BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều ý kiến của cử tri được quan tâm giải quyết thoả đáng 

Cập nhật ngày: 17/04/2022 - 23:48

BTN - Thời gian qua, chuyên mục Tiếng nói cử tri do Báo Tây Ninh phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện đã phản ánh nhiều vấn đề bất cập trong đời sống xã hội, được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý, khắc phục hạn chế.

Cống Kiểu- nơi xả nước thải chưa qua xử lý ở khu vực thị trấn huyện Châu Thành.

Tình trạng ô nhiễm nước sông Vàm Cỏ Đông được cải thiện

Sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài khoảng 270km, bắt nguồn từ tỉnh Kampong Cham (Campuchia), chảy qua địa phận 6 huyện, thị xã khu vực phía Tây Nam của tỉnh là Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng.

Ngoài việc cấp nước thường xuyên cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân, sông Vàm Cỏ Đông còn là tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng của tỉnh, phục vụ nhu cầu vận tải nông sản, hàng hoá của các hoạt động công nghiệp, dịch vụ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sông Vàm Cỏ Đông bị tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác khoáng sản (cát), xả nước thải từ các khu dân cư, khu (cụm) công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, đô thị… với tổng lưu lượng nước thải hàng trăm ngàn m3/ngày đêm đổ xuống, làm chất lượng nước sông xấu đi rõ rệt, tình trạng nước chuyển màu, bốc mùi hôi thối làm thuỷ sản trên sông chết hàng loạt vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đây là vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và tại các kỳ họp HĐND tỉnh thời gian qua.

Ông Bùi Hữu Tâm, ngụ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu cho biết, sau những cơn mưa lớn đợt tết nguyên đán vừa qua, nước sông Vàm Cỏ Đông khu vực gần cầu Bến Đình chuyển sang màu xanh sẫm, bốc mùi thối, một số loại cá trắng nổi đầu chết, tình trạng này diễn ra khoảng 5 ngày thì nước trong và bình thường trở lại cho đến nay.

Theo ông Tâm, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm diễn ra từ trước những năm 2010, thời gian đầu, nước nổi bọt trắng, cá tôm bị ngộp nổi lềnh bềnh trên mặt nước, người dân chỉ cần đi dọc bờ sông cầm rổ xúc là có thể bắt được cả trăm ký; có lúc nước sông chuyển sang màu đen như nhớt thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến cá tôm chết hàng loạt.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông xảy ra đúng theo phản ánh của cử tri, thường diễn ra vào các tháng 3, tháng 4 trong năm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Thời điểm này nước sông có màu đen, mùi hôi và một số nơi có hiện tượng cá nổi đầu chết trắng mặt sông nhưng chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, Sở phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố rà soát, thống kê có 2.977 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có xả thải ra sông Vàm Cỏ Đông với lưu lượng dưới 50m3/ngày đêm, với tổng lưu lượng nước thải có thể đạt trên 7.900m3/ngày đêm.

ng Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo số liệu quan trắc của Sở, từ đầu năm 2022 đến nay, chất lượng nước trên sông Vàm Cỏ Đông đã cải thiện, các thông số chất lượng đều đạt quy chuẩn (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

Tuy nhiên, một số thông số về oxy hoà tan DO, oxy hoá học (COD) chỉ đạt ở ngưỡng quy chuẩn, chưa thật sự ổn định, nên khi có một nguồn ô nhiễm bổ sung- nhất là giai đoạn đầu mùa mưa, chất thải ở các khu vực dân cư bị nước mưa cuốn đi gây tình trạng ô nhiễm cục bộ tại một số cửa kênh rạch đổ ra sông. Bên cạnh đó, một số đơn vị hoạt động sản xuất lén xả thải ra sông trong thời điểm trời mưa cũng có thể gây nên tình trạng nước sông bị ô nhiễm.

Về giải pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, Sở đã tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có nguồn xả thải lớn hơn 50m3/ngày đêm, nhất là nguồn nước thải của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ có xả nước thải ra kênh rạch dẫn ra sông Vàm Cỏ Đông. Có 4/9 huyện, thị xã và thành phố đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu vực đô thị, nếu hệ thống này hoàn thiện và đưa vào hoạt động sẽ hạn chế ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông trong thời gian tới.

Trong quý I.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng lực lượng chức năng xử lý 32 cơ sở, đình chỉ hoạt động đối với 4 cơ sở vi phạm. Trong năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất công tác bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện sát sao, nghiêm túc đối với 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên toàn tỉnh. Đối với các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ quan chức năng kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Lấn chiếm vỉa hè, lề đường, vứt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra

Thời gian qua, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra tại nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường khu vực đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh… không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Mặc dù các địa phương thường xuyên ra quân chấn chỉnh, nhưng mỗi khi lực lượng chức năng đi qua, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn.

Anh Tấn, một người dân tại phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, khu vực chợ Long Hoa thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông do tiểu thương mang hàng hoá bày bán lấn chiếm lòng, lề đường- thậm chí nhiều người còn bày ra giữa đường, gây cản trở giao thông.

Một tiểu thương buôn bán tại chợ Long Hoa cho biết, trước đây bà có thuê ki-ốt trong chợ, nhưng việc buôn bán ngày càng ế ẩm, do khách hàng chủ yếu mua của các sạp bên ngoài, thậm chí dừng xe giữa đường mua của những người bán hàng rong nên bà phải trả ki-ốt, mang hàng hoá ra ngoài vỉa hè cạnh tranh buôn bán.

Ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, UBND Thị xã đang kiến nghị tỉnh xem xét cho chủ trương thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc Phòng Quản lý đô thị để có lực lượng chuyên trách đủ mạnh, kịp thời thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị theo mô hình chính quyền đô thị một cách hiệu quả.

Theo ghi nhận của người viết, tại khu vực chợ Tây Ninh và trên nhiều tuyến đường của thành phố Tây Ninh như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu... có nhiều tiệm tạp hoá, cửa hàng kinh doanh bày hàng hoá lấn chiếm vỉa hè, một số nơi còn để xe máy dưới lòng đường, bất chấp các phương tiện giao thông qua lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, Hoà Thành đang tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, thực hiện chỉnh trang đô thị. Công tác quản lý của một vài địa phương trên địa bàn Thị xã còn hạn chế, thiếu kiểm tra, chưa phát hiện kịp thời để ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vứt rác không đúng nơi quy định, trong khi đó việc xử lý chưa kịp thời, thiếu tính răn đe.

Theo lãnh đạo thị xã Hoà Thành, việc người dân buôn bán ở lòng đường, vỉa hè là không đúng quy định, nhưng đây cũng là sinh kế của nhiều người dân nghèo, thời gian qua, chính quyền Thị xã chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở, chỉ xử phạt một số trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, Hoà Thành chưa có lực lượng chuyên trách cũng như phương tiện đầy đủ để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. UBND Thị xã đang kiến nghị tỉnh xem xét cho chủ trương thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc Phòng Quản lý đô thị để có lực lượng chuyên trách đủ mạnh, kịp thời thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị theo mô hình chính quyền đô thị một cách hiệu quả.

Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, mua bán là vấn đề phổ biến ở các đô thị đang phát triển nói chung trên cả nước. Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng trật tự thường xuyên tuần tra, xử lý được 583 cuộc, giải toả 3.231 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, công viên, các khu vực chợ, qua xử lý tạm giữ 520 vật dụng vi phạm để xử lý hành chính.

Tổ chức kẻ vạch sơn vàng trên vỉa hè đối với 11 tuyến đường chính, với tổng chiều dài 2,2km để sắp xếp các hộ kinh doanh ngăn nắp, góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị trên địa bàn Thành phố.

Minh Dương