Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Nhiều sửa đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật Lao động mới
Thứ ba: 07:17 ngày 05/01/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều nội dung mới đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Đây là văn bản pháp luật liên quan đến mọi tầng lớp xã hội; những quy định của dự thảo lần này sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới doanh nghiệp (DN), đồng thời tăng cơ hội việc làm và quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Dự thảo BLLĐ có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập, đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ

Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động (BLLĐ) có khá nhiều điểm mới và được điều chỉnh phù hợp hơn với hiện hành dựa trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực tiễn thực hiện trong thời gian qua và phù hợp yêu cầu của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay.

Với bố cục gồm 17 chương với 276 điều (BLLĐ hiện hành có 198 điều), tại mỗi chương, dự thảo quy định từng vấn đề thành các mục riêng rất cụ thể, chi tiết, trong đó có riêng một điều (Điều 5) giải thích một số thuật ngữ nhằm làm rõ thêm những vấn đề trước đây đang còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Ngay tại Điều 14, dự thảo quy định chính sách của Nhà nước về việc làm nêu rõ: Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ những DN, tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động là người khuyết tật, người thất nghiệp; những DN vừa và nhỏ do người khuyết tật, người thất nghiệp thành lập; những người thất nghiệp, người khuyết tật làm việc trong các hộ cá thể sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các DN trong việc tham gia giải quyết việc làm.

Nâng mức lương thử việc

Về tiền lương trong thời gian thử việc, dự thảo quy định bằng 80% mức lương cấp bậc của công việc đó và không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, thay vì 70% như trước đây. Đặc biệt, tại khoản 2, Điều 32 của dự thảo còn cấm người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi giao kết HĐLĐ, không được đòi hỏi NLĐ đưa ra bất kỳ một sự đảm bảo về tài sản thế chấp nào cho việc thực hiện HĐLĐ hay giữ các giấy tờ tuỳ thân gốc, văn bằng chứng chỉ gốc của NLĐ, tránh tình trạng NLĐ bị hạn chế các quyền dân sự khác...

Điều 26 dự thảo quy định hình thức HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng trở lên mà không khống chế mức trần (quy định hiện hành là từ 12 tháng- 36 tháng). Quy định này hiện nay còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không khống chế mức trần sẽ tạo điều kiện cho NSDLĐ ký hợp đồng thời hạn 5 năm, 7 năm hoặc nhiều hơn nữa mà không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với NLĐ. Nếu quy định như vậy thì NLĐ rất thiệt thòi, vì DN sẽ lợi dụng để lách luật mà cơ quan chức năng không thể bảo vệ được NLĐ…

Bên cạnh đó, dự thảo quy định cho phép NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do kinh tế mà NSDLĐ đã có những biện pháp cần thiết để khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm số làm việc (khoản 3, Điều 46). Về quy định này, nhiều ý kiến lo ngại do quy định còn mơ hồ nên có khả năng NSDLĐ lợi dụng để sa thải hàng loạt công nhân.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, Dự thảo BLLĐ đã được sửa đổi một cách tương đối toàn diện ở tất cả các chương và đã tiếp thu có chọn lọc các quy định của pháp luật trước đó, đã kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội...

Miễn thuế, không bị thu học phí đối với người lao động học nghề, tập nghề

Dự thảo có một chương mới quy định về đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, trong đó quy định: DN có trách nhiệm tổ chức đào tạo để nâng cao trình độ nghề cho NLĐ đang làm việc tại DN; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác trong DN.

DN phải có kế hoạch hàng năm và dành kinh phí cho việc nâng cao trình độ nghề của NLĐ để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những nghề, công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trình độ ngoại ngữ nhất định.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về hợp đồng và chi phí đào tạo nghề. DN tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc tại DN thì không được thu học phí và được miễn thuế…

Tăng thời hạn làm thêm giờ lên không quá 300 giờ/năm

Về tiền lương, dự thảo quy định, NSDLĐ xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động phải tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa có Công đoàn, công bố công khai trong DN trước khi thực hiện.

Một số ý kiến phản ánh hiện còn tình trạng các DN đã xây dựng thang bảng lương nhưng lại trả lương cho NLĐ theo thoả thuận. Do vậy, Nhà nước cần đưa ra quy định mang tính chế tài cụ thể, để các DN khi đã xây dựng thang bảng lương thì phải ứng dụng thang bảng lương để trả lương cho NLĐ chứ không thể làm ngoài - trả theo thỏa thuận.

Về tiền thưởng, Điều 115 dự thảo quy định: Căn cứ vào quy chế tiền thưởng, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, NSDLĐ thưởng cho NLĐ làm việc tại DN. Đây là một quy định linh hoạt, phù hợp thực tế và tôn trọng quyền chủ động của DN.

Dự thảo BLLĐ sửa đổi cũng quy định thời giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành (200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm do Chính phủ quy định). Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ hơn về thời gian nghỉ giải lao, chuyển kíp, thâm niên làm việc, ngày nghỉ lễ, nghỉ về việc riêng và thời giờ làm việc ban đêm. Theo đó, từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc được tính giờ làm việc ban đêm là từ 22 giờ đến 6 giờ; còn từ TP. Đà Nẵng trở vào phía Nam được tính từ 21 giờ đến 5 giờ.

DN phải sử dụng từ 2-3% NLĐ khuyết tật

Nhằm khuyến khích sử dụng lao động nữ, Nhà nước có chính sách ưu đãi cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xét giảm thuế đối với những DN sử dụng nhiều lao động nữ, có từ 10 đến 100 lao động nữ chiếm 50% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong DN; hoặc có trên 100 lao động nữ chiếm 30% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong DN.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của DN trong việc sử dụng NLĐ khuyết tật (Điều 183). Theo đó, DN phải đảm bảo sử dụng NLĐ khuyết tật theo tỷ lệ từ 2 - 3% so với tổng số lao động có mặt bình quân tháng tùy theo ngành nghề kinh doanh của DN. Trường hợp DN chưa nhận hoặc không nhận đủ tỉ lệ lao động là người khuyết tật theo quy định thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm của địa phương một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định nhân với số lao động khuyết tật mà DN nhận thiếu để góp phần giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Vai trò công đoàn cấp trên đối với DN chưa thành lập tổ chức công đoàn

Ở những DN chưa thành lập tổ chức công đoàn, dự thảo quy định rõ công đoàn cấp trên có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ vai trò của công đoàn cấp trên có quyền hỗ trợ và tham gia với công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; đại diện cho công đoàn cơ sở, NLĐ khởi kiện trước toà khi DN có hành vi vi phạm pháp luật; tham gia hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công.

BLLĐ được ban hành năm 1994 và đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007.

Từ khi ban hành cho đến nay, BLLĐ đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh hài hòa mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Cùng với xu hướng phát triển trong tình hình mới, khi nền kinh tế và xã hội phát triển nhanh với điểm nhấn Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), BLLĐ đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào quan hệ lao động.

Dự kiến Dự thảo BLLĐ sửa đổi sẽ được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định trong tháng 12.2009, đến tháng 3.2010 trình Chính phủ, tháng 5.2010 trình Quốc hội cho ý kiến và tháng 10.2010 trình Quốc hội thông qua.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật Lao độnggóp ý.

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh