BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ bến xe Tây Ninh ngày trước

Cập nhật ngày: 11/12/2012 - 06:06

Bến xe Tây Ninh ngày trước. (Ảnh Internet)

(BTN)- Trước năm 1975, người dân Tây Ninh muốn đi Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh bây giờ) thì cách di chuyển thông dụng nhất là đi xe đò. Tại tỉnh lỵ Tây Ninh có một bến xe đò, khu vực bến xe ấy nay thuộc khu phố 2, phường 2, Thị xã- một góc phố đông vui, có Trung tâm thương mại Intimex, các cửa hàng dịch vụ thương mại cao tầng, cùng với một số cơ quan hành chính của Thị xã và có nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại. Trước năm 1932, nơi đây là một vùng đầm lầy rộng lớn, đầy lục bình và cỏ sậy, nhìn chung không gian thật hoang vắng. Loại đất ở đây người ta thường gọi là đất không chân tức đất bùn lầy không thể trồng tỉa gì được nếu không cải tạo lại. Từ năm 1932 đến năm 1940, vùng đất hoang vu này được bồi đắp, cải tạo liên tục. Sau khi trở thành một vùng đất liền vững chắc, các dãy phố với các tiệm tạp hoá, tiệm ăn, tiệm cà phê, nhà bảo sanh… lần lượt mọc lên. Con đường chạy ngang bến xe và công sở xã lúc đó mang tên Trương Huệ (tên khác của vị anh hùng dân tộc Trương Quyền còn gọi là cậu Hai Quyền). Còn con đường từ trước công sở xã cặp với bến xe đi thẳng đến phía sau chợ Tây Ninh tên là Hồ Huấn Nghiệp.

Bến xe Tây Ninh hình thành sau khi phố xá đã mọc lên. Hồi đó Tây Ninh là tỉnh có số lượng ô tô chiếm kỷ lục cao nhất khu vực Nam bộ với 100 chiếc chạy khứ hồi mỗi ngày, bắt đầu từ 4 giờ 30 đến 15 giờ 30. Tân Nguyên Thành là một đơn vị xe đò có uy tín nhất lúc bấy giờ. Điều hành hoạt động của các bến xe là một nghiệp đoàn. Việc quản lý xe hoàn toàn thuộc về các chủ tư nhân.

Ngoài bến xe Tây Ninh còn có 2 bến xe khác ở khu vực cạnh chợ Long Hoa và cửa số 2 Toà thánh Tây Ninh. Ngoài tuyến xe đi Sài Gòn, Tây Ninh còn có một chuyến xe đi đến Bắc Mỹ Thuận-Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) khởi hành từ lúc 5 giờ sáng. Các xe chạy tuyến đường này không đậu tại bến, khách đi xe phải mua vé trước tại nhà của chủ xe. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bến xe này dời ra địa điểm hiện nay bên cạnh chợ Tây Ninh.

PHAN KỶ SỬU