Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Nhiều xáo trộn 

Cập nhật ngày: 02/01/2019 - 06:42

BTN - Sau một thời gian dài ban hành dự thảo để tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội, chiều 27.12.2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới để chuẩn bị thay thế chương trình hiện hành. Sau khi ban hành, chương trình giáo dục phổ thông mới thu hút sự quan tâm lớn của những người đang công tác trong ngành Giáo dục.

Học trò ở Khu dân cư Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, một số cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục ở Tây Ninh đã bày tỏ ý kiến, quan điểm. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, có hai điều tích cực ở chương trình mới. Thứ nhất, giảm kiến thức hàn lâm, hướng vào phát triển năng lực cho học sinh. Thứ hai, chương trình mới tập trung giáo dục kiến thức phổ thông ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, còn ở cấp THPT đã có sự gắn kết giữa giáo dục phổ thông với định hướng nghề nghiệp.

Ngoài việc nhìn nhận những điểm tích cực, vị hiệu trưởng cũng không giấu sự băn khoăn về cấu trúc, thiết kế của chương trình mới. Theo ông, quy định học sinh học 5 môn bắt buộc đồng thời phải chọn thêm 5 môn học đơn lẻ khác ở các nhóm môn sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn. Vị này phân tích, ngoài 5 môn bắt buộc học sinh nào cũng phải học, khi chọn các môn học đơn lẻ trong nhóm, sẽ xảy ra trường hợp, có học sinh học kỳ 1 chọn môn này nhưng sang học kỳ 2, thấy không phù hợp lại muốn chọn môn khác.

Chỉ riêng điều này đã gây ra nhiều khó khăn, phiền phức khi xếp lớp học cho học sinh. Theo ý kiến này, nếu để cho học sinh hoàn toàn có quyền tự chọn môn học thì nhà trường khó có thể đáp ứng được, vì rất nhiều lộn xộn, kể cả bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên. Ví dụ, có trường học sinh chọn theo nhóm môn xã hội, có trường các em lại chọn theo nhóm môn tự nhiên. “Thực lòng mà nói, quy định cho học sinh tự chọn môn học nhưng đến khi triển khai chương trình, nhà trường sẽ định hướng, gợi ý, chứ để các em tự chọn thì không thể được”- vị hiệu trưởng nêu.

Cũng ở cấp THPT, có một câu hỏi không nhỏ được đặt ra: nguồn giáo viên ở đâu để dạy môn Nghệ thuật? Chương trình hiện hành của cấp học này không có môn Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc). Vậy khi triển khai chương trình mới, lấy đâu ra giáo viên để dạy? Nếu các trường đại học sư phạm tuyển sinh, liệu có thí sinh đăng ký học các ngành để dạy môn Nghệ thuật không? Mặt khác, cho dù có người đăng ký học thì trường đại học học sư phạm cũng không thể đào tạo kịp. Cũng ở cấp học này, dù chương trình đã được ban hành nhưng vẫn còn một câu hỏi không đơn giản hình như chưa được trả lời: Tại sao một số môn khoa học cơ bản bị xếp vào nhóm môn tự chọn, còn môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh lại trở thành môn học bắt buộc?

Một thay đổi rất đáng chú ý ở chương trình mới so với chương trình hiện hành, là ở cấp trung học cơ sở xuất hiện môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý. Đây là lần đầu tiên, cấp trung học cơ sở gộp các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thành môn học mới với tên gọi Khoa học tự nhiên. Cũng lần đầu tiên (ít nhất là trong vài ba chục năm trở lại đây), hai môn Lịch sử và Địa lý được “nhất thể hoá” thành một. Trước đây, khi chương trình còn ở dạng dự thảo, nhiều ý kiến của giới chuyên môn đã nêu lên sự băn khoăn khi nhập nhiều môn học thành một.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, ví dụ: cơ sở nào để hợp nhất các môn học, vì kiến thức của các môn học rõ ràng có sự khác biệt. Và  khi hợp nhất, liệu giáo viên có dạy được không? Sau khi chương trình mới chính thức được ban hành, những người trong cuộc tiếp tục bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Bởi vì, trường sư phạm chỉ đào tạo giáo sinh để sau khi ra trường dạy một môn, hay còn gọi là đơn môn.

Trường hợp vì thiếu giáo viên phải dạy chéo môn cũng có nhưng đó là giai đoạn trước đây, nay, đội ngũ giáo viên không thiếu nên học môn nào dạy môn đó. Nhiều người trong ngành thừa thận, giáo viên chỉ dạy giỏi một môn thôi đã là quá tốt rồi, nay yêu cầu dạy nhiều môn không biết sẽ như thế nào. Nếu một thầy dạy ba môn thì không sâu, dạy sai kiến thức, thậm chí không dạy được. Còn nếu ba thầy dạy chung một môn (người nào dạy phần môn học của người đó) thì “cha chung không ai khóc”, tức chẳng ai chịu trách nhiệm về môn học của mình.

Đó còn chưa kể, việc gộp nhiều môn học lại với nhau sẽ kéo theo nhiều thứ rất phiền toái, rối rắm. Ví dụ các hoạt động kiểm tra, đánh giá, xếp loại học lực, phong trào thi đua… “Là hiệu trưởng, cũng là chủ tịch hội đồng thi đua của nhà trường nhưng tôi nói thật, tôi sợ công tác thi đua”- một cán bộ quản lý ở trường phổ thông cho biết.

Được biết, để trấn an cho việc dạy học liên môn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên. Để bảo đảm không “tam sao thất bản”, công việc tập huấn được tổ chức qua internet.

Tuy nhiên, trải qua nhiều đợt tập huấn, nhiều giáo viên đề nghị việc tập huấn cần được tổ chức một cách nghiêm túc, hiệu quả. Chương trình phổ thông mới còn đặt ra hàng loạt vấn đề, ví dụ, có nên quy định học sinh tiểu học học tiếng dân tộc thiểu số không?  Học sinh tiểu học học tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số để làm gì? Nếu các em chọn môn học này, liệu có giáo viên để dạy không? Cần nhắc lại rằng, thay đổi chương trình và sách giáo khoa là hoạt động có tính chất chu kỳ trong giáo dục, điều này hoàn toàn bình thường.

Chương trình, sách giáo khoa hiện hành cũng đã gần 20 năm, trong khi theo thông tin được phổ biến rộng rãi, vòng đời của chương trình và sách giáo khoa chỉ thường 15 năm, có quốc gia còn kết thúc sớm hơn. Vấn đề đặt ra là, đổi mới phải hiệu quả, vì mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa rất tốn kém về tài chính, đồng thời kéo theo nhiều chuyện khác.

VIỆT ĐÔNG

GIẢM MÔN HỌC, SỐ GIỜ HỌC

Theo thiết kế của chương trình mới, cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5), Khoa học (lớp 4, 5), Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2). Thời lượng 2 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút.

Cấp THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút.

Ở cấp THPT gồm có 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh cấp THPT phải chọn năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn). Cụ thể như sau: Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.

Sau khi ban hành chương trình, trao đổi với báo giới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết thêm một số thông tin. Theo đó, ở cấp tiểu học, chương trình mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục.

Ví dụ, lớp 1 và 2 có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học, trong khi hiện nay ba khối lớp này đều có 10 môn học. Ở cấp THCS, chương trình mới có 12 môn học, chương trình hiện hành lớp 6 và 7 có 16 môn học; lớp 8 và 9 có 17 môn học. Số tiết học của chương trình mới cũng giảm.

Theo chương trình mới, bậc tiểu học học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), trung bình các em học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Chương trình hiện nay học một buổi/ngày (5 buổi/tuần), trung bình các em học 2,7 giờ/lớp/buổi. Cấp THCS, học sinh học 3.070 giờ, chương trình hiện nay là 3.124 giờ. Ở cấp THPT, học sinh học 2.284 giờ, hiện nay, các em ban cơ bản học 2.546 giờ; ban A, ban C học 2.599 giờ.

Về nội dung, chương trình mới giảm kiến thức hàn lâm. Chương trình hiện nay thiên về trang bị kiến thức, do đó chứa đựng nhiều nội dung hàn lâm, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.