Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhìn lại 15 năm thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật
Thứ sáu: 00:07 ngày 07/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển VHNT trong tình hình mới, bên cạnh ghi nhận những thành tựu nổi bật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế.

Giao lưu văn hoá, văn nghệ nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967 - 24.6.2022) và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022 (Ảnh: Khánh Duy)

15 năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, trên cơ sở đánh giá kết quả, nhận diện tồn tại, hạn chế sau 15 năm triển khai để thấy VHNT cần tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển tương xứng với vai trò, vị trí cũng như bề dày truyền thống cách mạng, nét đặc sắc văn hoá Tây Ninh, đáp ứng yêu cầu hội nhập - phát triển.

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ luôn được bảo đảm; thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng, chính trị cho văn nghệ sĩ trước vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đổi mới tư duy, phương pháp chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho VHNT phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm.

Bà Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, từ ngày thành lập Hội đến nay, Hội VHNT tỉnh luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hoạt động chuyên môn, Hội chú trọng tính phù hợp định hướng phát triển VHNT của Đảng và Nhà nước gắn với thực tiễn địa phương. Một trong các đề tài nổi bật được giới văn nghệ sĩ Tây Ninh lựa chọn làm nguồn cảm hứng sáng tạo chính là đề tài về lực lượng vũ trang, với chủ đề ca ngợi người chiến sĩ Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, biển, đảo và vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Hằng năm, Hội tổ chức tập huấn chuyên môn, hướng dẫn kỹ năng, định hướng sáng tác, tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, hỗ trợ đầu tư sáng tạo, quảng bá tác phẩm... Hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 5 (Quân khu 7) tổ chức các đợt thực tế sáng tác tại một số đơn vị trực thuộc các tổ chức trên.

Bình quân mỗi năm có 5 cuộc thâm nhập thực tế, dự trại sáng tác dành cho hội viên của 5 chuyên ngành: văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh và mỹ thuật; ngoài ra còn một đợt hoạt động tương tự dành cho hội viên tổng hợp các chuyên ngành cùng tham gia. “Chúng tôi đến với chiến sĩ bằng tâm thế thực hiện trách nhiệm của văn nghệ sĩ và xác định mình “về” với bộ đội chứ không phải “xuống”.

Từ đó, lòng luôn trào dâng cảm xúc, trái tim thôi thúc phải sáng tác và sáng tác nên tác phẩm thật hay để trả nợ ân tình với cán bộ, chiến sĩ, với lực lượng vũ trang. Nhiều tác phẩm đã ra đời, trong đó có tác phẩm đạt giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc”- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ.

Triển lãm văn hoá nghệ thuật Tây Ninh 15 năm phát triển.

Chưa có nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, đội ngũ văn nghệ sĩ còn mỏng

Trong tham luận tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, bà Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết thêm, thời kháng chiến, Tây Ninh có Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- địa bàn đóng quân của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam. Đây cũng là nơi tập hợp nhiều văn nghệ sĩ cách mạng trước 1975.

Nhiều ca khúc bất hủ ra đời trong khói lửa chiến tranh vẫn còn đọng mãi với thời gian như: “Lên ngàn” (Hoàng Việt), “Xuân chiến khu” (Xuân Hồng), “Qua sông” (Phạm Minh Tuấn)...

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, lực lượng Thanh niên xung phong được tăng cường từ Thành phố Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ đã kịp theo chân và có mặt trên trận địa để ghi lại nhịp sống sôi động của lực lượng xung kích ấy tại Tây Ninh.

Nhiều văn nghệ sĩ là người Tây Ninh được đào tạo ở miền Bắc như nhạc sĩ Xuân Hồng, soạn giả Thanh Hiền; có những văn nghệ sĩ trưởng thành từ kháng chiến như Cửu Long Thi, Phan Văn, Vân An, Xuân Phát, Xuân Quang, Thanh Hải, Giang Đông, Lê Chí Trung, Thanh Nhàn… Bên cạnh đó, các gương mặt trẻ thuộc các thế hệ sau đã cùng nhau góp sức tiếp nối sự nghiệp VHNT tỉnh nhà cho đến ngày nay.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp, Nghị quyết số 23-NQ/TW đi vào cuộc sống đã định hướng cho văn nghệ sĩ đi về cơ sở, lấy thực tiễn sống động để làm đề tài sáng tạo, góp phần đưa VHNT đến gần hơn với đời sống lao động, sản xuất của nhân dân, phục vụ thiết thực quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển quê hương Tây Ninh.

Hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, thu hút nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo sân chơi lành mạnh cho người làm nghệ thuật chuyên và không chuyên có cơ hội đóng góp tài năng.

Tính chuyên nghiệp của hội viên Hội VHNT được phát huy, có thêm nhiều tác giả khẳng định được mình qua những tác phẩm tham gia các cuộc thi VHNT trong và ngoài tỉnh. Tây Ninh có 22 giải thưởng quốc tế và 56 tác phẩm được triển lãm; 1.067 tác phẩm đạt giải thưởng (toàn quốc 12 tác phẩm, khu vực 47 tác phẩm, cấp tỉnh 1.008 tác phẩm), 796 tác phẩm được chọn triển lãm ở các cấp trong nước.

Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển VHNT trong tình hình mới, bên cạnh ghi nhận những thành tựu nổi bật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế.

Đó là sự quan tâm đầu tư phát triển VHNT chưa tương xứng với vai trò, vị trí của VHNT cũng như bề dày truyền thống cách mạng và nét đặc sắc văn hoá Tây Ninh, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của VHNT hiện nay. VHNT của tỉnh nhà chưa có nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa có nhiều tác phẩm tuyên truyền, cổ động, giáo dục thanh thiếu nhi; hoạt động lý luận phê bình còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực VHNT và văn nghệ sĩ chưa phát triển mạnh mẽ, chưa phát huy hết năng lực. Toàn tỉnh hiện có 241 hội viên hội VHNT, so với thời điểm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW chỉ tăng 13 hội viên, con số này là quá ít.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển VHNT đã đề ra trong các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ; rà soát, kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý và đề xuất các chính sách cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động VHNT, động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, phát triển.

Các tổ chức, đội ngũ cán bộ hội, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về VHNT và các văn nghệ sĩ cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nghiên cứu các chủ đề, đề tài sáng tác bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, để các tác phẩm không chỉ có giá trị cao về nghệ thuật mà còn tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân. VHNT phải thực sự là động lực, nguồn lực tinh thần quan trọng góp phần tích cực vào sự phát triển của quê hương Tây Ninh.

Tuệ Lâm

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh