Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 - Khoá XII:
Nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục
Thứ sáu: 06:03 ngày 03/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 25.10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận mà Nghị quyết số 19 nêu ra là giáo dục và đào tạo. Theo tinh thần của Nghị quyết số 19, chính quyền và ngành Giáo dục có nhiều việc phải làm.

Một lớp học tại một tiểu học chỉ có vỏn vẹn 8 học sinh.

GIẢI THỂ TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG KHÔNG HIỆU QUẢ

Với giáo dục - đào tạo, Nghị quyết 19 yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Cụ thể, đối với giáo dục đại học tiến hành sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Với giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

Trong thời gian thực hiện sắp xếp lại, số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác không được bổ sung; đồng thời phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm (trích Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Nghị quyết số 19 cũng cho chủ trương sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Đối với giáo dục thường xuyên, Nghị quyết 19 yêu cầu sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.

Với chức danh kế toán và nhân viên y tế, Trung ương yêu cầu rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

SÁP NHẬP TRƯỜNG, GIẢM CÁN BỘ

Tại Tây Ninh, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 546 trường (chưa tính các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp). Đối với bậc học mầm non và phổ thông, Tây Ninh có đủ trường hạng 1, hạng 2 và hạng 3 (việc xếp hạng từng trường được căn cứ vào tổng số lớp học của mỗi trường). Trong đó, trường hạng 1- tức trường có số lớp học từ 28 lớp trở lên, trường hạng 2 có từ 18 - 27 lớp, trường hạng 3 là trường có dưới 18 lớp.

Theo quy định hiện hành, trường hạng 1 được bố trí 3 hiệu phó, trường hạng 2 và hạng 3 có từ 1 đến 2 hiệu phó, chưa tính hiệu trưởng. Vấn đề đặt ra là, trường phổ thông cần bao nhiêu hiệu phó? Tại cuộc hội thảo về quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua tại Sở GD-ĐT, khi đề cập đến vấn đề tự chủ nhân sự, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở TP. Tây Ninh đã phát biểu thẳng thừng rằng, trường phổ thông chỉ cần một hiệu trưởng, một hiệu phó là đủ.

Theo vị hiệu trưởng này, giảm bớt số hiệu phó không ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành quản lý, trái lại, bộ máy tinh gọn dễ hoạt động hơn. Giảm bớt cấp phó cũng có nghĩa là Nhà nước giảm được khoản chi phụ cấp chức vụ. Số hiệu phó nhiều hơn nhu cầu công việc dẫn đến trùng lặp về lĩnh vực phụ trách cũng như điều hành, quản lý. Nếu một trường phổ thông có hai hiệu phó, một người được giao phụ trách chuyên môn, người còn lại phụ trách cơ sở vật chất. Trường nào có ba hiệu phó, hiệu phó thứ ba gần như chỉ tồn tại cho đúng quy định.

Chính vì thế, việc giảm bớt số hiệu phó trong trường phổ thông (và không chỉ riêng bậc học phổ thông) là điều cần được tính đến. Bởi vì, với đặc điểm của lao động nhà giáo cũng như phương thức vận hành của nhà trường, chỉ cần một hiệu phó là đủ. Thực tế thời gian qua, có trường phổ thông ở Tây Ninh hiện chỉ có một hiệu trưởng điều hành (do chưa có hiệu phó), mọi hoạt động của nhà trường không vì thế mà khó khăn hơn, cũng như không ai cảm thấy là thiếu thốn.

Ngoài vấn đề giảm số lượng hiệu phó, một vấn đề khác mà ngành Giáo dục cũng như các cấp quản lý có thẩm quyền có thể phải tiến hành, đó là xem xét cho sáp nhập một số trường học. Do biến động của dân số cũng như một vài nguyên nhân thứ yếu khác, trong khoảng 15 - 17 năm qua, số lượng học sinh ở Tây Ninh giảm rất mạnh. Có những trường chỉ trong 10 năm, tổng số lớp học giảm gần một nửa.

Hiện nay, có trường trung học cơ sở chỉ còn trên dưới 100 học sinh, mỗi khối 6, 7, 8, 9 chỉ có đúng một lớp. Trong khi đó, khoảng cách địa lý giữa trường này với trường của xã bên cạnh không quá xa nhau. “Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể sáp nhập hai trường thành một. Trường ít học sinh hơn trở thành điểm phụ, tức cơ sở 2. Các em học sinh vẫn học bình thường ở trường mình, chỉ có bộ máy quản lý là giảm. Như vậy, ngân sách cũng không phải chi cho bộ máy ấy như hiện nay”- một vị cán bộ quản lý có thâm niên trong ngành Giáo dục phát biểu. Đề xuất này không phải là không có “ví dụ minh hoạ”.

Hồi tháng 6 vừa qua, với sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, UBND huyện và ngành Giáo dục Tân Biên, sau một thời gian xem xét kỹ lưỡng đã tiến hành sáp nhập Trường THCS Thạnh Tây với Trường THCS Nguyễn Khuyến (cùng địa bàn xã Thạnh Tây). Lý do sáp nhập là vì năm học 2016-2017, Trường THCS Thạnh Tây chỉ có vỏn vẹn 64 học sinh, không đáp ứng quy mô phát triển.

Không chỉ giảm số học sinh mà số trường học ở Tây Ninh cũng giảm theo từng năm. Lấy ví dụ ở cấp tiểu học, trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2015, số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giảm từ 283 trường xuống còn 262 trường, tức có 21 trường phải giải thể, sáp nhập vào trường khác. Số trường phải sáp nhập thường có quy mô nhỏ, ít học sinh.

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 262 trường tiểu học, có 33 trường tổ chức theo mô hình bán trú. Trước ngày khai giảng năm học 2016-2017, tại 2 huyện Trảng Bàng và Châu Thành có hai trường tiểu học phải sáp nhập. Năm học này (2017-2018), cấp tiểu học giữ nguyên con số 262 trường. Đây chắc chắn không phải là con số sau cùng vì một số địa phương đang xem xét tiếp tục sáp nhập trường tiểu học.

Trong số gần 550 trường học hiện nay, có nhiều trường quy mô nhỏ, số lượng học sinh ít và khoảng cách giữa các trường không quá xa. Và dù có hơi xa thì cũng không ảnh hưởng đến chuyện đi lại của học sinh, vì các em vẫn học tại chỗ. Cái lợi lớn nhất của việc sáp nhập là bớt được một bộ máy gồm hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều chức danh khác như chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, thanh tra, đoàn thanh niên, đội thiếu niên…

Nếu tiếp tục để quy mô, số lượng trường lớp như hiện nay là một sự lãng phí khó có thể chấp nhận. Do số học sinh quá ít, số lượng giáo viên lại nhiều nên nếu tính theo suất đầu tư (trên đầu học sinh) thì khoản ngân sách Nhà nước chi ra cho một học sinh phổ thông hoặc học sinh hệ giáo dục thường xuyên có khi còn cao hơn đào tạo một sinh viên đại học.

Ngoài vấn đề nhân sự cũng như việc sáp nhập những trường quá ít học sinh, Nghị quyết số 19 cũng đề cập việc “hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể”.

Nếu chuyện thành lập trường phổ thông nhiều cấp học được thực hiện thì không có gì bất ngờ. Ngược lại, việc đổi mới này thực ra là trở về với mô hình cũ. Hàng chục năm trước đây, có một thời kỳ dài, học sinh cấp 1 (tiểu học) và cấp 2 (trung học cơ sở) học chung một trường; hoặc cấp 2 học chung với cấp 3 (trung học phổ thông) và từ giữa thế kỷ trước Tây Ninh đã từng có những trường trung - tiểu học (đủ 3 cấp).

Cả ba cấp học gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ thật sự “ra riêng” vào cuối những năm 2000. Không chỉ có ý định trở lại mô hình cũ, việc thành lập hay tái lập trường phổ thông nhiều cấp học cho thấy, trường công lập có thể sẽ được tổ chức theo mô hình của trường tư thục. Hầu hết các trường phổ thông tư thục hiện nay là trường nhiều cấp học.

Tuy vậy, việc tái lập trường phổ thông nhiều cấp học không phải là chuyện có thể làm ngay được. Trước hết, phải sửa Luật Giáo dục cũng như một số văn bản dưới luật. Mặt khác, nếu thành lập trường phổ thông liên cấp thì chỉ có thể tổ chức chung cho trường THCS và THPT, vì hai cấp học giống nhau cả về cấu trúc chương trình cũng như thời gian dành cho một tiết học (45 phút).

Riêng cấp tiểu học, có thể vẫn cho học độc lập vì thời gian học mỗi tiết chỉ 35 phút. Việc tổ chức trường liên cấp cũng phải tính đến yếu tố địa lý cũng như sự chênh lệch về số lượng trường học giữa cấp này với cấp kia, vì càng lên cao, số trường học càng ít.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh