Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Nhớ gốm Chu Ru
2011-12-13 12:51:00

Trước đây, gốm Chu Ru nổi tiếng khắp vùng, nhiều thương đoàn người Lào, Campuchia dùng voi chở lúa, ngô, vòng cườm sang Krăng Gọ đổi gốm về dùng.

Mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau) cũng là thời điểm nông nhàn, các gia đình trong bon Krăng Gọ, xã Próh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng lại nổi lửa đốt gốm để đổi chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người K'Hor.

Trước đây, gốm Chu Ru nổi tiếng khắp vùng, nhiều thương đoàn người Lào, Campuchia dùng voi chở lúa, ngô, vòng cườm sang Krăng Gọ đổi gốm về dùng.

Sản phẩm gốm Chu Ru.

Trong quy trình làm sản phẩm gốm, phụ nữ chuyên trách khâu chọn đất tốt ở núi K'Lơl, đàn ông thì gùi đất về bon. Khắp làng trên bon dưới rộn rã tiếng sàng sảy, tiếng đãi đất, phơi đất, tiếng nhào đất và nặn gốm. Suối Đạ Yờng chật ních người đi kín nước. Ngọn lửa nung gốm bập bùng thức suốt đêm.

Trước khi đi lấy đất nguyên liệu, nghệ nhân Chu Ru phải chuẩn bị lễ vật, gồm: 1 ché rượu cần; đôi gà một trống một mái; 4 quả trứng, 1 đĩa trầu cau để xin phép chủ làng, thần đất. Việc lấy đất chỉ thực hiện khi cảm thấy trong người sạch sẽ, tâm hồn thảnh thơi.

Kỹ thuật chế tác đồ gốm của đồng bào Chu Ru ở bon Krăng Gọ khá đơn giản. Nghệ nhân không tạo hình sản phẩm bởi bàn xoay mà dựa hoàn toàn vào đôi tay. Ngay cả dụng cụ chế tác cũng hết sức giản đơn: 1 chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc, gọi là Knu; 1 miếng Tanạp (gỗ nhỏ); 1 quả Playcanh (trám rừng); 1 miếng Suté (vải).

Đất sét sau khi lấy về được phơi khô, giã nhỏ bằng chày; dùng rổ tre sàng kỹ nhằm loại bỏ tạp chất, chỉ giữ lại phần bột đất mịn. Kế đến, mang bột đất này nhào trộn với nước thật nhuyễn, đến mức dẻo mịn, ủ thêm vài ngày cho đất chín, rồi mới vê thành từng khối dài để nặn gốm.

Tiếp theo, nghệ nhân (thường là nữ) đặt khối đất vừa nhào kỹ lên bàn gỗ cố định hình con chạch lượn tròn, và tạo dáng hoàn toàn bằng tay. Tay trái đỡ bên trong, tay phải cầm Tanạp đập đập bên ngoài sao cho thật cân xứng. Dùng Knu để làm nhẵn sản phẩm cả bên trong lẫn mặt ngoài.

Cuối cùng là đánh bóng sản phẩm gốm bằng Suté và Playcanh. Mô típ hoa văn thường là các đường vạch chạy song song, được nghệ nhân dùng đầu thanh tre ấn liên tiếp vào thân gốm tạo nên những nét chìm sâu...

Tạo hình xong, nghệ nhân đem cốt gốm phơi cho thật khô, chỉnh sửa lại lần cuối, sắp xếp các sản phẩm giữa một khoảng đất trống ngoài trời, chất củi, rơm xung quanh rồi nổi lửa lên đốt. Đốt từ chập tối đến quá nửa đêm một chút thì mẻ gốm hoàn tất.

Sản phẩm gốm Chu Ru là những vật dụng thông thường như cái Kòngọ dùng để nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu, Gokrớ dùng làm tô ăn cơm, Gọprò để nấu cháo bắp cho vài người ăn, Gọrôồng dùng để nấu cho vài chục người ăn, Gọavú để lấy nước, Gọpờnhăunh (bếp lò)...

Làng gốm Chu Ru hôm nay không còn như trước, con em Chu Ru kiếm sống bằng những việc khác. Đã xa rồi cái thời khắp làng trên bon dưới rộn vang tiếng sàng sảy, tiếng đãi đất, phơi đất, tiếng nhào đất và nặn gốm...

Theo Dân Việt

Từ khóa:
Tin liên quan