Lâu nay, khi lý giải về thực trạng học sinh bỏ học, người ta thường nêu hai nguyên nhân được xếp vào hàng đầu: học lực của học sinh quá yếu và kinh tế gia đình các em quá khó khăn.
(BTN)- Ngày 22..8.2012, Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức tổng kết năm học 2011 - 2012 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm học mới. Nhìn lại năm học qua, có thể thấy ngành Giáo dục Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập cần phải tháo gỡ. Một trong những vấn đề đau đầu nhất là tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2008 - 2012, tính đến nay, ngành Giáo dục Tây Ninh đã triển khai xây dựng được 2.377/2.662 phòng học. Ngành cũng đã hoàn thành xong 64 nhà công vụ cho giáo viên (tỷ lệ 100%). Tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp ở Tây Ninh được đánh giá là nhanh. Từ chương trình này, trong 4 năm qua nhiều ngôi trường đẹp đẽ, khang trang đã xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (Thị xã) trong ngày trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. |
Cũng liên quan đến việc hiện đại hoá cơ sở vật chất, tính đến cuối tháng 6.2012, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 87/527 trường, chiếm tỷ lệ 15,7%. Theo kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, sẽ có 145 trường trong toàn tỉnh được đầu tư xây dựng theo hướng này. Tuy nhiên, trong một cuộc họp hồi tháng 6 của UBND tỉnh, có ý kiến cho rằng, chỉ trong thời gian 4 năm, phải xây dựng hơn 100 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia là rất khó.
Ở bậc học Mầm non, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thiếu phòng học- không đủ đáp ứng yêu cầu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một trong những khó khăn trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất cho bậc học Mầm non là thiếu quỹ đất để xây dựng trường. Theo kiến nghị của Sở Giáo dục- Đào tạo, bên cạnh việc giải quyết vấn đề quỹ đất, tỉnh cần sớm bố trí vốn cho các huyện, thị xây dựng phòng học để phục vụ cho việc huy động trẻ mẫu giáo- nhất là trẻ 5 tuổi ra lớp.
Ở bậc Phổ thông, toàn tỉnh hiện có 272 trường tiểu học với 402 điểm trường. So với năm học 2010 – 2011, năm học vừa qua đã giảm 10 trường và 17 điểm trường. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do số học sinh giảm, quy mô một số trường quá nhỏ nên cần phải sáp nhập để có điều kiện đầu tư tốt hơn. Bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không giảm số trường nhưng lại giảm số học sinh do hiện tượng học sinh bỏ học, học sinh rời khỏi địa bàn hoặc chuyển sang học nghề.
Về chủ trương mở rộng loại hình trường dạy hai buổi/ngày, có một số địa phương đã thực hiện tốt như Thị xã, Tân Biên, Gò Dầu và Châu Thành. Mô hình trường tiểu học bán trú chủ yếu phát triển ở Thị xã và Hoà Thành- hai địa phương có mật độ dân số đông nhất tỉnh. Trong toàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có hơn 8.000 học sinh tiểu học theo học ở các lớp bán trú.
Hiện Tây Ninh có 4 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng dân tộc theo nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 1 trường dạy tiếng Chăm và 3 trường dạy tiếng Khmer. Việc dạy học tiếng dân tộc được thực hiện 4 tiết/tuần cho các đối tượng học sinh từ lớp 2 trở lên. Khó khăn hiện nay của tỉnh là thiếu nguồn giáo viên tham gia giảng dạy tiếng dân tộc. Đến cuối năm học 2011 – 2012, toàn tỉnh có 1.609 học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số, tương đương 1,81% tổng số học sinh tiểu học trên toàn tỉnh.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Bến Cầu)- một trong 2 trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất tỉnh- ôn tập trong hè. |
Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tính đến năm học 2011 – 2012 vừa tròn 10 năm thực hiện chương trình này. Theo số liệu báo cáo, 106 trường trung học cơ sở vẫn đang duy trì được tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Tỷ lệ học sinh bỏ học trong tỉnh ngày càng được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Kết thúc năm học vừa qua, toàn tỉnh có 1.565 học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông bỏ học.
Lâu nay, khi lý giải về thực trạng học sinh bỏ học, người ta thường nêu hai nguyên nhân được xếp vào hàng đầu: học lực của học sinh quá yếu và kinh tế gia đình các em quá khó khăn. Thế nhưng, trong đánh giá lần này, Sở Giáo dục- Đào tạo đã thay đổi cách nhìn nhận về hiện tượng này. Theo đó, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học nhiều chính là do công tác giảng dạy ở các trường chưa đạt hiệu quả cao, phương pháp dạy học chưa thu hút, chưa tạo được hứng thú cho học sinh. Có thể nói, đây là một cách nhìn nhận hết sức mới mẻ và dũng cảm của ngành Giáo dục.
Đương nhiên, ngoài nguyên nhân chính và quan trọng nói trên, còn có nhiều nguyên nhân khác: Ý thức học tập của học sinh chưa cao, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của sự học. Trong thực tế, công tác huy động học sinh bỏ học trở lại lớp gặp rất nhiều khó khăn, có em được vận động đã ra lớp trở lại nhưng sau đó lại tiếp tục bỏ học...
VIỆT ĐÔNG