Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Công tác bạn đọc:
Nhiều vấn đề bức xúc của người dân được phản ánh kịp thời
Thứ hai: 05:39 ngày 12/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điểm lại một vài vấn đề thuộc lĩnh vực công tác Bạn đọc trong năm Đinh Dậu 2017 cho thấy, Báo Tây Ninh luôn nỗ lực phản ánh những vấn đề bức xúc của người dân, của dư luận, để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cơ quan, ban, ngành kịp thời giải quyết khiếu nại người dân, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ khi xảy ra sai phạm.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm Đinh Dậu, bước sang năm Mậu Tuất 2018, nhìn lại những vấn đề được phản ánh trên trang Bạn đọc - Pháp luật trong năm 2017 vừa qua, những người làm báo Tây Ninh nhận thấy, dù còn nhiều hạn chế, nhưng Báo đã chuyển tải được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, thậm chí có nhiều vấn đề bức xúc, gai góc mà cả người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa hài lòng, còn tiếp tục tìm sự đồng thuận, tìm phương cách giải quyết nhằm đạt được sự hài hoà.

LO NGẠI VỀ AN SINH XÃ HỘI, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Hằng năm, cứ vào những ngày đầu xuân, công tác chuẩn bị cho Hội xuân Núi Bà Đen luôn được lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và thành phố Tây Ninh, các đơn vị kinh doanh quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, dù có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý, khi Hội xuân đi vào hoạt động vẫn phát sinh nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc. Tết Đinh Dậu- 2017, khi Hội xuân Núi Bà Đen vừa đi vào hoạt động, tình trạng các hộ kinh doanh trong khu du lịch bán thức ăn chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bán quá giá quy định, cũng như việc các bãi giữ xe bên ngoài khu du lịch “chém” giá giữ xe đã gây bức xúc cho khách du lịch.

Những thông tin trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc cho cộng đồng và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Tây Ninh. Từ phản ánh của người dân, các phóng viên Báo Tây Ninh đã kịp thời đi thực tế, phản ánh khách quan vấn đề trên qua bài viết: “Khu du lịch núi Bà Đen: vẫn còn tình trạng chặt chém”, “An toàn vệ sinh thực phẩm: Đáng lo ngại”…

Trên cơ sở phản ánh của báo, các đơn vị có liên quan đã kịp thời kiểm tra, đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy, trong những ngày tiếp theo của mùa hội xuân, việc kinh doanh đi vào nề nếp, tương đối ổn định.

Năm qua, trên các lĩnh vực đời sống, những vấn đề người dân bức xúc tập trung khá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh thương mại như ở Trung tâm thương mại (TTTM) Long Hoa, chợ Long Hải (Hoà Thành)… Việc tỉnh chủ trương đầu tư xây dựng TTTM Long Hoa theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) nhằm giúp các tiểu thương kinh doanh thuận lợi, có hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, do mô hình BOT mới lần đầu tiên áp dụng vào xây dựng chợ, cũng như nhiều nguyên nhân khách quan khác, TTTM Long Hoa chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn trong việc kinh doanh của các tiểu thương. Khi vào giai đoạn cuối của dự án, sắp hết thời hạn khai thác BOT, đã xảy ra khiếu nại, phát sinh mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và tiểu thương.

Báo Tây Ninh đã kịp thời tìm hiểu, phản ánh ý kiến của các tiểu thương, quá trình triển khai xây dựng dự án, tổ chức thuê sạp và thu phí còn nhiều bất cập, nhằm làm cầu nối để các tiểu thương và nhà đầu tư tìm ra giải pháp hài hoà lợi ích đôi bên, trên cơ sở chính quyền địa phương là người có trách nhiệm “lo cho dân”, đồng thời đồng hành với nhà đầu tư để cùng nhau vì sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vì vậy, các bên đối tác ngồi lại với nhau, tìm sự đồng thuận để đạt tới mục đích chung. Tiếp đó, việc xây dựng chợ Long Hải (Hoà Thành) lại phát sinh mâu thuẫn khi người dân phản ánh chính quyền địa phương chưa tổ chức giám sát tốt quá trình xây dựng và tổ chức sắp xếp nơi kinh doanh cho các tiểu thương cũ và mới.

Báo Tây Ninh đã kịp thời phản ánh vấn đề trên, lãnh đạo huyện Hoà Thành đã  lắng nghe ý kiến của các tiểu thương để chấn chỉnh nên chợ Long Hải cũng từng bước đi vào hoạt động kinh doanh ổn định, nề nếp.

Vấn đề bảo vệ môi trường cũng được nhiều người dân phản ánh đến báo, từ tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do vứt rác bừa bãi, ô nhiễm không khí do khói bụi phát sinh từ các cơ sở kinh doanh trong khu dân cư đến việc xả thải ra môi trường của các nhà máy chế biến nông sản, chủ yếu là tinh bột mì.

Đầu năm 2017, đáng chú ý là phản ánh của người dân xung quanh việc di dời và nâng công suất hoạt động nhà máy chế biến mì của DNTN Thiên Đức từ ấp Phước Hội, xã Suối Đá về ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Từ phản ánh của người dân, Báo Tây Ninh đã tìm hiểu đầy đủ quá trình di dời nhà máy này có nhiều điểm đáng nghi vấn, chưa được giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương qua loạt bài “Một dự án đáng lo ngại”. Sau đó chính quyền địa phương quan tâm thắt chặt kiểm tra giám sát bảo đảm đúng quy định pháp luật, bảo đảm về môi trường.

Việc khai thác đất san lấp tràn lan, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến ruộng vườn của dân cũng là điều đáng lo ngại. Bài “Bất lực nhìn vườn cao su bị chết dần” là một trường hợp điển hình của việc khai thác đất chưa bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Sau khi báo phản ánh, ngành chức năng đã kịp thời vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh. Một lò đúc gang ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm; tình trạng xe rút hầm cầu, xe chở xác mì xả nước thải, chất thải trái phép… cũng được báo phản ánh có hiệu ứng tích cực từ thông tin của bạn đọc.

Đáng chú ý trong năm qua, trong tiến trình đô thị hoá, việc xử lý rác thải là vấn đề nan giải cho các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời là bức xúc của nhiều người dân. Bài viết “Rác - chuyện không nhỏ” đã phản ánh toàn cục vấn đề trên.

Liên quan đến vấn đề rác, khi thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nhằm bảo vệ môi trường nhưng việc nóng vội và chưa tìm được phương pháp tối ưu, hài hoà lợi ích giữa những người tham gia vận chuyển rác lâu năm ở huyện Gò Dầu và nhà đầu tư mới đã gây bức xúc cho người dân.

Báo Tây Ninh đã kịp thời phản ánh “sự kiện” này, sau đó, chính quyền và người dân đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, tìm ra được hướng tháo gỡ, trong khi trước đó, rác đã ứ đọng nhiều ngày liền tại khu vực Gò Dầu do xảy ra khiếu nại.

LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẶC BIỆT QUAN TÂM VẤN ĐỀ KHIẾU NẠI ĐẤT ĐAI

Xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khiếu nại đúng pháp luật. Lĩnh vực “điền thổ” xưa nay luôn là vấn đề rất phức tạp, việc giải quyết phải đặt trên cơ sở xem xét tường tận nguồn gốc, đối chiếu với nhiều văn bản pháp luật, do nhiều cấp thẩm quyền giải quyết theo trình tự pháp luật nên có trường hợp kéo dài.

Tại Hoà Thành, mặc dù UBND huyện, UBND tỉnh đã xem xét giải quyết đúng pháp luật, thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến, nhưng một số hộ dân trên đường 797 (đường Báo Quốc Từ) vẫn chưa bàn giao đất để đơn vị thi công nâng cấp, mở rộng đường 797, phần nào ảnh hưởng đến quá trình đô thị hoá của địa phương.

Năm 2017, bài viết “Nâng cấp đường 797: Chính quyền các cấp đã thận trọng xem xét, giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật” phản ánh, đến thời điểm này, các cấp chính quyền đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.

Các hộ dân không đồng ý đã khởi kiện ra toà, hầu hết đều được các thẩm phán xem xét kỹ nguồn gốc đất và quá trình giải quyết khiếu nại của chính quyền, ban hành các bản án bác đơn khiếu nại các hộ dân theo đúng quy định pháp luật. Ở một số địa phương khác, trong quá trình sinh sống cũng phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, tranh chấp đường đi công cộng được chính quyền địa phương cấp huyện và tỉnh thận trọng xem xét giải quyết, Báo Tây Ninh cũng phản ánh kịp thời.

Tại Bến Cầu, Hoà Thành, việc tranh chấp đất liên quan đến con đường đi vào đất nghĩa địa của gia tộc hay việc cấp sổ đỏ đất nghĩa địa, tình trạng xây dựng nhà trên đất lúa (thực chất là đất thổ cư) đã gây bức xúc dẫn đến khiếu nại, đều được báo phản ánh kịp thời để địa phương cân nhắc xem xét, giải quyết phù hợp quy định pháp luật.

Tại thành phố Tây Ninh, công tác giải quyết khiếu nại đất đai đến nay khá tốt, nhưng vụ việc khiếu nại của bà Trần Thị Đỉnh, mặc dù đã được UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa thi hành xong, dù quá trình giải quyết khiếu nại đã diễn ra đến hơn 30 năm.

Tại Tân Biên, tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Ngọc Ẩn và Bùi Văn Tuyến ở ấp Bàu Bền, xã Thạnh Bắc kéo dài gần 20 năm cũng được báo phản ánh, ngành chức năng ghi nhận và quan tâm xem xét giải quyết. Tại Gò Dầu, việc chưa tìm ra phương án giải quyết khiếu nại đất của hai hộ dân mà nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Bàu Đồn phải bất lực nhìn cánh đồng ngập nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp. Vụ việc trên được báo theo dõi và phản ánh cặn kẽ nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm…

Bên cạnh việc phản ánh các trường hợp cụ thể về tranh chấp đất đai, Báo Tây Ninh cũng không ngừng tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đất đai như giới thiệu văn bản pháp luật, hỏi đáp pháp luật…

Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên có những văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động xem xét các vụ việc khiếu nại, thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân để công tác tiếp công dân, công tác giải quyết khiếu nại về đất đai đạt hiệu quả, không để khiếu nại kéo dài, vượt cấp cũng được Báo Tây Ninh đăng tải thường xuyên.

NHIỀU VỤ TIÊU CỰC BỊ PHẢN ÁNH

Năm qua, những hiện tượng tiêu cực, sai phạm trong quản lý nhà nước được Báo Tây Ninh phản ánh, các địa phương chấn chỉnh kịp thời. Đáng chú ý là trường hợp một Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất có nhiều sai phạm trong công tác, “công tư lẫn lộn” có dấu hiệu tiêu cực đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra theo đơn tố cáo và đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Vụ việc trên được báo phản ánh chi tiết, là bài học chung cho công tác quản lý cán bộ của các ngành khi chưa kịp thời ngăn chặn cán bộ dưới quyền có những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực tới cơ quan Nhà nước, xâm hại quyền lợi công dân.

Một kế toán làm việc tại một trường tiểu học ở vùng sâu nhiều lần bị hiệu trưởng ép buộc làm chứng từ khống, để hiệu trưởng lấy tiền ngân sách trái pháp luật đã bức xúc làm đơn tố cáo, phóng viên Báo Tây Ninh cũng đã tìm hiểu, xác minh phản ánh, ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc thanh tra.

Vấn nạn phá rừng phòng hộ chưa được ngăn chặn, do đối tượng vi phạm có những hành vi tinh vi hay do cán bộ quản lý rừng phòng hộ “yếu kém”. Vấn đề trên cũng được phóng viên báo thâm nhập thực tế, phản ánh kịp thời. Vấn nạn “cát tặc” lộng hành ngày đêm “rút ruột” sông Sài Gòn xảy ra tại đoạn đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (thuộc tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) gần như công khai nhưng chưa được các ngành chức năng xử lý triệt để. Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Tây Ninh thâm nhập thực tế để tìm hiểu thông tin phản ánh đến bạn đọc. Qua vụ việc, ngành chức năng cũng đã có biện pháp quản lý khoáng sản tốt hơn.

Điểm lại một vài vấn đề thuộc lĩnh vực công tác Bạn đọc trong năm Đinh Dậu 2017 cho thấy, Báo Tây Ninh luôn nỗ lực phản ánh những vấn đề bức xúc của người dân, của dư luận, để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cơ quan, ban, ngành kịp thời giải quyết khiếu nại người dân, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ khi xảy ra sai phạm.

Dù có nhiều cố gắng nhưng không tránh khỏi hạn chế, do vậy, năm 2018, công tác Bạn đọc sẽ có nhiều cải tiến để đáp ứng tốt hơn nữa sự tin cậy của độc giả dành cho Báo.

Báo Tây Ninh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục