BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ chợ cũ ngày xưa

Cập nhật ngày: 13/10/2011 - 11:14

Chợ cũ mà tôi nhắc đến là cái chợ đầu tiên ở tỉnh lỵ Tây Ninh xưa, đã hình thành cách đây trên một thế kỷ. Bây giờ khu vực chợ cũ thuộc khu phố 4, phường 2, thị xã Tây Ninh, bên đường Trần Hưng Đạo (nay vẫn giữ tên cũ). Lúc ấy, chợ thuộc xã Hiệp Ninh, quận Châu Thành. Sau (trước 1975) nó thuộc ấp Thái Chánh, xã Thái Hiệp Thạnh (quận Phú Khương).

Phố Gia Long xưa

Chợ cũ và địa danh chợ cũ có lẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người dân Tây Ninh trên 60 tuổi trở lên. Với riêng tôi, cái chợ ấy mãi còn trong ký ức từ lúc tuổi thơ. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, khi tôi hãy còn là một chú bé tí hon, cái chợ cũ ấy đã in dấu chân tôi và mẹ tôi. Thường mỗi buổi sáng, tôi theo mẹ đi chợ. Gia đình tôi hồi ấy cư ngụ bên cạnh chùa Thiên Ấn, trên đường Võ Tánh (nay là Lê Lợi), cách chợ cũ không đến 1 cây số. Con đường dốc hẹp lát đá xanh dẫn tôi đến chợ cũ. Ngôi chợ nằm dưới một trũng đất, thấp hơn mặt đường khoảng 2m, gần với rạch Tây Ninh. Khu vực phía sau chợ cũ là đường Quang Trung chạy dọc con rạch kéo dài đến khu vực phía sau Trường Nam Trung học Tây Ninh (nay là Trường THCS Trần Hưng Đạo)- cũng là một xóm lao động nghèo mà từ xa xưa dân gian quen gọi xóm Chài vì hầu hết cư dân ở đó đều sống bằng nghề chài lưới, đánh cá trên rạch Tây Ninh.

Rạch Tây Ninh xưa

Ban đầu, chợ cũ Tây Ninh được xây dựng bằng gỗ, lợp lá hết sức đơn sơ như một cái chợ làng. Đi xuống chợ có hai bậc tam cấp xây gạch cao khoảng 2m. Ghe thuyền những nơi khác thường cặp bến con rạch nhỏ ấy để giao thương. Tôi còn nhớ có những chiếc ghe rất to có lẽ đến từ miền Tây Nam bộ. Thỉnh thoảng vào buổi tối, chị vú thường dẫn tôi đến chợ xem chiếu phim. Chỉ một tấm màn vải trắng nhỏ, phim ảnh chỉ là loại phim đen trắng, không âm thanh mà người dân quen gọi là “chiếu bóng câm”. Vậy mà tôi và các bạn nhỏ ngày ấy lại rất mê, không hề vắng mặt bất cứ một buổi chiếu phim nào! Phần lớn là các loại phim thế giới động vật rất thích hợp với trẻ con. Bên phải chợ cũ có một con đường hẹp, hai bên đường là những dãy phố cổ theo kiến trúc nhà trệt, vách gỗ, lợp ngói âm dương. Lác đác có vài tiệm hủ tíu, tiệm cơm, tiệm tạp hoá, tiệm sắt, tiệm hớt tóc. Trong đó có tiệm hủ tíu Đại Hưng rất nổi tiếng, luôn luôn tấp nập thực khách.

Cặp phía cuối đường Võ Tánh là một cái “chợ chồm hổm” với nhiều gánh hàng phục vụ chủ yếu cho buổi điểm tâm sáng với những thức ăn thật đơn giản. Cái vị bánh canh, cháo đậu đỏ, xôi ngọt… ngày nào hãy còn vương vất trong nỗi nhớ của tôi. Phía đối diện với chợ cũ là công sở xã Hiệp Ninh cổ kính. Cùng lúc với việc thành lập chợ cũ, đồng bào Hoa gốc Phước Kiến đã hợp tác xây dựng chùa ông Phước Kiến (nay là Quan Đế thánh miếu) theo kiến trúc cổ Trung Hoa với những mái ngói uốn cong có chạm những hình tượng bằng sứ khá đẹp mắt.

Chợ cũ ngày xưa bây giờ đã biến thành một khu phố mới

Hai bên chợ cũ là những ngôi nhà trệt cũ kỹ. Cách nay trên 80 năm khu chợ cũ này được dời ra khu chợ mới phía sau đường Gia Long (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Khi chợ đã dời đi, một thư viện đã được hình thành, vách gỗ, lợp tôn, cất theo dạng nhà sàn, nền gỗ kiên cố ngang với mặt đường Trần Hưng Đạo. Thư viện này cũng đã tồn tại hàng chục năm và đã ngừng hoạt động từ trước năm 1975.

Bây giờ cái chợ cũ ngày nào vẫn còn trong ký ức của người dân Tây Ninh- nhất là những ai đã sống lâu năm ở khu vực ấy. Bên trái khu chợ hiện là đường Lê Lợi được nối dài, rộng 21m, rợp xanh bóng cây. Bên phải là hẻm số 1 được tráng bê tông thẳng tắp. Những căn nhà trệt vách gỗ đã biến mất từ lâu, thay vào đó là cả một khu phố đông với nhiều ngôi nhà kiên cố, hiện đại, có cả những nhà cao tầng. Xã hội đã phát triển, cuộc sống đã đổi thay, đó là quy luật. Biết vậy nhưng đi tìm lại dấu vết chợ cũ ngày nào cũng không thể ngăn được chút tình hoài cổ.

PHAN KỶ SỬU