Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
CÔNG TÁC Y TẾ NĂM 2018:
Nhiều thành tựu, lắm hạn chế
Chủ nhật: 13:48 ngày 20/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện căn bản, người dân vẫn có tâm lý muốn khám, chữa bệnh ở tuyến trên làm giảm hiệu quả đầu tư.

Hội đồng nhân dân tỉnh khảo sát đầu tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chiều 15.1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đánh giá hoạt động của ngành trong năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam tham dự, chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu và đại diện 9 huyện, thành phố.

Với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chiều 15.1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đánh giá hoạt động của ngành trong năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam tham dự, chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Hoa Công Hậu và đại diện 9 huyện, thành phố.

HOÀN THÀNH HAI CHỈ TIÊU QUAN TRỌNG

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm qua, ngành Y tế hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 giường và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7%. Toàn ngành đạt và vượt 9/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản.

Ngành Y tế đã triển khai thực hiện và hoàn thành một số nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW và 21-NQ/TW về công tác y tế, dân số. Năm 2018, ngành chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; xây dựng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật.

Mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế ngày càng tăng. Ðẩy mạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện, giảm số biên chế hưởng lương từ ngân sách, tăng số đơn vị tự bảo đảm toàn bộ.

Quản lý chất lượng, giá thuốc, đẩy mạnh đấu thầu tập trung theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích người bệnh. Công tác quản lý an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, đơn giản hoá thủ tục hành chính phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế...

Nhìn chung, ngành đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng tồn tại cũng không ít. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trạm y tế xã chưa làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, chưa thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khoẻ cá nhân, chăm sóc sức khoẻ cho một số đối tượng theo luật định (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động…).

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn còn hạn chế, cơ chế tài chính, thanh toán BHYT còn vướng mắc. Người dân chưa tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Nhiều người khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế nên tỷ lệ chuyển tuyến, vượt tuyến còn khá phổ biến.

Ðối với y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ, một số dịch bệnh lưu hành như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, vẫn còn ở mức cao, chưa giảm được như mong muốn... Tỷ lệ mắc HIV vẫn cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố lớn. Tỷ lệ khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật; quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.

Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thuỷ sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không bảo đảm ATTP. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp.

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng.  Ðối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực y tế, số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến, giữa khám, chữa bệnh và y tế dự phòng. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

NÂNG CẤP HẠ TẦNG Y TẾ

Về phía tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, năm 2018, các chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ giường bệnh, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân, đạt 21,5 giường vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (19 giường/vạn dân) do Bệnh viện Ða khoa tư nhân Cao Văn Chí tăng từ 50 giường lên 173 giường, Bệnh viện Ða khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng tăng từ 35 giường lên 200 giường. Chỉ tiêu bác sĩ/ vạn dân đạt 6,5 bác sĩ/vạn dân.

Trong năm, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Ða khoa tỉnh giai đoạn 2018-2020; dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Ða khoa giai đoạn 2; kế hoạch hoạt động Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2018-2020; nâng chỉ tiêu giường bệnh cho Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh từ 30 lên 70 giường; nâng chỉ tiêu giường bệnh cho Trung tâm Y tế huyện Tân Biên từ  50 lên 100 giường…

Về y tế dự phòng, năm qua, Tây Ninh không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nhóm A, gồm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola, tả, dịch hạch, bạch hầu, xoắn khuẩn vàng da. Thống kê bệnh truyền nhiễm ghi nhận 12 bệnh truyền nhiễm có số trường hợp mắc tăng, 10 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017 và các bệnh còn lại không tăng không giảm. Bệnh tay chân miệng có số mắc tăng, tổng số ca trong năm cộng dồn đến nay là 2.349 ca.

Ngành Y tế Tây Ninh đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong năm qua, các cơ sở đã liên tục tăng cường số bàn khám, tăng cường nhân viên hỗ trợ, phục vụ, giúp giảm rõ rệt số lượt khám trung bình mỗi ngày ở mỗi bàn khám, từ hàng trăm lượt mỗi ngày đến nay giảm còn trung bình 40 lượt khám/bàn/ngày.

Khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là thiếu bác sĩ, chỉ mới đạt 6,3 bác sĩ trên vạn dân, rất thấp so với bình quân cả nước là 8,4. Bác sĩ ở xã càng khó khăn hơn do sau khi có chủ trương thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, phải rút bác sĩ về hỗ trợ khám, chữa bệnh cho tuyến huyện. Trước đây, bác sĩ thường trực ở xã đạt hơn 80% nhưng hiện chỉ còn khoảng 50%.

Nhân lực y tế vừa thiếu về số lượng ở tất cả các tuyến, vừa hạn chế về chất lượng, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở nên chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt, còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh. Một số nơi còn xảy ra mất đoàn kết gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chung.

Chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện căn bản, người dân vẫn có tâm lý muốn khám, chữa bệnh ở tuyến trên làm giảm hiệu quả đầu tư. Hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT chưa thật sự hoàn chỉnh, còn gây khó khăn trong một số khâu phục vụ bệnh nhân.

Công tác kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có một số khởi sắc nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ nghiên cứu còn chậm, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng chưa cao.

Các quy định về mua sắm, cung ứng thuốc, hoá chất, vật tư y tế thay đổi trong khi cơ chế tổ chức, nhân lực chuyên trách còn chưa hoàn thiện làm tăng gánh nặng công việc cho các cơ sở y tế, phân tán nhân lực, tăng gánh nặng quản lý giá cả và số lượng, chủng loại hàng hoá lên nhiều lần so với thời gian trước.

Quy định pháp luật về KCB BHYT từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, trong một số nội dung, chưa có sự hướng dẫn thống nhất của bộ, ngành Trung ương, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đề nghị ngành Y tế tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thống nhất với ngành Bảo hiểm xã hội để có cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Ðồng thời thực hiện các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm giảm số người ra nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khoẻ; chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm; chú trọng quản lý môi trường y tế; phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm an toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, ngành Y tế phối hợp với các ngành liên quan để đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

VIỆT ÐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục