Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xung quanh việc tuyển sinh vào lớp 10:

Nhiều trường vận động học sinh không thi tuyển

Cập nhật ngày: 27/04/2016 - 09:00

Học sinh lớp 9.

Vừa qua, báo Tây Ninh có thông tin về kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2016-2017. Kỳ thi năm nay sẽ được thực hiện qua hai phương thức: 12 trường (bao gồm cả Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha) tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Số trường còn lại tổ chức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

Căn cứ vào quy chế tuyển sinh (đã công bố) có thể thấy: trong kỳ thi sắp tới, thí sinh dự thi vào lớp 10 có nhiều lựa chọn. Những thí sinh đăng ký dự thi vào các trường tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển nếu như không đậu thì rút hồ sơ để nộp vào các trường chỉ tổ chức xét tuyển. Đối với những thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê kha, cơ hội lựa chọn còn nhiều hơn. Quy chế cho phép thí sinh đăng ký hai môn chuyên, nếu không đậu vào môn chuyên thứ nhất thì sẽ được xét tuyển vào môn chuyên thứ hai (theo nguyện vọng của thí sinh).

Ví dụ: thí sinh đăng ký dự thi vào lớp chuyên Toán, nếu như điểm thi không đủ để vào lớp Toán thì có thể đăng ký môn chuyên thứ hai là Vật lý. Trường hợp không đậu cả hai môn chuyên thì thí sinh có thể rút hồ sơ nộp vào các trường tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển (đã đăng ký nguyện vọng ban đầu). Nếu vẫn không đậu vào các trường này, thí sinh vẫn còn một cơ hội, đó là nộp hồ sơ vào những trường tổ chức xét tuyển. Như vậy, có thể thấy, cơ hội vào lớp 10 đang rộng mở với mọi thí sinh.

Liên quan đến việc tuyển sinh vào lớp 10, hiện có một hiện tượng đang diễn ra âm thầm. Đó là chuyện nhiều trường trung học cơ sở- bằng nhiều hình thức khác nhau vận động học sinh… không đăng ký dự thi vào các trường tổ chức thi tuyển! Một số giáo viên đang dạy lớp 9 cho biết, thông thường đầu học kỳ 2, nhà trường bắt đầu tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp. Ở một số trường, một trong những nội dung hướng nghiệp lần này là vận động học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thay vào đó, nhà trường khuyên các em nên đăng ký vào các trường tổ chức xét tuyển.

Đối tượng được vận động theo hướng này là những học sinh có học lực trung bình khá, trung bình và trung bình yếu. Tại các buổi hướng nghiệp như thế, nhà trường còn mời cả phụ huynh học sinh tham dự. Theo phản ánh của nhiều giáo viên, một trong những nguyên nhân khiến các trường ngấm ngầm vận động như thế là do nhà trường sợ học sinh bị điểm thấp, điểm liệt và kết quả chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ban lãnh đạo nhà trường.

Vận động một lần chưa yên tâm, có trường tổ chức họp phụ huynh và học sinh lần thứ hai. Nguyên nhân chính suy cho cùng cũng là do bệnh thành tích - một căn bệnh mạn tính của ngành Giáo dục. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện phổ cập giáo dục và phong trào thi đua, công tác kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông nói chung, cấp trung học cơ sở nói riêng đã không bảo đảm được tính khách quan, khoa học. Việc chấm điểm, đánh giá học lực của học sinh nặng về cảm tính và chủ quan. Kết quả giáo dục, bao gồm hai mặt hạnh kiểm và học lực là một trong những tiêu chí để xếp loại thi đua đối với giáo viên. Dưới áp lực của các danh hiệu thi đua “phải đạt bằng mọi giá”, nhiều trường tìm mọi cách “ép” giáo viên phải cho ra những con số đẹp đã được… ấn định sẵn tại hội nghị cán bộ công chức đầu năm học.

Các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trước đây, sau khi kết quả thi tuyển được công bố rộng rãi, rất nhiều trường phổ thông và cả cấp trên của nhà trường đã như “ngồi trên lửa” khi điểm bài làm của học sinh quá thấp. Điểm liệt quá nhiều làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa kết quả xếp loại về học lực ở lớp 9 với kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Sau khi các phương tiện thông tin đăng tải về chuyện ngược đời “học sinh giỏi cũng bị điểm liệt”, có cấp quản lý ở nơi này nơi kia đã tuyên bố (trong nội bộ ngành) rằng sẽ “kỷ luật hiệu trưởng nếu còn để xảy ra điểm liệt”. Không ít hiệu trưởng vì sợ ảnh hưởng đã tự rút ra bài học: chỉ cần học sinh không dự thi là sẽ tránh được điểm liệt!

Đến thời điểm này, ngành Giáo dục chưa công bố tổng số học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10 đối với 12 trường tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, số lượng học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10 đã giảm rất mạnh so với các kỳ thi trước đây. Không chỉ các trường đại trà, mà tại các trường chuyên- số lượng thí sinh đăng ký thi vào cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các huyện. Có huyện chỉ 1- 2 thí sinh đăng ký dự thi vào trường chuyên.

Học tập là quyền và nghĩa vụ của học sinh. Dù học lực thế nào, các em vẫn có quyền tham gia thi tuyển, điều này đã được luật hoá. Cũng cần nhìn nhận, trong mấy năm gần đây, ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng đào tạo. Nhiều thầy cô giáo đã nỗ lực hết sức mình cho một nền giáo dục trung thực. Nhưng đáng buồn là trong thực tế, căn bệnh chạy theo chỉ tiêu chẳng những không thuyên giảm mà có vẻ ngày càng nặng nề hơn, chỉ khác là đã biến tướng tinh vi hơn.

VIỆT ĐÔNG