Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phụ nữ & sức khoẻ
Nhịn đói trước khi xét nghiệm nhằm bảo đảm độ chính xác của kết quả xét nghiệm
Thứ bảy: 12:27 ngày 18/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hỏi: Nữ 48 tuổi, có 2 con, khám sức khoẻ định kỳ, kết quả đều bình thường. Mỗi lần đi khám, tôi đều phải nhịn đói từ 10 giờ đêm hôm trước, kể cả nước cũng không dám uống, vì sợ sai lệch kết quả xét nghiệm. Nhịn đói như vậy ít nhiều làm cho tôi cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, thậm chí nhức đầu. Xin cho biết có gì bất ổn không?

Một bạn đọc

Đáp: Nhịn đói trước khi xét nghiệm nghĩa là không được ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì ngoại trừ nước lã (nước đun sôi để nguội). Nhịn đói trước khi xét nghiệm nhằm bảo đảm độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Các chất dinh dưỡng và thành phần có trong thức ăn và đồ uống bạn dùng được hấp thu vào máu và có thể có tác động lên các yếu tố được đo lường trong một số xét nghiệm. Ví dụ bạn uống nước ngọt thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao, xét nghiệm đường huyết lúc đó sẽ không kết luận được bạn bình thường hay mắc bệnh đái tháo đường.

Một điểm cần lưu ý, mặc dù cần thiết phải nhịn đói trước khi làm một số xét nghiệm, bạn vẫn có thể và rất nên uống nước (nước lã). Uống đủ nước làm cho các tĩnh mạch có đủ nước. Tĩnh mạch đủ nước dễ tìm thấy hơn, do đó, việc rút máu sẽ dễ dàng hơn. Do vậy, hãy uống nhiều nước trước bất kỳ xét nghiệm máu nào.

Không phải trước khi làm bất kỳ xét nghiệm nào cũng cần nhịn đói. Xét nghiệm glucose để kiểm tra lượng đường trong máu, cần nhịn đói trong 8-10 giờ trước. Các xét nghiệm xác định lượng cholesterol tổng, triglyceride, HDL (cholesterol “tốt”), LDL (cholesterol “xấu”) để đánh giá chức năng chuyển hoá mỡ thường đòi hỏi phải nhịn đói ít nhất 9-12 giờ trước.

Xét nghiệm GGT giúp chẩn đoán bệnh gan. Mức GGT trong máu của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu bạn uống rượu, bia trong 24 giờ trước hay hút thuốc lá. Xét nghiệm sắt trong máu giúp chẩn đoán các tình trạng như thiếu máu do thiếu sắt, thường được thực hiện vào buổi sáng trước khi bạn ăn bất kỳ thức ăn gì.

Ngoài ra, bạn còn được dặn không sử dụng viên bổ sung sắt trong 24 giờ trước khi xét nghiệm. Nếu xét nghiệm nước tiểu chỉ để đánh giá tổng quát (xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu), bạn có thể ăn và uống bình thường trước đó. Một điểm cần lưu ý, nhiều loại thuốc, kể cả thuốc và thực phẩm bổ sung không kê toa có thể ảnh hưởng kết quả xét nghiệm nước tiểu.

Tóm lại, bạn cần nhịn đói trước khi thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu, nhưng không phải tất cả. Bạn luôn cần hỏi bác sĩ của bạn có cần phải nhịn đói không và nhịn đói trong bao lâu. Nước lã luôn có thể uống trước khi làm xét nghiệm máu và nước tiểu, để tránh các khó chịu thường gặp do thiếu nước như khô miệng, mệt mỏi, nhức đầu.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục