Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhìn lại 25 năm kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
Thứ hai: 14:55 ngày 11/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối chiếu với quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, số lượng môn thi tốt nghiệp THPT có thay đổi theo từng giai đoạn

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ngày 28.11.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt “phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”. Cùng điểm qua thông tin mới nhất và nhìn lại việc thi cử trong 25 năm qua thay đổi như thế nào.

Chỉ thi hai môn bắt buộc

Quyết định 4608 của Bộ GD&ĐT nêu, mục đích tổ chức thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT; đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi tắt là kỳ thi) được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp được kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về phân cấp phân quyền, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi; phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức kỳ thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Phương án thi được thực hiện từ năm 2025, giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Sau năm 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Quyết định của Bộ nêu, tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.

25 năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi như thế nào?

Năm học 1998-1999, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tất cả 6 môn bắt buộc, gồm Toán, Văn (lúc này chưa có tên gọi Ngữ văn), Tiếng Anh và ba môn do Bộ GD&ĐT chọn, ba môn này thường công bố vào đầu tháng 3 hằng năm. Ở giai đoạn đó, kỳ thi chỉ có một mục đích duy nhất: công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

Tất cả các môn thi đều được ra bằng đề tự luận. Tiếp theo, từ năm 2000-2013 (thực hiện Chương trình giáo dục năm 2000), kỳ thi cũng gồm bốn môn, ngoài Toán, Ngữ văn là môn thi bắt buộc, thí sinh được quyền chọn hai môn còn lại.

Trong thời gian 13 năm này, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh làm đề tự luận. Các môn Hoá học, Vật lý, Sinh học, thí sinh làm đề trắc nghiệm. Riêng môn Ngoại ngữ, thí sinh kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Kỳ thi này cũng chỉ nhằm công nhận tốt nghiệp. Cả hai giai đoạn nêu trên, kỳ thi do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì. Giai đoạn này, tồn tại hai kỳ thi riêng biệt, sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh thi vào đại học, cao đẳng.

Tuyển sinh vào đại học, cao đẳng ở giai đoạn này thực hiện bằng phương thức ba chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả. Cho đến nay, phương thức tuyển sinh vào đại học như trên, tuy chưa thể tinh giản gọn nhẹ như mong muốn nhưng giới chuyên môn đánh giá cao về độ tin cậy của kỳ thi.

Sự thay đổi đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu năm 2014. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó, thí sinh thi tất cả bốn môn nhưng có ba môn bắt buộc, gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. So với trước đó, đề thi năm 2014 chỉ có một sự điều chỉnh nhỏ: môn Ngoại ngữ chuyển hoàn toàn sang thi trắc nghiệm, không còn phần tự luận.

Nhưng thay đổi đáng chú ý nhất, đó là việc kỳ thi này phục vụ cho hai mục đích. Một cụm thi do trường đại học, cao đẳng chủ trì dành cho thí sinh có nguyện vọng đăng ký tuyển sinh đại học. Cụm thi còn lại giao Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho số ít học sinh không có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, chỉ thi để công nhận tốt nghiệp. Đây cũng là năm học Bộ GD&ĐT khép lại hình thức thi “ba chung” như vừa trình bày ở trên.

Năm 2015, kỳ thi có tên gọi mới: kỳ thi THPT quốc gia, bỏ chữ “tốt nghiệp”. Tương tự năm 2014, kỳ thi này, trường đại học, cao đẳng chủ trì việc coi thi, chấm thi đối với thí sinh có nguyện vọng vào đại học, Sở GD&ĐT đảm nhận tổ chức thi cho thí sinh không có nhu cầu vào đại học.

Tại kỳ thi này, thí sinh thi bốn môn, ngoài ba môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn còn lại thí sinh tự chọn. Hình thức ra đề thi không thay đổi so với trước đó. Sang năm 2016, thí sinh lần đầu tiên làm bài thi tổ hợp, ngoài ba môn bắt buộc thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh làm một trong hai môn thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Kỳ thi này, cả nước có đến 70 cụm thi do trường đại học, cao đẳng chủ trì khâu coi thi, chấm thi để phục vụ cho hai mục đích, vừa công nhận tốt nghiệp vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học.

Ba năm tiếp theo, từ 2017-2019, kỳ thi tiếp tục mang tên “kỳ thi THPT quốc gia” nhưng do Sở GD&ĐT chủ trì, có sự hỗ trợ về coi thi, chấm thi của các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi vẫn gồm ba môn bắt buộc và độc lập, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Từ năm 2020-2023, kỳ thi không còn tên gọi “kỳ thi THPT quốc gia” nữa, trở lại tên gọi cũ - kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn sử dụng cho hai mục đích, gồm tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Trong giai đoạn này, đặc biệt năm 2020, 2021, việc tổ chức kỳ thi gặp nhiều khó khăn, rủi ro vì dịch bệnh Covid- 19 càn quét. Lấy cột mốc từ năm 2014- khi bắt đầu đổi mới kỳ thi đến năm 2019-2020, nhiều cán bộ cả trong và ngoài ngành Giáo dục bị bắt giam, kỷ luật vì để xảy ra tiêu cực trong thi cử, điều chưa từng có trước đó.

Đối chiếu với quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, số lượng môn thi tốt nghiệp THPT có thay đổi theo từng giai đoạn. Nhưng, việc cho phép học sinh được quyền chọn môn thi, ngoài những môn bắt buộc, đã được thực hiện từ rất lâu. Nếu lùi lại thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn.

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dành cho thế hệ học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 được giới chuyên môn, người trong ngành đánh giá cao về tính khoa học, theo đúng chủ trương phân hoá, hướng nghiệp ở cấp THPT. Học sinh chọn ngành nghề nào cho tương lai (vào đại học) sẽ tập trung đầu tư cho những môn học đó chứ không chỉ học hết môn này đến môn khác để đối phó với thi cử.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục