Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019:
Nhiều trường tập trung ôn thi cho học sinh
Thứ ba: 23:33 ngày 28/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm học 2018 - 2019 đã kết thúc nhưng nhiều trường THPT vẫn tiếp tục tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh lớp 12 nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Giờ học của học sinh lớp 12 ở một trường THPT tại huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Lê Thuỳ

Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thành phố Tây Ninh, đại diện nhà trường cho biết, toàn bộ học sinh lớp 12 của trường vẫn đến lớp học. Theo kế hoạch, nhà trường tổ chức ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đến hết ngày 21.6, tức trước ngày thi khoảng một tuần.

“Một tuần chúng tôi dạy cho học sinh cuối cấp từ thứ hai đến thứ 6. Tất cả học sinh đều đi học đầy đủ, chỉ có một, hai em đi tìm chỗ học ở nơi khác. Đối với học sinh thuộc nhóm có học lực yếu, ngoài những buổi học chung, nhà trường tổ chức bồi dưỡng riêng mỗi tuần ba buổi”- lãnh đạo nhà trường thông tin. Vừa qua, nhà trường có tổ chức cho học sinh thi thử (đề do nhà trường ra trên cơ sở cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT). Kết quả bài thi cho thấy, điểm thi không cao như mong đợi.

Đại diện Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Bến Cầu cho biết: “Sau khi tổng kết năm học, chúng tôi mời phụ huynh vào trao đổi tình hình và tiếp tục ôn thi học cho học sinh. Từ khi nghỉ hè đến ngày thi trung học phổ thông quốc gia chỉ hơn một tháng, để học sinh tự học ở nhà, phụ huynh không yên tâm”.

Ngoài ba môn thi bắt buộc, căn cứ vào đăng ký tổ hợp môn thi của học sinh, nhà trường chia thành hai nhóm, gồm nhóm ôn thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và nhóm tổ hợp môn Khoa học xã hội. Việc ôn thi được tổ chức vào buổi sáng, mỗi buổi học bốn tiết. Nhà trường phân công những giáo viên được đánh giá là có kinh nghiệm để dạy cho học sinh. “Gần 100% học sinh lớp 12 đến lớp học. Chúng tôi dự kiến ôn bài cho học sinh đến ngày 21.6”- lãnh đạo nhà trường cho biết.

Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành tổ chức ôn thi cho học sinh ba môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh 5 tiết mỗi tuần, các tổ hợp môn thi còn lại học sinh học 3 tiết một tuần. Trường THPT Hoàng Văn Thụ là trường có tỷ lệ học sinh đăng ký cả hai tổ hợp môn thi nhiều nhất. Đại diện nhà trường giải thích, việc đăng ký thi cả hai tổ hợp môn thi khiến học sinh phải học nhiều nhưng cơ hội đậu tốt nghiệp cũng cao hơn.

Theo quy chế, thí sinh được dự thi cả hai tổ hợp môn thi, tổ hợp nào điểm cao hơn thì thí sinh lấy điểm của tổ hợp đó. Trong kỳ thi năm ngoái, nhiều học sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên nhưng kết quả sau đó cho thấy, điểm thi bài tổ hợp môn Khoa học xã hội lại cao hơn.

 Đại diện Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Hoà Thành) cho biết, sau khi tổng kết năm học, trường này tiếp tục ôn thi cho học sinh, thời gian khoảng 5 tuần.

 Ngoài những trường tiếp tục ôn thi cho học sinh, nhiều trường khác cho học sinh nghỉ học, tự học ở nhà hoặc ôn thi tự do. Lãnh đạo Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha cho biết, toàn bộ học sinh được cho nghỉ, các em tự ôn tập. Kết quả bài làm kiểm tra học kỳ hai cho thấy, học sinh làm bài tốt.

Trước kỳ thi, lãnh đạo các trường THPT đều có mối quan tâm chung, đó là tỷ lệ điểm trung bình năm học lớp 12 tham gia vào điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 30% (năm trước 50%). Hầu hết mọi người đều có chút lo âu. Trước khi Bộ GD-ĐT có quyết định hạ thấp tỷ lệ điểm trung bình lớp 12 từ 50% xuống 30%, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, song phần lớn đều thống nhất rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết và hợp lý. Vì kể từ khi có quy định lấy 50% điểm trung bình của năm học lớp 12 (điểm trong học bạ) để tham gia xét công nhận tốt nghiệp thì điểm trung bình của nhiều môn học cao bất thường.

Cũng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, số liệu tổng hợp do Sở GD-ĐT công bố cho thấy, toàn tỉnh có 8.740 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 719 thí sinh đăng ký dự thi ở hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, ngoài 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) có 346/405 thí sinh của khối 12 đăng ký dự thi cả hai bài thi.

Trong tổng số 8.740 thí sinh đăng ký dự thi, có 611 thí sinh chỉ dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, 274 thí sinh chỉ thi tuyển sinh, 7.855 thí sinh còn lại dự thi với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo kết quả tổng hợp chung của cả nước, trong số gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có gần 30% thí sinh đăng ký thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp THPT, tức không tham gia xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp. Như vậy, so với cả nước, số lượng, tỷ lệ học sinh ở Tây Ninh đăng ký dự thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp thấp hơn, chỉ có 611 thí sinh trên tổng số gần 9.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Như Báo Tây Ninh đã thông tin, để chuẩn bị chu đáo và đặc biệt là kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, trung thực, vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan liên quan. Trong đó, UBND  yêu cầu Sở GD-ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các trường tham gia tổ chức kỳ thi như Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, triển khai tổ chức tốt tại các điểm thi.

Sở GD-ĐT có kế hoạch bố trí các điểm thi hợp lý để vừa bảo đảm thuận lợi cho thí sinh vừa đảm bảo thuận lợi, an toàn cho công tác tổ chức thi, đi lại của cán bộ coi thi. Tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các quyết định, thông tư liên quan đến xét công nhận tốt nghiệp cũng như các kỳ thi.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ quy chế thi và tuyển sinh hiện hành, lưu ý một số điểm mới trong tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP hệ chính quy năm 2019; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2018-2019, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh.

Phối hợp với Hội Khuyến học, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh, không để học sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại quá khó khăn. Xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi bảo đảm tổ chức thi và tuyển sinh nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan; có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ để thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi; có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra.

Tổ chức tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ tham gia công tác thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, nâng cao hiệu quả tổ chức kỳ thi năm 2019. Tổ chức tốt công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo và công bố kết quả thi.Thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh kinh phí tổ chức thi và tuyển sinh.

Chú ý, xây dựng dự toán kinh phí phải bảo đảm đúng chế độ và tinh thần tiết kiệm. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng, triển khai phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Tây Ninh, tạo điều kiện để thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi, có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh lưu ý Sở GD-ĐT tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi.

Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng coi thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh năm 2016.

Như đã đề cập nhiều lần, việc tổ chức một kỳ thi để phục vụ cho hai mục đích gồm xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học đang bị thách thức rất nghiêm trọng, khi mà việc can thiệp để làm sai lệch kết quả bài thi được thực hiện một cách dễ dàng.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục