Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông bà nội tôi theo tổ tiên từ lâu lắm rồi. Con cháu thì ngày càng đông hơn, đất không có đủ xây cất nhà ở, có đâu mà trồng trúc, trồng tre. Hàng trúc của nội được phá bỏ từ lâu, giờ chỉ còn trong ký ức của anh chị em tôi mà thôi.
Hằng năm, vào những ngày cận tết nguyên đán, thấy nhiều người đi tìm trúc chẻ lạt để cột bánh tét là tôi lại nhớ đến hàng trúc của ông nội. Không biết ông trồng từ lúc nào, khi tôi được năm, sáu tuổi thì thấy hàng trúc đó sung túc lắm, mà dấu chặt trúc còn trơ gốc ra cũng nhiều.
Lúc đó, chúng tôi thường được ông nội dẫn ra hàng trúc, chỉ cách làm và chơi bắn ống thụt. Những ngày giáp tết, không chỉ có ba và các cô, chú tôi về nội xin trúc, mà nhiều bà con hàng xóm cũng đến nhà nội xin trúc chẻ lạt gói bánh tét. Không chỉ có chẻ lạt hay làm ống thụt cho trẻ con chơi, hàng trúc của nội còn được dùng vào rất nhiều công việc thiết thực.
Hồi đó, tuy là nhà tranh vách đất, nhưng nhà nội khá rộng rãi, cửa quay hướng Nam, lưng quay về hướng Bắc. Trước cửa nhà nội là một dòng rạch khá lớn chảy qua. Phía kia dòng rạch là cánh đồng ruộng trũng rộng lớn.
Vào mùa xuân và mùa hè, gió từ cánh đồng thổi vào nhà rất mát mẻ. Nhờ quay lưng về hướng Bắc, lại có vách đất che chắn, nên vào mùa đông, giấc bấc thổi về, bên trong nhà nội đỡ lạnh. Không những thế, để che chắn gió bấc, làm hàng rào bảo vệ ranh đất và nhất là có vật liệu làm các vật dụng trong gia đình, ở giáp ranh đất phía sau nhà, ông nội trồng một hàng trúc. Đất tốt, trúc tốt cho nhiều cây cao lớn. Hàng trúc khá dài, nhưng ông bà nội không bán cây nào cả. Những người cần cây trúc, đến hỏi xin nội, rồi vác rựa ra hàng trúc lựa cây vừa ý mà chặt.
Hồi đó, vào ngày tết nguyên đán, hầu hết bà con quê tôi đều gói bánh tét. Để có lạt buộc bánh cần có những cây trúc tơ chẻ lạt, nhưng không phải nhà nào cũng có trồng trúc. Thế là vào những ngày cận tết, không chỉ người thân trong gia đình, mà còn nhiều bà con khu vực đến nhà nội xin trúc về chẻ lạt.
Tết xưa, có nhiều người làm thịt heo bán, hoặc “đậu tay” (hùn tiền) mua heo làm thịt chia phần. Thường làm heo xong người ta chẻ những sợi lạt lớn, cứng để xỏ thịt heo treo lên. Thế là có người “thẳng hướng” đến nhà nội hỏi xin trúc chẻ lạt.
Quê tôi xưa kia có nhiều người làm nghề chằm nón lá, trong đó có gia đình các cô chú tôi. Khi không tìm mua được trúc chẻ vành (nghề làm nón lá cần nhiều trúc chẻ vành), các cô chú về nội xin mớ trúc già đốn về chẻ vành làm nón và chẻ ép lép nức nón (kết vành nón).
Để có giỏ bội (giỏ lớn, đan thưa) đi cắt cỏ, gánh cỏ về nuôi bò, ba tôi cũng như cô, chú về nhà nội lựa những cây trúc già cao to, giao lóng (lóng dài) đốn xuống, ra nan đương giỏ bội. Lúc còn khoẻ mạnh, rảnh rỗi, ông bà nội đốn trúc đan rổ cho con cháu trong nhà.
Ngoài ra, ông nội tôi còn lựa mấy cây trúc cụt ngọn (ngọn trúc bị hư đọt khi cây còn non) lóng lớn và dài, ruột rỗng nhiều chặt xuống, cưa ra làm ống thổi, cho con cháu và bà con hàng xóm để dành thổi lửa bếp củi mà nấu nướng.
Muốn đương lờ đặt cá, đụt đựng cá hay tấm bồ đập lúa, tấm bồ làm vách nhà, cái bồ đựng lúa, rổ lớn để xúc cá, thúng mủng, nia, vỉ phơi thuốc rê, vỉ tưới rau… ba tôi, các cô chú và cả những người hàng xóm đều đến nhà nội hỏi xin trúc.
Tháng bảy, tháng tám âm lịch bắt đầu mùa câu cá rô đồng, tháng mười, tháng mười một mùa câu cá rô biển, trẻ em và người lớn lại đến nhà nội hỏi xin trúc làm cần câu. Trúc làm cần phải chọn cây già, chắc và nhỏ, nhưng dài, ngọn trúc có độ cong nhất định. Có như vậy khi câu, cá dính, giật mới “đã tay”…
Hàng trúc của nội còn là chỗ vui chơi của chúng tôi và nhiều trẻ em hàng xóm. Nhờ ông nội chỉ dạy cách chơi, bọn nhỏ chúng tôi thường xin nội những cây trúc nhỏ làm ống thụt. Lựa những cây trúc nhỏ nhưng già, chúng tôi chặt xuống rồi cắt ra từng lóng; chặt nhánh trúc làm chìa.
Súng “ống thụt” làm xong, chúng tôi lấy giấy báo thấm nước cho ướt, vo tròn nhét vô ống thụt làm đạn mà bắn. Đạn giấy bay khỏi nòng súng ống thụt kêu cái “bụp”, cả lũ trẻ cười vui thích thú. Rồi chúng tôi biết chọn những cây trúc lớn, cụt ngọn, rỗng ruột cắt ra làm ống xịt nước, rủ nhau ra mé rạch chơi trò xịt nước. Mùa thả diều, chúng tôi cũng ra hàng trúc chặt nhánh làm khung dán giấy chơi thả diều. Trung thu, bọn trẻ chúng tôi xin nội đốn trúc, thi nhau làm lồng đèn.
Ông bà nội tôi theo tổ tiên từ lâu lắm rồi. Con cháu thì ngày càng đông hơn, đất không có đủ xây cất nhà ở, có đâu mà trồng trúc, trồng tre. Hàng trúc của nội được phá bỏ từ lâu, giờ chỉ còn trong ký ức của anh chị em tôi mà thôi.
T.L