảm tiền vay, lãi suất, hồ sơ, quy trình cho vay...) để chủ đầu tư giới thiệu người vay, tiếp cận vốn vay. Đồng thời cam kết đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Minh Dương