Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh (PCTT-TKCN) vào sáng ngày 5.11.2017, cơn bão số 12 mang tên Damrey (Con Voi) đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tan dần trong 12 giờ tới. Như vậy, tính đến thời điểm này, cơn bão Con Voi đã không càn quét qua địa bàn tỉnh Tây Ninh và không gây hậu quả đáng kể nào.
Ngư dân hồ Dầu Tiếng vào bờ tránh bão.
Ngay khi nghe tin bão 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ, chiều 3.11, bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện đã trực tiếp thị sát công tác phòng, chống bão khu vực hồ Dầu Tiếng. Hầu hết người già, trẻ em và phụ nữ đang làm ăn, sinh sống trên đảo Nhím đều nhanh chân trở về đất liền.
Trên đảo chỉ còn khoảng 75 người là thanh niên tự nguyện ở lại để gìn giữ tài sản. Tại khu vực ven bờ hồ thuộc địa phận các xã Phước Ninh và Phước Minh, nhiều vỏ lãi đã được lực lượng chức năng phối hợp với người dân di chuyển vào an toàn, những ghe lớn được neo đậu xa bờ để tránh va đập vào bờ.
Ông Đỗ Thanh Liêm- Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, đến khoảng 18 giờ, xã đã huy động toàn bộ lực lượng cùng người dân chuyển gần 100 chiếc vỏ lãi lên bờ an toàn. Đến 19 giờ cùng ngày, đoàn lãnh đạo huyện đến thị sát khu vực ấp 1, xã Bến Củi- nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ với cường độ lớn.
Tại đây, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương đã nhắc nhở các hộ dân phải theo dõi tình hình và diễn biến của cơn bão số 12; trường hợp hồ Dầu Tiếng buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn, người dân cần nhanh chóng di dời lên vùng đất cao để bảo đảm an toàn tính mạng.
Cán bộ địa phương vận động người dân hồ Dầu Tiếng không ra khơi đánh cá.
Chiều ngày 2.11, sau khi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN) họp khẩn cấp về việc chuẩn bị công tác phòng, chống cơn bão số 12, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã huy động mọi nguồn lực, tập trung triển khai các phương án để kịp thời ứng phó nếu bão ảnh hưởng đến khu vực Tây Ninh.
Theo ông Nguyễn Nam Hưng- Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành, ngay trong ngày 3.11, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động triển khai công tác ứng phó cơn bão số 12.
Trong đó, yêu cầu Đài Truyền thanh huyện thông tin thường xuyên, liên tục đến toàn thể người dân về diễn biến tình hình cơn bão số 12, các phương án phòng tránh. Đồng thời xác định các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của bão, lốc xoáy; xác định số hộ dân, tài sản cần di dời, địa điểm di dời, sơ tán đến nơi an toàn sớm nhất; kiểm tra an toàn các công trình trên địa bàn; có kế hoạch bảo vệ người và tài sản; thông báo hướng dẫn người dân các phương án phòng tránh, bảo vệ nhà cửa, công trình.
Trong đó, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng của người dân, giảm tối đa tai nạn, thiệt hại; đồng thời tổ chức trực ban 24/24 từ ngày 3.11. Trong đêm 3.11, lãnh đạo UBND huyện tổ chức kiểm tra công tác ứng phó chống bão tại các khu vực trọng yếu như các khu dân cư ven sông Vàm Cỏ Đông; tuyên truyền, vận động người dân sống tại khu vực này chủ động ứng phó bão, hợp tác tốt với chính quyền khi có lệnh di dời. Nhìn chung, huyện Hoà Thành bảo đảm sẵn sàng ứng phó với cơn bão trong mọi tình huống xảy ra.
Lực lượng Công an tuần tra phòng, chống bão số 12 trong hồ Dầu Tiếng.
Theo ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, trong ngày 2.11, UBND huyện đã tổ chức họp khẩn cấp với các xã, thị trấn về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12. UBND huyện cũng đã phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện; triển khai cấp bách các nhiệm vụ; thống kê số hộ dân cần di dời khi có mưa bão; thống kê trang thiết bị, phương tiện, con người có thể huy động tham gia ứng phó với mưa bão; thông tin cập nhật thường xuyên về cơn bão, nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa...
Ngoài ra, UBND huyện còn phân công nhiều đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 12 tại các xã, thị trấn trong ngày 3.11; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai các phương án ứng phó khi bão đổ bộ, trong đó chú trọng đến công tác di dời các hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông.
Tối ngày 3.11, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, lúc 19 giờ 30 ngày 3.11, Ban Chỉ huy đã có văn bản gửi các thành viên và UBND các huyện, thành phố khẩn cấp triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 12.
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 3.11, Ban Chỉ huy đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và Tân Biên. Ban Chỉ huy đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các phương án phòng, chống khi bão đổ bộ vào Tây Ninh.
Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như: đẩy mạnh công tác thông tin về diễn biến đường đi của bão; các văn bản chỉ đạo, bản tin dự báo của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; xác định cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, ngập úng do mưa lớn, lốc xoáy; tổ chức di dời số hộ dân, tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn, chậm nhất là 9 giờ ngày 4.11. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã cũng khẩn trương triển khai lực lượng, luôn sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp trong tỉnh phải hoàn thành công tác ứng phó cơn bão số 12 trước 9 giờ ngày 4.11; tổ chức trực ban 24/24 giờ, tổng hợp báo cáo kịp thời diễn biến tình hình (2 giờ/lần, bắt đầu lúc 6 giờ ngày 4.11) về văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh để nắm và tổng hợp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo kịp thời. Riêng ngành Giáo dục - Đào tạo thì có thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học ngày 4.11- thời điểm dự báo bão đổ bộ vào.
Ông Nguyễn Nam Hưng- Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành trao đổi với các hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam.
Ngày 4.11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 12 trên địa bàn các huyện, thành phố. Trong đó, đoàn thứ nhất do ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh dẫn đầu kiểm tra các huyện Hoà Thành, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh.
Đoàn thứ hai do ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN dẫn đầu kiểm tra các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Đoàn thứ ba do ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT dẫn đầu kiểm tra các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu và Gò Dầu.
Qua kiểm tra, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, xã bám sát cơ sở để nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 12; huy động lực lượng, tổ chức hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; thông báo cho các hộ dân không được ở lại các nhà trại, vườn cây cao su để tránh lốc xoáy, di dời dân ở các nhà tạm đến nơi an toàn; triển khai lực lượng luôn sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; thông tin thường xuyên, kịp thời liên tục về diễn biến đường đi của cơn bão số 12 trên hệ thống truyền thanh của địa phương để người dân biết, chủ động ứng phó với bão.
Theo báo cáo nhanh của UBND 8 huyện, thành phố Tây Ninh, đến 19 giờ ngày 4.11, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra.
Nghĩa Nhân, Hồng Thắm, Thảo Nguyên