Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn
Nhớ con cá rô đồng
Thứ hai: 23:15 ngày 30/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng sáu âm lịch, toàn cánh đồng quê tôi đã cấy xong lúa Mùa, cá rô con nở và phát triển trong ruộng lúa rất nhiều. Bà con quê tôi gọi cá rô con là cá “bênh tích”.

Một con cá rô đồng dính câu.

Quê tôi thuộc miền sông nước, có cánh đồng bưng rộng lớn và nhiều con rạch chạy sâu vào giữa cánh đồng. Xưa kia, dưới các dòng rạch và trên đồng ruộng có rất nhiều loài cá sinh sống. Căn cứ vào hình dáng, màu sắc và môi trường sinh sống của chúng, mà bà con quê tôi chia làm 2 nhóm chính là cá trắng và cá đen.

Cá trắng chủ yếu sống dưới sông rạch, đáng kể như cá mè, cá ngựa, luối thịt, thác lác, trèn bầu, lòng tong, lành canh, rô biển... Còn cá đen có nơi cư trú rộng rãi hơn. Chúng không chỉ tập trung ở sông rạch, mà còn có nhiều trong ao, đìa, ruộng lúa... Nhóm cá đen chủ yếu là tràu (cá lóc), trê và nhiều nhất là rô đồng.

Hằng năm, khi bắt đầu mưa đầu mùa là cá đen- mà nhiều nhất là cá rô đồng từ sông rạch theo nước mưa lên ruộng tìm nơi trú ngụ và sinh sản. Lúc này, anh em tôi và nhiều người khác đem lưới giăng ở các ngọn rạch và các lỗ trổ trên ruộng để đón cá lên. Hôm nào xế chiếu, trời bắt đầu mưa và kéo dài đến tối là cá rô đồng dính lưới rất nhiều, anh em tôi tha hồ mà gỡ cá.

Tuy có không ít người đánh bắt, nhưng cá nhiều không sao đón bắt hết. Qua mấy cơn mưa đầu mùa là thời điểm nông dân đang dọn ruộng để chuẩn bị cấy lúa. Ở những đám ruộng đã được dọn sạch, khi nắng lên, cá không chỗ ẩn nấp. Ðể trốn tránh, chúng vùi mình dưới mặt bùn và tạo nên một chỗ nước đục (gọi là cá làm mà). Thế là anh em tôi xách nơm đi bắt cá mà. Cứ thấy chỗ nào mặt bùn có một lõm nước đục là úp nơm xuống bắt cá.

Tháng sáu âm lịch, toàn cánh đồng quê tôi đã cấy xong lúa Mùa, cá rô con nở và phát triển trong ruộng lúa rất nhiều. Bà con quê tôi gọi cá rô con là cá “bênh tích”. Khoảng giữa tháng bảy âm lịch, thường xảy ra một đợt nắng hạn kéo dài, bà con gọi đợt nắng hạn này là hạn bà chằn.

Trời nắng chang chang, dưới ruộng nước nóng như đun. Cá lớn vùi sâu trong bùn. Cá nhỏ, mà hầu hết là cá rô con nổi đầu, kéo nhau chạy vào bờ tìm chỗ mát ẩn nấp. Bà con xách rổ, mang thau, thúng ra bờ ruộng tha hồ xúc cá. Cá nhiều bắt không hết, chết phơi mình khắp ruộng.

Nhìn những bầy cá rô chết trắng ruộng lúa, ai cũng tiếc. Rồi gần cuối tháng bảy, mưa nhiều trở lại. Số cá may mắn còn sống sót qua đợt hạn bà chằn vui mừng đón nước mưa và tiếp tục phát triển. Lúc này nước dưới ruộng, nhất là các lung, láng đã nhiều, lúa đang nở bụi, cá rô đồng non lớn nhanh. Trẻ em và người lớn quê tôi lại rủ nhau đi câu cá rô đồng.

Có hai cách câu cá rô đồng là câu cần và câu cắm. Câu cần là khi đi câu, người ta dùng một cần câu được làm bằng cây trúc nhỏ, dài chừng bốn, năm thước. Nhợ câu chừng vài thước. Lưỡi câu uốn thủ công bén, nhỏ vừa miệng con cá rô đồng. Mồi câu là trứng kiến vàng. Chỗ câu thường là lung, láng có mực nước hơi sâu.

Trước khi câu, mọi người trở đuôi cần câu đập xuống nước cho có tiếng động (gọi là đập vùng) rồi rải mồi trứng kiến xuống nhử cá lại ăn. Sau đó móc mồi đứng câu. Câu cần khoẻ hơn câu cắm, vì đứng một chỗ mà thả câu. Cá cắn câu là giật và gỡ xong con này đến con khác.

Ðến khi thấy dưới vùng không còn cá lảng vảng nữa thì mới đi chỗ khác đập vùng câu tiếp. Cần câu cắm được làm bằng thân cây tre già cắt ra từng đoạn, mỗi đoạn dài hơn một thước, chẻ nhỏ, vót tròn và chuốt nhọn phần đuôi cần câu để dễ cắm vô bờ ruộng. Nhợ cần câu cắm dài chừng năm, sáu tấc; lưỡi câu đúc nhỏ. Khi đi cắm câu, người câu xách cả bó, từ vài chục đến cả trăm cần. Chỗ câu là bờ ruộng lúa, có mực nước sâu chừng vài tấc, mồi câu là trùn sành (giun đất).

Ðến giữa tháng tám, mưa ngày càng nhiều, nước dưới sông rạch bắt đầu dâng cao, nước trên ruộng cũng đầy. Những đoạn bờ thấp nước bắt đầu lắp xắp, quê tôi gọi là “lụt nhấp”. Nước nhiều, cá mừng nước tha hồ chạy kiếm ăn từ ruộng này sang ruộng kia, thế là bà con mang lưới giăng theo các bờ thấp, các lỗ trổ, hoặc chỗ bờ hư bờ đứt.

Cá dính lưới cũng nhiều thứ như tràu, trê, sặc, nhưng nhiều nhất vẫn là cá rô đồng. Có những năm mưa nhiều, nước lụt lớn, cá rô đồng non từ các nơi đổ về các con rạch quê tôi. Chúng chạy theo từng bầy lớn. Những người có vó thì đem ra vó cá, người có lưới nhỏ (cỡ hai phân rưỡi, ba phân) đem giăng theo rạch.

Rồi đến khi “rã lụt” (khoảng cuối tháng mười, đầu tháng mười một âm lịch), nước trên ruộng cũng như dưới sông rạch cạn dần. Cá trên ruộng cao lại rủ nhau xuống ruộng sâu và ra sông rạch, bà con quê tôi lại đem lưới đi giăng đón cá xuống. Lúc này, cá rô đồng dính lưới rất nhiều. Rồi nước trên ruộng gò cạn, cá đồng lại theo sông rạch và những đám ruộng sâu sinh sống.

Ðến cuối tháng Chạp, qua tháng Giêng, tháng Hai nước dưới rạch cạn rất nhiều- nhất là con nước mùng mười và con nước hai mươi lăm, nước cạn bỏ bãi, bà con quê tôi tập trung xuống rạch bắt cá. Chủ những đám ruộng sâu, ruộng rộc (ruộng be bờ giữ cá) khai ruộng bắt cá. Dưới những đám ruộng này rất nhiều cá tràu, trê, cá rô. Cá rô chúi sâu dưới bùn, hoặc lóc lên trốn trên những chỗ gò, nhiều năn cỏ, rất khó bắt. Nhờ vậy mà anh em tôi cũng như những người đi “bắt hôi” bắt được nhiều cá rô...

Những năm gần đây, ở các chợ, cá rô vẫn được bày bán, nhưng hầu hết là cá nuôi. Còn con cá đồng nói chung, trong đó con cá rô đồng sống trong môi trường tự nhiên, ở dưới sông rạch, trên đồng ruộng quê tôi vô cùng khan hiếm. Ký ức một thời đánh bắt cá rô đồng xin được nhắc lại để nhớ và thương con cá rô đồng. Nó đã góp phần đáng kể trong những bữa cơm thường ngày của bà con quê tôi.

T.L

Tin cùng chuyên mục