BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Nhớ củ bình tinh 

Cập nhật ngày: 17/12/2018 - 09:29

BTN - Bình tinh còn có tên gọi là mì tinh, hoàng tinh… Theo dân gian, củ bình tinh có tính mát và chứa đến 85% tinh bột. Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ, vườn nhà trồng rất nhiều cây bình tinh vì loại này dễ trồng, có khi chẳng cần trồng, cứ mùa trước thu hoạch củ to rồi bỏ bừa những củ nhỏ ra đất, mùa sau cũng thành cả đám bình tinh xanh um.

Khoảng từ cuối tháng 10 âm lịch hằng năm, màu xanh um của thân cây bình tinh bắt đầu chuyển sang màu vàng rồi từ từ rủ xuống là đến mùa thu hoạch củ. Mẹ sẽ đào củ lên, khu vườn vài trăm mét vuông mà củ chất đầy đến mấy cần xé. Rồi mẹ sẽ lựa những củ to nhất mang đi biếu ông bà nội ngoại.

Củ loại vừa sẽ luộc cho các con ăn chơi. Mùi bình tinh luộc chín thơm ngọt tựa như bắp nấu vậy, đặc biệt nhất là sau khi đào lên bỏ vào chỗ tối vài ngày rồi lấy đem nấu, củ sẽ dẻo đầy bột chứ không bị sượng. Còn phần nhiều nhất là các củ mì tinh bé bé vụn vụn sẽ được mẹ giã ra lọc lấy tinh bột.

Nhà tôi vui nhất là những đêm quây quần bên đống bình tinh. Những đôi tay bé nhỏ của chị em tôi sẽ thi nhau lột vỏ củ cho vào thau nước. Mẹ có nhiệm vụ rửa sạch và cha thì bỏ khoai vào cối đá và dùng chày giã nát.

Tinh bột bình tinh sau khi phơi khô sẽ cất vào hũ để khuấy ăn dần rất bổ mát chống đói cho các con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Nhưng ngon nhất với bầy trẻ háu đói của gần 30 năm về trước là món “khô bình tinh” vàng ươm rất giòn rất thơm, mà bàn tay người nội trợ khéo léo đã chế biến cho bữa cơm nghèo thêm phần xôm tụ.

Củ bình tinh sau khi lột vỏ rửa sạch, mẹ tôi sẽ bỏ bớt phần gốc già, chỉ lấy từ nửa củ trở lên rồi đập giập giập ra. Trước đó, mẹ đã chuẩn bị sẵn chén gia vị là sả bằm và bột nghệ, muối, bột nêm trộn đều. Rồi phết lên những miếng bình tinh đã giập. Ướp chừng 20 phút thì cho vào chảo chiên.

Màu vàng của nghệ đã thấm vào màu trắng sữa của củ mì, sả cũng thơm lừng lên là lúc trở miếng “khô bình tinh” qua mặt kia. Hai mặt sau khi chiên vàng đều thì gắp ra rổ để ráo dầu xong mới dọn ra mâm.

Bữa cơm nhà quê dọn lên, gạo trắng thơm lừng, khô bình tinh vàng ươm cùng mớ canh rau tập tàng vừa xanh vừa ngọt, không có cá thịt gì cũng sạch veo cả nồi cơm tự lúc nào.

Bây giờ đất vườn hiếm hoi lắm, nên củ bình tinh cũng hiếm theo. Các chị em tre trẻ ít thời gian mà hình như cũng không biết làm món “khô bình tinh” lạ mắt, lạ miệng nữa. Tinh bột bình tinh càng là của hiếm nên tôi chỉ nhớ tuổi thơ bằng mấy củ bình tinh nấu sẵn bán ở chợ, dù giá thành một ký bây giờ gấp hai lần giá một ký gạo ngon.

THUỲ TRANG