Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giai đoạn 2015-2020:
Nhiều thành tựu kinh tế nổi bật
Thứ sáu: 01:20 ngày 01/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (Sở KH-ÐT), trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân hằng năm 7,2%; GRDP bình quân đầu người từ 2.079 USD vào năm 2015, tăng lên 3.147 USD vào năm 2020. Ðây là thành tựu, là nỗ lực rất đáng trân trọng của toàn hệ thống chính trị trong khi toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Sơn đường ống đưa nước vượt sông Vàm Cỏ. Ảnh: Huỳnh Ðông

Thu hút đầu tư tăng

Theo ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở KH-ÐT, để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, tỉnh đã tổ chức ký kết 6 bản thoả thuận hợp tác quốc tế với 2 thành phố Gimhae, Chungju (Hàn Quốc) và 4 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham thuộc Vương quốc Campuchia. Tỉnh ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với nhiều tỉnh, thành và tổ chức trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tổng Công ty hàng không Việt Nam.

Một trong những thành quả đáng chú ý nhất là tỉnh mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước về đầu tư một số lĩnh vực nổi bật, tạo bộ mặt đô thị mới tại tỉnh trong giai đoạn trên. Cụ thể, về lĩnh vực du lịch: Tập đoàn Sun Group đầu tư Khu du lịch núi Bà, giai đoạn 1 đã đầu tư hệ thống cáp treo hiện đại tại núi Bà Ðen, có nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, là hạng mục đầu tiên trong quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain; khu thương mại, dịch vụ phục vụ ven chân núi phía Nam, tại xã Thạnh Tân, phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh) và xã Phan (huyện Dương Minh Châu).

Ðối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tỉnh thu hút Tập đoàn Vin Group đầu tư tổ hợp công trình có tổng diện tích 2,1 ha bao gồm khách sạn 5 sao Vinpearl, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tây Ninh và 116 căn shophouse. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đầu tư 8 siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh.

Về hạ tầng giao thông, liên danh TANIL - ILS - ASGL (bao gồm các thành viên Công ty cổ phần logistics Tây Ninh, Công ty cổ phần Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế, Công ty cổ phần logistics ASG) đã đầu tư dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh nhằm hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới kết nối giao thông đồng bộ tại xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng) với diện tích 259,22 ha.

Về lĩnh vực y tế, Công ty cổ phần Y tế Hùng Duy đầu tư Bệnh viện Ða khoa Hồng Hưng với quy mô 300 giường bệnh tại thị xã Hoà Thành; Công ty cổ phần Ðầu tư Bệnh viện Xuyên Á đầu tư dự án Bệnh viện Ða khoa Xuyên Á - Tây Ninh tại huyện Gò Dầu.

Núi Bà Ðen là điểm nhấn thu hút du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020.

Ðầu tư công đạt kết quả khả quan

Theo Sở KH-ÐT, giai đoạn 2016-2020, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương là 16.523,7 tỷ đồng, ước giải ngân giai đoạn 2016-2020 là 15.950 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch.

Giai đoạn 2016-2020, mặc dù ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, tạo sự chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của xã hội. Như hạ tầng giao thông, đến nay, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều thông suốt, bảo đảm giao thông đối nội, từng bước phát triển hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia.

Nổi bật nhất là các dự án nâng cấp, mở rộng đường 788; đường 794 từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 1); đường Bình Dương (đường Ðiện Biên Phủ); đường và cầu Bến Ðình; nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá đường 30.4; đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ giao lộ Nguyễn Huệ đến cầu Năm Trại); đường 781, đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương (giai đoạn 2); tuyến đường từ ngã ba 781 - bờ hồ Dầu Tiếng đến đường 785 ngã tư Tân Hưng...

Song song đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi, bảo đảm cung cấp nước tưới cho cây trồng. Các dự án làm mới hệ thống kênh tiêu không những giải quyết được tình trạng ngập úng thường xuyên vào mùa mưa hằng năm, mà còn giúp cho người dân trong khu vực dự án tăng thêm quỹ đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng năng suất, hiệu quả và làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Từ đó, ngành nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ dân trong khu vực dự án. Nổi bật nhất là Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Dự án này đang được thi công giai đoạn cuối và sẽ hoàn thiện vào đầu giai đoạn 2021-2025.

Ðến năm 2020, tỉnh đầu tư xây dựng và công nhận 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 63,4%. Thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt đô thị tiếp tục được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Dự kiến năm 2020, tỉnh hoàn thành 100% nhiệm vụ phát triển đô thị cho 9 đô thị trên địa bàn tỉnh gồm: thành phố Tây Ninh là đô thị loại III; Trảng Bàng, Hoà Thành là đô thị loại IV; 6 đô thị loại V là các thị trấn thuộc các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Dương Minh Châu và Châu Thành.

Thi công dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ.

Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 4.500 USD

Với những lợi thế, tiềm năng và sự phát triển kinh tế xã hội năng động thời gian qua, tỉnh đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025.

 Theo đó, tỉnh phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững dựa trên những động lực mới. Thực hiện hiệu quả các đột phá, trong đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn với hình thành hành lang đô thị - công nghiệp. Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, hiệu quả. Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách. Cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân.

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người của Tây Ninh cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đối ngoại để giữ vững hoà bình, hợp tác và phát triển.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có thể kể đến các chỉ tiêu quan trọng như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân từ 7,5% trở lên; đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 4.500 USD trở lên; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn từ 36% trở lên so với GRDP.

Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân từ 10% trở lên, phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối chi thường xuyên. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 8%. Số lao động có việc làm tăng thêm trên 16.000 lao động/năm.

Ðến năm 2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 75%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 100% (trong đó có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu); phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 50% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục