Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018:
Nhiều vấn đề chưa thể yên tâm
Thứ tư: 15:52 ngày 19/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện tại, chương trình THPT không có môn Âm nhạc, nếu năm sau triển khai, lấy đâu ra giáo viên để dạy môn này? Nếu thiếu sự chuẩn bị, tình trạng giáo viên dạy chéo môn sẽ thêm một lần lặp lại.

Lớp học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường tiểu học Thị trấn A, huyện Dương Minh Châu.

Cách nay vài ngày, Bộ Giáo dục - Ðào tạo (Bộ GD - ÐT) đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (chương trình tổng thể) sau năm 2018. Ðây là bản dự thảo lần thứ 3 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của dư luận xã hội. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, bắt đầu năm học 2018 - 2019, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Theo tinh thần của bản dự thảo, sau năm 2018, học sinh cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều sẽ học một số môn bắt buộc và một số môn bắt buộc có phân hoá (có sự khác nhau tuỳ cấp học). Trong đó, ở cấp trung học cơ sở có sự sáp nhập một số môn và ở cấp trung học phổ thông, học sinh phải học môn mới: Âm nhạc.

Chương trình ở cấp tiểu học và trung học cơ sở được gọi là giáo dục cơ bản. Chương trình lớp 11 và 12 được gọi là giáo dục định hướng nghề nghiệp, nó được phát triển trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 10, có sự lựa chọn những vấn đề mang tính ứng dụng cao, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học phổ thông.

Tổng số tiết học trong một năm học ở cả 3 cấp học dao động từ 985 cho đến 1.147 tiết. Trong đó, số tiết ở cấp tiểu học nhiều hơn so với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bản dự thảo lần này có liệt kê 10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất mà một học sinh phổ thông cần có từ khi vào lớp 1 cho đến lúc kết thúc lớp 12, tức năm học cuối cùng của giáo dục phổ thông.

Bản dự thảo được công bố đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, các phương tiện thông tin liên tục cập nhật những ý kiến mới nhất, nóng nhất về bản dự thảo này. Theo dõi các ý kiến (bài viết, bài trả lời phỏng vấn và cả những ý kiến bình luận) có thể chia làm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm ý kiến của các chuyên gia giáo dục, họ bày tỏ sự hoài nghi, lo ngại và cả phản đối bản dự thảo.

Nhiều người cho rằng, bản dự thảo vừa công bố có quá nhiều tham vọng, khó thực hiện được. Cũng có ý kiến phát biểu: chương trình phổ thông vẫn còn ôm đồm, học sinh vẫn còn phải học quá nhiều môn. Nhóm này nhận định: chương trình đặt ra mục tiêu 16 năng lực và phẩm chất cần đạt được cho mỗi học sinh phổ thông là thiếu thực tế. Mặt khác, nên hay không nên tách bạch rạch ròi giữa hai khái niệm phẩm chất và năng lực của học sinh, bởi vì nội hàm của hai khái niệm này xét đến cùng thì cũng chỉ là một?

Nhóm ý kiến thứ hai, được xem là nhóm của đối tượng “bình dân” hơn, gồm giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và cả những bà nội trợ. Ý kiến nhóm này đưa ra hầu hết là “lên án” những bất cập nội tại của ngành Giáo dục.

Xung quanh nội dung chính của bản dự thảo cũng như những ý kiến đóng góp vừa dẫn ra ở trên, có thể thấy, người dân Việt Nam, đủ mọi giai tầng đều quan tâm đến giáo dục. Những ý kiến đóng góp, dù đúng hay không, đó cũng là điều đáng trân trọng. Nền giáo dục Việt Nam cần được thay đổi, điều này không có gì phải bàn cãi.

Vấn đề đặt ra cho lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa là khâu thực hiện. Bởi vì, chương trình và sách giáo khoa dù có cải tiến kiểu gì thì cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Con người, ở đây là chính đội ngũ giáo viên và các cấp quản lý mới là yếu tố quyết định thành hay bại của lần thay sách này.

Mặc dù chương trình chi tiết, kế hoạch cụ thể chưa có nhưng đã có hàng loạt vấn đề được đặt ra, ví dụ: đối với việc sáp nhập một số môn học ở cấp THCS hay việc đưa môn Âm nhạc vào cấp THPT thì việc dạy và học như thế nào? Từ trước đến nay, giáo viên dạy theo từng môn riêng lẻ, nay “tích hợp” lại ba môn Hoá học, Vật lý và Sinh học ở cấp THCS thì có mấy giáo viên dạy hay chỉ một người? Hiện tại, chương trình THPT không có môn Âm nhạc, nếu năm sau triển khai, lấy đâu ra giáo viên để dạy môn này? Nếu thiếu sự chuẩn bị, tình trạng giáo viên dạy chéo môn sẽ thêm một lần lặp lại. Hồi đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2001, do không có giáo viên môn Âm nhạc nên giáo viên bất kỳ môn học nào cũng có thể được (hay bị) phân công dạy môn này.

Nói chung, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018 còn nhiều vấn đề phải tính tới. Trong đó có việc đội ngũ giáo viên tiếng Anh sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, vì môn này bắt buộc học đại trà từ lớp 3. Hoặc chuyện đưa vào nhà trường thêm một môn ngoại ngữ cũng có nhiều ý kiến không đồng thuận, vì với chỉ một môn tiếng Anh, mấy chục năm nay, việc dạy và học đều “ì ạch”, không đạt yêu cầu. Học sinh học môn học này từ lớp 6 cho đến khi tốt nghiệp đại học mất gần cả chục năm trời, thế nhưng khi ra trường khả năng ngoại ngữ vẫn trong tình trạng… lơ mơ.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục