BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều ý kiến đóng góp dự thảo nghị quyết liên quan đến việc nuôi chim yến 

Cập nhật ngày: 27/10/2020 - 00:42

BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh tình hình nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, hiệu quả kinh tế cũng như những ảnh hưởng của nghề này đối với khu dân cư. Bài báo cũng nêu việc tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng dự thảo nghị quyết quy định về khu vực được phép nuôi chim yến; dự thảo nghị quyết phải được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với thực tế.

Nhà nuôi yến ở huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Ðức An

Ngày 20.10 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị quyết HÐND tỉnh về việc ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, với mục đích quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.

Ðại diện hộ nuôi yến Ngô Ðình Quyền tại thị trấn Tân Biên cho rằng, nuôi chim yến là loại hình chăn nuôi có tính đặc thù, không thể gọi là di dời cơ sở chăn nuôi như trong dự thảo vì những nhà nuôi yến được xây dựng kiên cố; yến là loài chim sống phụ thuộc vào thiên nhiên, không giống như gia súc, gia cầm, nên khi xây chỗ mới, không thể bắt chúng sang đó được. Do đó, không thể gọi là di dời mà phải gọi là phá bỏ cơ sở nuôi yến.

Bên cạnh đó, theo người đại diện cơ sở này, việc các cơ quan chức năng cho rằng các nhà yến trong khu dân cư, thị trấn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống những người xung quanh là chưa hoàn toàn đúng.

“Trên thực tế nhà yến của gia đình tôi trong khu vực Thị trấn nhưng khoảng cách giữa nhà yến với những nhà khác vài chục mét và cũng chưa từng có ai phản ánh về việc chim yến gây ô nhiễm môi trường, đề nghị các cơ quan chức năng nên khảo sát, kiểm tra thực tế từng trường hợp để có phương án cụ thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Sơn, hộ nuôi chim yến tại khu phố 1, thị trấn Tân Châu băn khoăn về quy định thoả thuận giữa các hộ liền kề với các nhà nuôi yến- mà theo ông Sơn là rất khó, vì chỉ cần một hộ (có thể vì mâu thuẫn cá nhân) không đồng thuận là phải ngưng hoạt động và di dời là không thoả đáng.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng đồng tình với dự thảo là sau khi quy định có hiệu lực, sẽ cấm tất cả các trường hợp xây mới trong khu dân cư, khu vực Thị trấn. Ðồng thời, kiến nghị cho phép những trường hợp đã xây dựng, hoạt động trước đó được tiếp tục hoạt động; yêu cầu những hộ chăn nuôi này phải có giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh, nếu hộ nào không chấp hành thì bắt buộc phải di dời theo quy định.

Thêm vào đó, hiện nay, cả nước mới chỉ có 5 tỉnh, thành đưa ra quy định về cấm nuôi chim yến trong khu dân cư, trong khi Nhà nước chưa có một quy định cụ thể nào về nuôi chim yến, vì vậy, ông đề nghị HÐND tỉnh nên xem xét lùi thời gian ban hành nghị quyết.

Theo bà Lý Ðàm Mai Loan, chủ thương hiệu yến sào Yến Loan, là người nuôi chim yến và cơ sở sơ chế tổ yến cung cấp ra thị trường, bà nhận thấy Tây Ninh là nơi có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến.

So với các ngành nghề khác thì đây là ngành nghề có giá trị kinh tế cao, ổn định thị trường, Trong khi đó, nhà nuôi chim yến là công trình kiến trúc kiên cố, chiếm diện tích đất ít, phù hợp với việc phát triển rộng rãi, không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, bà đề nghị tỉnh xem xét tạo điều kiện để phát triển ngành nghề này.

Ðánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo dự thảo nghị quyết, tuy nhiên, ông Ngô Ðức Hà- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, trong dự thảo nghị quyết, nên đưa thẳng vào “Ðiều 1: khu vực cấm chăn nuôi”. Thứ hai, nêu cụ thể ngoài khu vực cấm chăn nuôi có phải là khu vực được phép chăn nuôi không, việc di dời cơ sở chăn nuôi phải dời đến đâu? Cần phải rõ ràng để người dân dễ thực hiện.

Theo ông Ngô Ðức Hà, cần phải xem lại và làm rõ hơn đối với khái niệm “khu dân cư tập trung, đô thị”. Bởi trong dự thảo quy định có nêu là 30 hộ gia đình trở lên, vậy 30 hộ trên diện tích là bao nhiêu?

Một vấn đề nữa mà ông Hà băn khoăn là nội dung dự thảo quy định “phải được sự thoả thuận thống nhất bằng văn bản với các bất động sản liền kề”, theo ông thì điều này không khả thi.

Bởi vì có thể xảy ra trường hợp, chỉ có một người không đồng thuận thì khó thực hiện, và cũng không nên lấy ý kiến với chủ bất động sản là đất trống, vườn cao su mà nên quy định lấy ý kiến đại diện nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc xã và đại diện chính quyền thông qua chủ tịch xã đó. Ðồng thời, cần xem xét đưa vào dự thảo nghị quyết quy định khoảng cách tiếng ồn từ loa phát dẫn dụ chim yến cụ thể để tiếp tục xin ý kiến.

Vấn đề cuối cùng mà ông Hà quan tâm, đó là quy định về chính sách hỗ trợ di dời, nên xem lại cần hỗ trợ trước khi di dời để người dân có kinh phí, cân nhắc đưa thêm chính sách cho vay ưu đãi và đối tượng cho vay, mức vay để đưa vào nghị quyết.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh- Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh đồng ý với phương án sẽ hỗ trợ di dời cho tất cả các trang trại không có văn bản đồng ý trong vùng bị tác động. Riêng đối với các cơ sở nuôi chim yến đã xây dựng và hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi, cần có quy định hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý.

Một vấn đề khác mà bà Ánh đưa ra là thời gian di dời đối với các trang trại nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, dự thảo nghị quyết quy định đến 5 năm (trước ngày 1.1.2025) là quá dài, không khả thi khi thực hiện…

Những ý kiến đóng góp, phản biện của các cá nhân, đại diện cho các tổ chức được ngành Nông nghiệp tỉnh ghi nhận để xem xét tham mưu cho UBND tỉnh trước khi trình ra HÐND tỉnh.

Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu ý kiến của người dân sống tại các khu dân cư có nhà nuôi yến đang hoạt động, chính quyền các địa phương để phản ánh đến bạn đọc nhằm có cái nhìn khái quát hơn về tình hình nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu dân cư trong thời gian qua.

Minh Dương - Thiên Tâm