Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhớ bác Mười Thương
Thứ ba: 20:01 ngày 05/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nghe tin Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền (Mười Thương) qua đời, tôi bàng hoàng. May mắn được nhiều lần tiếp xúc với ông, tôi thật khó quên về người anh hùng rất giản dị, hiền hòa này.

Đối với những người thuộc thế hệ trẻ như chúng tôi chỉ được biết về ông sau những lần sinh hoạt truyền thống cách mạng. Những lúc ấy, ông thường kể về quá trình tham gia cách mạng và nhiệm vụ ám sát Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm; về những kỷ niệm của một thời chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (phải) thăm Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền vào năm 2018.

Ông Mười Thương sinh năm 1935, quê ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1945, ông vào miền Nam sinh sống và hoạt động cách mạng. Khi đặt chân đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông được một cán bộ Việt Minh nhận nuôi và đặt cho cái tên mới Đinh Văn Phú.

Tháng 10.1956, ông Mười Thương được giao nhiệm vụ ám sát Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm khi ông ta lên Tây Ninh, nhưng do tổ chức không nắm chính xác ngày, giờ nên không thực hiện được. Cũng trong năm đó, ông lại chủ động đề xuất cho thực hiện nhiệm vụ này vào đêm Noel tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh ngày nay), nhưng lại một lần nữa kế hoạch bất thành do lịch trình của ông Diệm đột ngột thay đổi.

Tháng 2.1957, khi báo chí ở Sài Gòn đưa tin "Hội chợ kinh tế Cao Nguyên" sẽ được tổ chức ở Ban Mê Thuột vào ngày 22 tháng 2 năm 1957. Nhận định Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ có nhiều khả năng đến dự và cắt băng khai mạc, ông Mười Thương cùng các đồng đội vạch ra một kế hoạch tỉ mỉ cho việc ám sát Ngô Đình Diệm.

Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010- 2015.

Với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, một thương gia Tây Ninh lên dự Hội chợ, ông cùng một số đồng đội lên thực địa điều tra và nắm tình hình. Sáng ngày 22.2.1957, hội chợ khai mạc. Khi chuẩn bị chào cờ, ông nổ súng vào mục tiêu đã định. Tuy nhiên, súng chỉ nổ được 2 phát thì bị hóc đạn. Do chiếc súng mà ông dùng để thực hiện nhiệm vụ phải cưa nòng và báng cho gọn lại, nên độ chính xác bị giảm đi rất nhiều, vì vậy khi bắn đạn không đi chính xác mục tiêu. Hà Minh Trí bị lực lượng an ninh bắt giữ, bị kết án tử hình và đày ra Côn Đảo. Ngày 10.3.1965, ông được thả tự do sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, lật đổ.

Cuối tháng 4 năm 1965, ông được bố trí công tác ở Ban An ninh Sài Gòn- Gia Định. Tháng 2.1967, trên đường đi công tác từ Tây Ninh ra Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, khi đến địa phận huyện Củ Chi, ông bị thương, buộc phải cưa bỏ một chân từ đầu gối xuống.

Sau ngày đất nước thống nhất, từ tháng 11.1980-1986, ông làm Trưởng phòng Xây dựng phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc thuộc Công an Tây Ninh. Ông được phong hàm đại tá.

Từ năm 1986, ông làm Bí thư Đảng ủy Khối xây dựng lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh. Tháng 2.1989 đến tháng 11.1992, ông giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Tây Ninh. Tháng 11.1992-1998, ông là Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, kiêm Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Năm 1999, ông được nghỉ hưu, về sống cùng gia đình ở phường 1, thành phố Tây Ninh. Năm 2005, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bác Mười Thương (ngồi xe lăn) đến tham dự lễ công bố thị xã Tây Ninh lên đô thị loại III vào năm 2012.

Sau khi nghỉ hưu, Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền còn có thú vui tao nhã là tìm những gốc lũa có hình dáng động vật đem về trưng bày trong phòng khách.

Nói về thú vui này, lúc sinh thời, ông Mười Thương tâm sự, hồi còn đi học, ông rất thích hội họa, ông thường dùng bút chì vẽ thiên nhiên phong cảnh nơi làng quê. Lớn lên, ông bắt đầu sưu tập tem, bươm bướm và chụp được rất nhiều ảnh về các loài động vật. Những kỷ vật này đã bị khói lửa chiến tranh thiêu cháy hết.

Khi tham gia kháng chiến, mỗi khi đơn vị đóng quân ở đâu, thấy gốc cây nào đẹp, ông đều đem về để ngắm. Do đơn vị phải di chuyển liên tục nên không thể đem chúng đi theo. Đất nước hòa bình thống nhất, ông mới có thời gian tìm lại thú vui này.

“Chơi kiểng khô cũng là hình thức văn hóa, ẩn chứa nhiều thú vị. Mỗi gốc cây này là một tác phẩm độc đáo mà không phải loại hình nghệ thuật nào cũng được như vậy”, ông Mười Thương nói.     

Những năm gần đây, ông trở bệnh nặng, mặc dù được người thân, đội ngũ y bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền không qua khỏi. Ông đã mãi mãi ra đi vào lúc 22 giờ 50 ngày 4.5.2020.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục