Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kinh tế Tây Ninh:
Nhìn từ kết quả nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018
Thứ sáu: 06:21 ngày 05/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 12 năm trước, ngay từ năm thứ hai dự án PCI bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã hết sức cầu thị, mời các chuyên gia của VCCI, những thành viên trực tiếp thực hiện, điều hành dự án PCI đến Tây Ninh tìm hiểu, gợi ý cho tỉnh ta xác định hướng phát triển kinh tế một cách căn cơ, từng bước phát triển bền vững.

Một dự án trong Khu công nghiệp Phước Đông (ảnh: Đình Chung).

Như tin đã đưa, ngày 28.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018.

Báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp; trong đó, có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.500 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 địa phương trong nước. Theo kết quả khảo sát, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018 với 70,36 điểm trên thang điểm 100, cùng với tỉnh Đồng Tháp (70,19 điểm) xếp vào nhóm “Rất tốt”.

Kế đến là nhóm “Tốt” gồm 7 tỉnh, thành. Tỉnh Tây Ninh được 64,54 điểm, đứng vào nhóm với vị trí thứ hạng 14/63 tỉnh, thành trong nước, tăng 5 bậc (14/19) trên bảng xếp hạng PCI so với năm 2017. Đây là vị trí cao nhất từ trước đến nay mà tỉnh Tây Ninh được cộng đồng doanh nghiệp “chấm điểm” qua kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh trong thực hiện nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế của chính quyền cấp tỉnh.

Về vấn đề Chi phí không chính thức, ông Trương Văn Hùng - Phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh chia sẻ, chi chí này năm 2018 được đánh giá tốt hơn năm 2017, nhưng điểm tăng cũng không nhiều. Do đó, tỉnh cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Đây là một trong những điều đáng quan ngại mà VCCI đã chỉ ra trong báo cáo PCI 2018. Để xử lý vấn đề này, giải pháp của chúng tôi thời gian tới là:

- Công khai minh bạch toàn bộ các TTHC, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xử lý kịp thời bằng nhiều hình thức như đã nêu ở trên.

- Xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp được phát hiện.

- Rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết các TTHC, chủ trương đầu tư, giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.

- Tăng cường áp dụng việc giải quyết TTHC qua mạng xã hội zalo để giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp, hạn chế chi phí không chính thức.

- Quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp nếu để xảy ra tham nhũng, vòi vĩnh trong quá trình thực thi công vụ.

- Xây dựng các ứng dụng tin học nhằm hiện đại hoá công tác tiếp nhận, xử lý trực tuyến các thủ tục hành chính, yêu cầu của doanh nghiệp, để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức Nhà nước và doanh nghiệp, có cơ chế giám sát trên mạng để giảm tình trạng tiêu cực và chi phí cho doanh nghiệp.

Điểm qua kết quả chấm điểm theo bộ chỉ số PCI 2018 với 10 chỉ số thành phần cho thấy, tuy năng lực cạnh tranh của Tây Ninh không có chỉ số nào vượt trội lên hàng đầu, nhưng hầu hết các chỉ số thành phần đều tăng lên qua từng năm, cụ thể là từ năm 2016 đến năm 2018, tương ứng với 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, cũng là 3 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND, UBND tỉnh. Về vị trí của tỉnh nhà trong khu vực miền Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh đứng vị trí thứ 3, sau tỉnh Bình Dương (66,09 điểm) và thành phố Hồ Chí Minh (65,34 điểm).

Kết quả cụ thể điểm số các chỉ số thành phần của Tây Ninh như sau: -Chỉ số 1 - Gia nhập thị trường là 6,9 điểm trên thang điểm 10 (tỉnh cao nhất 8,5, tỉnh thấp nhất 6,41 điểm); -Chỉ số 2 - Tiếp cận đất đai là 7,29 điểm (tỉnh cao nhất 7,79, thấp nhất 5,13 điểm); -Chỉ số 3 - Tính minh bạch là 6,3 điểm (tỉnh cao nhất 6,95, thấp nhất 5,26 điểm); -Chỉ số 3 -Tính minh bạch là 6,3 điểm (tỉnh cao nhất 6,95, thấp nhất 5,26 điểm); -Chỉ số 4 -Chi phí thời gian là 7,78 điểm (tỉnh cao nhất 8,9, thấp nhất 4,91 điểm); -Chỉ số 5 -Chi phí không chính thức là 6,74 điểm (tỉnh cao nhất 7,61, thấp nhất 4,54 điểm); -Chỉ số 6 -Cạnh tranh bình đẳng là 6,04 điểm (tỉnh cao nhất 7,87, thấp nhất 3,68 điểm); -Chỉ số 7 -Tính năng động là 5,37 điểm (tỉnh cao nhất 7,81, thấp nhất 4,2 điểm); -Chỉ số 8 -Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là 6,69 điểm (tỉnh cao nhất 7,64, thấp nhất 4,69 điểm); -Chỉ số 9 -Đào tạo lao động là 5,99 điểm (tỉnh cao nhất 7,92, thấp nhất 4,7 điểm); -Chỉ số 10 - Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự là 6,34 điểm (tỉnh cao nhất 7,99, thấp nhất 4,13 điểm).

So sánh kết quả của năm 2017, cho thấy rất rõ những bước cải thiện môi trường đầu tư tại Tây Ninh trong năm 2018. Điển hình như chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2017 đã tương đối cao: 6,91 điểm (trên thang điểm 10), thì năm 2018 càng cao hơn, tăng lên đến 7,29 điểm.

Điều này không chỉ phản ánh bước tiến trong việc cải cách thủ tục hành chính về đất đai mà còn cho thấy sự ổn định, vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai của chính quyền tỉnh. Đối với chỉ số Chi phí thời gian, liên tiếp trong 5 năm từ 2014 đến nay, Tây Ninh đều đạt trên 7 điểm, cụ thể trong hai năm 2017 và 2018 lần lượt là 7,48 và 7,78 điểm.

Điểm số này có nghĩa là doanh nghiệp ít phải tốn thời gian trong mọi giao dịch hành chính công tại địa phương từ khi bắt đầu tiến hành đầu tư đến khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Về chỉ số Chi phí không chính thức, tức là các loại “tiêu cực phí” chi “lót tay”, chi “dưới gầm bàn”, doanh nghiệp cũng cho là làm ăn tại Tây Ninh năm 2018 ít tốn kém hơn năm 2017, thể hiện qua việc doanh nghiệp chấm tăng thêm từ 6,13 điểm lên 6,74 điểm.

Các chỉ số thành phần tăng điểm nữa là: Tính minh bạch có tăng nhẹ (6,29 điểm tăng lên 6,3 điểm), Cạnh tranh bình đẳng (5,37 tăng lên 6,04 điểm), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,61 tăng lên 6,69 điểm)…Đặc biệt là chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được doanh nghiệp chấm tăng lên gần 1 điểm (5,43 tăng lên 6,34 điểm) cho thấy độ tin cậy về sự an toàn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại Tây Ninh ngày càng tăng lên.

 Nhìn vào kết quả cụ thể này, có thể nhận thấy các chỉ số thành phần Tây Ninh đạt điểm số cao (so với tỉnh có điểm số cao nhất và tỉnh có điểm số thấp nhất, cũng như so với chính tỉnh nhà trong các năm trước mà do khuôn khổ bài báo có hạn và các năm trước cũng đã có đăng trên báo nên chúng tôi xin không nêu lại đây) phần nhiều thuộc lĩnh vực cải cách hành chính (giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp….); lĩnh vực bảo đảm ổn định về quan hệ pháp lý, môi trường kinh doanh, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cụ thể mà Tây Ninh đạt được cũng nằm trong chiều hướng phát triển chung trong phạm vi cả nước, như ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nhận định, năm nay, chỉ số PCI (của tất cả các tỉnh, thành trong nước) đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện báo cáo năm 2005.

Điều này cho thấy PCI ngày càng trở thành một báo cáo được coi trọng và có tác động giúp thúc đẩy cải cách kinh tế, nhằm khuyến khích tính minh bạch, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại quá trình Tây Ninh “theo đuổi” việc nâng cao năng lực cạnh tranh từ trước đến nay, cũng như trong mấy năm gần đây, nhận định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam không sai và càng thấy rõ hơn khi chúng ta đã biết, 12 năm trước, ngay từ năm thứ hai dự án PCI bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã hết sức cầu thị, mời các chuyên gia của VCCI, những thành viên trực tiếp thực hiện, điều hành dự án PCI đến Tây Ninh tìm hiểu, gợi ý cho tỉnh ta xác định hướng phát triển kinh tế một cách căn cơ, từng bước phát triển bền vững.

Rồi gần 10 năm sau đó, một lần nữa, lãnh đạo tỉnh lại thể hiện tinh thần cầu thị, mời các chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước, các “bậc thầy” về kinh tế phát triển, trong đó có các nhà khoa học, nhà kinh tế giảng dạy đại học của nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới (điển hình như Đại học Fulbright, Hoa Kỳ) đến Tây Ninh khảo sát và hướng dẫn cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế của địa phương, xác định hướng phát triển và cách thức tăng tốc phát triển cho tỉnh nhà.

Hy vọng với những bước đi mang tính bứt phá nhưng không kém cầu thị và cẩn trọng trong những năm qua ở tỉnh ta, sắp tới Tây Ninh sẽ tiếp tục đi đúng hướng để đem lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện thực tế của tỉnh nhà.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục