BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành:

Nhiều xã ngóng... cầu và đường

Cập nhật ngày: 22/08/2016 - 03:37

Đường huyện 12 - còn gọi hương lộ 12 đi vào ấp Rạch Tre, xã Biên Giới.

ĐƯỜNG XUỐNG CẤP QUÁ NHANH

“Có lần tôi đang chăm sóc tóc cho khách hàng thì một viên đá to như nắm tay bay vào trong quán, may mắn là cả chủ lẫn khách không trúng viên đá ấy” – chị chủ tiệm uốn tóc nằm bên đường huyện 2 (thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi) kể chuyện về con đường trước nhà mình. Cũng theo lời kể của chị này, con đường được làm chưa lâu lắm nhưng đã xuống cấp nhanh chóng một cách bất thường. Chị cho rằng nguyên nhân đường xuống cấp là do rất nhiều xe tải hạng nặng và xe máy cày chạy qua. Mật độ xe máy cày đặc biệt tăng mạnh trong mùa thu hoạch nông sản. “Nhà sát đường, mỗi khi nghe tiếng động cơ gầm gừ, bánh xe kẽo kẹt là phải cảnh giác vì những viên đá rời rạc có thể bay vào nhà bất cứ lúc nào. Dân phản ánh nhiều lần nhưng chưa thấy Nhà nước sửa chữa, khắc phục” – chị chủ tiệm nói thêm.

Xung quanh tình trạng con đường nói trên, bà Phan Thị Sương- một trong những người thường xuyên có mặt trong các đợt tiếp xúc cử tri ở xã Đồng Khởi kể rằng, do đường hư hỏng nặng nề nên có lần, khi xe máy cày chạy qua, một hòn đá đã bay vào sân nhà cạnh bên làm bể cả chậu cây kiểng! Nhưng theo bà, nguyên nhân chính khiến con đường nhanh xuống cấp, ngoài chuyện lưu lượng xe quá tải còn có vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Cụ thể, toàn bộ chiều dài của con đường không có lắp hệ thống cống thoát nước. Khi trời mưa to, nước thoát không kịp, ứ đọng, mặt đường bị ngâm nước nhiều giờ liền khiến cho nền đường nhanh rệu rã.

“Tui tự bỏ tiền mua 25 cái cống về đặt ở đoạn đường trước nhà cho nước chảy. Nhưng không phải hộ nào cũng lắp cống nên nước không thoát đi đâu được, ngược lại khi nước dưới cống đầy ứ lại chảy ngược vào sân nhà tui. Tui đề nghị nhà chức trách cho đặt ngay hệ thống cống giống như đoạn đường từ ngã ba Vịnh đi xã Phước Vinh. Nếu không có cống thoát nước thì cho dù có sửa chữa, đường vẫn sẽ mau hư”- bà Sương nói. Bà cho biết thêm, trong những lần tiếp xúc giữa đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội với cử tri, trước phản ánh của người dân, các vị đại biểu có hứa sẽ xem xét, chuyển cơ quan thẩm quyền khắc phục con đường này nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái tích cực nào cả.

Trước thực trạng con đường xuống cấp nghiêm trọng, cách nay ít ngày, ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đã có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh cho chủ trương hỗ trợ vốn để huyện triển khai sửa chữa và bảo trì công trình. Văn bản UBND huyện Châu Thành gửi lãnh đạo tỉnh có nêu: “Công trình đường huyện 2 được đầu tư xây dựng năm 2009, mặt đường láng nhựa rộng 6 mét, nền đường 9 mét, tổng chiều dài toàn tuyến 4.500 mét. Đây là tuyến đường nối liền Khu di tích lịch sử Tua Hai – Đồng Khởi với vành đai diệt Mỹ (từ đây đi thẳng ra thị trấn Châu Thành-PV).

Hiện nay, do lưu lượng xe lớn, nhất là xe container né tránh tuyến quốc lộ 22B, các xe vận chuyển mía, mì vào mùa thu hoạch nên tuyến đường đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng nặng. Nhân dân trong khu vực nhiều lần kiến nghị nâng cấp để phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản. Tổng kinh phí khái toán khoảng 15 tỷ đồng”. Tại một số kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh trước đây, có đại biểu đã nêu vấn đề chất vấn: vì sao đường mới làm chưa lâu đã xuống cấp và khi nào thì mới sửa chữa, khắc phục?

Đường huyện 2 từ Khu di tích lịch sử Tua Hai - Đồng Khởi đi thị trấn Châu Thành.

RẠCH TRE CHỜ MỘT CÂY CẦU

Ông Lê Văn Phước- Phó Chủ tịch UBND xã Biên Giới cho biết, ở xã vùng biên này có một ấp đang gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, đó là ấp Rạch Tre. Ấp này bị ngăn cách với phần còn lại của xã Biên Giới bởi một con kênh khá lớn. Việc đi lại của bà con nơi đây rất khó khăn, bất tiện. Từ trung tâm xã, muốn đi vào ấp Rạch Tre thì phải qua một cây cầu sắt bắc ngang con kênh, sát bên cây cầu có nhà bà Hai Gió nên dân địa phương thường gọi đây là cầu Bà Hai Gió. Ở phía bên kia cầu có một con đường thuộc loại độc đạo dẫn vào ấp Rạch Tre. Con đường này được hình thành khi Nhà nước cho đào kênh để phục vụ tưới tiêu và giao thông đường thuỷ. Vật liệu chính của con đường này là… đất sét. Ông Phước cho biết, con đường này mùa khô thì còn đi lại được, còn khi trời mưa cả người đi xe đạp lẫn xe máy gần như không thể di chuyển vì đất sét dính chặt vào bánh xe.

Theo trí nhớ của ông Phó Chủ tịch xã, cách nay hơn mười năm, ấp Rạch Tre từng có một điểm lẻ thuộc Trường tiểu học Biên Giới, về sau không hiểu vì lý do gì (có lẽ vì quá ít học sinh) nên ngành giáo dục đã cho dẹp điểm phụ này. Kể từ đó, học sinh trong ấp từ mầm non cho đến phổ thông muốn đi học đều phải vào trung tâm xã mới có trường.

Tình hình đặc biệt khó khăn khi mùa mưa đến. Do đường quá xấu, đất sét dính như nhựa nên phần lớn học sinh trong ấp được người nhà dùng ghe, xuồng đưa đi theo con kênh đến “cập bến” tại cầu Bà Hai Gió. Sau khi lên bờ, các em lại được người lớn dùng xe máy, xe đạp (gửi ở nhà người quen phía bên này cầu) đưa đến trường. Nhiều người phải ở đó chờ con em học xong, đưa ra bến để lên xuồng, ghe trở về nhà, vì họ không an tâm để con em tự điều khiển ghe, xuồng. “Các cháu học sinh ở tổ 3, ấp Rạch Tre có thể đến trường bằng đường bộ nhưng phải đi vòng lên ấp Tân Định rồi mới vòng xuống học ở ấp Bến Cầu ở trung tâm xã” - ông Phước nói.

Ngoài chuyện đi lại của học sinh, hiện trạng con đường quá xấu còn làm phát sinh chi phí trong sản xuất nông nghiệp, liên quan đến việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân. Do giao thông cách trở, bất tiện, trong thời gian qua, một số hộ dân đã bỏ ấp Rạch Tre, tìm mua đất, làm nhà ở ấp Bến Cầu hoặc sang xã Phước Vinh để sinh sống, tạo điều kiện cho con em đi học.

“Nhà nào không có điều kiện mua đất ở nơi khác thì sang ấp Bến Cầu thuê nhà cho con em ở để đi học”- ông Phước thông tin thêm. Một vị lãnh đạo khác của xã Biên Giới cũng cho biết, “con đường đau khổ” như vừa kể ở trên có tên gọi chính thức là đường huyện 12 (còn gọi là hương lộ 12). Trước nhu cầu đi lại hết sức bức thiết của người dân, các cơ quan liên quan đã từng đến khảo sát để cải tạo tuyến đường này nhưng qua nhiều năm, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Vị lãnh đạo xã kể: “Thứ hai hằng tuần, trưởng ấp Rạch Tre đến UBND xã để chào cờ và họp giao ban. Về mùa mưa, từ nơi ở của mình, ông ấy phải đi vòng qua xã Phước Vinh và Hoà Thạnh rồi mới tới được trụ sở UBND xã”. Ông Trần Văn Vũ- Trưởng ấp Rạch Tre thông tin thêm, toàn ấp hiện có 118 hộ với 478 nhân khẩu. Sau ngày khai giảng năm học là vào cao điểm của mùa mưa, mỗi gia đình lại phải cử ra một người để đưa con em đến trường bằng xuồng, ghe.

Có người đang đi thì mưa ập đến, bị đất dính chặt, xe không làm sao chạy được, họ đành bỏ xe giữa đường lội bộ về nhà. Do đó, đa số người dân trong ấp đều “dự phòng” sẵn một xe máy hoặc xe đạp gửi ở chỗ người quen bên kia cầu, để khi con em lên bờ, sẽ lấy xe đưa chúng đến trường. Có những hộ khó khăn, neo đơn, neo người đành cho con bỏ học vì nếu ngày nào cũng đưa đón con đi về hai lần thì không thể đi làm được.

Vẫn theo lời ông Trưởng ấp, ấp Rạch Tre hiện chỉ độc canh cây lúa cho dù thổ nhưỡng nơi đây hoàn toàn có thể trồng được các loại cây công nghiệp như mì, mía. Lý do là “Bà con không trồng cây công nghiệp vì giao thông bất tiện, giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh”.

Ông Vũ cho biết thêm, trong lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội và cử tri gần đây nhất, người dân trong ấp đã phát biểu ý kiến, đề nghị về việc cải tạo khẩn cấp tuyến đường để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm sản xuất, đi lại.

Em Nguyễn Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ: “Hồi còn học trung học cơ sở, khi trời mưa, em và một số bạn trong ấp phải lội bộ quãng đường dài 3 cây số, tính từ nhà cho đến cầu Bà Hai Gió. Khi qua cầu, em và nhóm bạn lại vào nhà người quen lấy xe đạp gửi sẵn đó để đạp đến trường”.

Theo lời cô học trò này, không phải hộ dân nào trong ấp cũng có ghe, xuồng. Do vậy, học sinh nào nhà không có phương tiện đi đường thuỷ mà cũng không quá giang ai được thì chỉ còn cách lội bộ ba bốn cây số, có khi xa hơn mới tới địa điểm “tập kết” xe đạp. “Một số bạn của em đã bỏ học vì đi lại quá vất vả. Những hôm trời mưa to, mới năm giờ sáng là em và một nhóm bạn đã rủ nhau đi học. Có hôm còn phải đi sớm hơn, tính toán sao cho đến địa điểm gửi xe ở bên kia cầu khoảng sáu giờ để còn kịp giờ học” – cô nữ sinh kể về nỗi vất vả của mình.

Một giáo viên đang dạy ở Trường THPT Lê Hồng Phong cũng kể rằng, có lần một em học sinh trong ấp Rạch Tre đỗ đại học, gia đình mở tiệc mời thầy cô vào chung vui. Nhà trường và gia đình thống nhất với nhau là 11 giờ trưa sẽ có mặt. Khoảng 10 giờ, nhóm giáo viên lên đường. Nhưng vừa xuất phát được mấy phút thì trời đổ mưa. Lỡ hẹn rồi nên mưa cũng đi. Và phải hơn 13 giờ họ mới tới nơi trong bộ dạng bê bết bùn đất.

Cầu Bà Hai Gió bắc qua kênh đào.

Vì sao chuyện cải tạo, nâng cấp đường huyện 12, dài hơn 9 cây số vào ấp Rạch Tre lại ì ạch như thế? Nguyên nhân thật ra khá đơn giản: cầu Bà Hai Gió bắc qua con kênh là loại cầu tạm. Mặt cầu chỉ rộng chừng ba mét và khung cầu được làm bằng kim loại. Nói về cây cầu này, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, do cầu vừa nhỏ vừa yếu nên xe tải không thể lưu thông. Chính vì thế, hiện tại không có cách nào thật sự hiệu quả để vận chuyển thiết bị, vật tư qua bên kia cầu phục vụ việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường mà hàng trăm người dân đã và đang ngóng chờ hơn 10 năm nay. Muốn sửa chữa tuyến đường vào ấp Rạch Tre, chỉ còn cách đập bỏ cây cầu tạm để bắc một cây cầu kiên cố, chịu được trọng tải thì mới có thể vận chuyển vật tư, máy móc để làm đường. Trước tình thế khó khăn đó, mới đây, UBND huyện Châu Thành đã chính thức có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư xây cầu, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Tiện đây cũng xin thông tin thêm, cầu Bà Hai Gió đã có dấu hiệu xuống cấp. Khung cầu được làm bằng kim loại (không rõ kim loại gì) đã rỉ sét, nhiều chỗ trông rất đáng sợ! Có lẽ do khung (gầm) cầu kết cấu bằng kim loại, qua thời gian đã yếu nên người ta lấy hai sợi dây cáp to như ngón chân cái để giằng chéo hai đầu cầu lại với nhau.

VIỆT ĐÔNG