BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tâm tình cộng tác viên

Nhớ hoài, nghĩa cũ tình xưa... 

Cập nhật ngày: 21/06/2017 - 14:57

BTN - “Đây là chút tình của chú S, của phóng viên Th. và của tớ gửi tặng ông về mua lá lợp nhà đi”. Anh chỉ cho tôi biết chú S và phóng viên Th. là những người vừa từ Hội Văn học Nghệ thuật mới chuyển công tác ra báo tỉnh.

PV, CTV Báo Tây Ninh họp mặt tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Đ.H.T 

Những năm miền Tây Nam bộ bị lũ lụt nặng nề, tôi đùm túm vợ và hai con lên đất Tây Ninh tìm phương kế sinh sống. Buổi đầu nơi xứ lạ đầy vất vả gian nan, cả gia đình nhỏ của tôi được bà con giúp đỡ cho dựng cái nhà nhỏ trên một phần đất công cộng gọi là “lộ xe bò” thuộc xã Trường Tây, huyện Hoà Thành để làm nơi trú mưa trú nắng.

Khoảng thời gian ấy, gia đình tôi trải qua biết bao cảnh tình bi đát, nhưng bi đát nhất có lẽ cảnh nhà dột cột xiêu mấy năm sau đó. Thường cứ ba năm thì tàn một xác lá lợp nhà nhưng vào mùa mưa năm thứ ba ấy, hai mái lá nhà tôi đã dột nát mà vợ chồng tôi không cách nào có tiền để thay lá mới, phải đi xin mo tre của bà con về chèn, vá chống dột. Mo tre chèn, vá riết đến nỗi nhìn lên mái nhà cứ ngỡ nhà lợp bằng mo tre chứ không phải lá dừa nước miền Tây.

Rồi thì mo tre cũng thấm nước mục nát nhiều chỗ, tôi đành mua tấm ni lông nhỏ về che đủ phần trên cái giường ngủ cho vợ con, còn mình thì nằm tạm trên cái ghế tre đặt ở góc nhà, cũng tiện cho việc dùng thau múc bớt nước dột trên tấm ni lông những đêm mưa lớn vì nếu không múc bớt nước, tấm ni lông sẽ đứt dây treo. Giữa hoàn cảnh ấy thì mẹ vợ tôi từ quê lên thăm…

Nhà chỉ có duy nhất một cái giường, bà phải ngủ chung với vợ con tôi. Ðêm ấy, nằm trên chiếc ghế tre cọt kẹt tôi không tài nào chợp mắt, cứ thở dài vái trời đừng mưa lớn. Buồn cho thân mình thì ít mà cảm thương cho mẹ vợ thì nhiều. Tôi biết rõ bà lặn lội đường xa lên đây chủ yếu để xem con gái của bà theo chồng sống nơi xứ lạ cụ thể nó ra làm sao.

Thử đặt mình vào tâm sự của bà, tôi khóc lúc nào không hay. Vậy mà trời cũng không thương, giữa khuya bất ngờ tuôn cơn mưa lớn. Tôi như bị vật gì đó xé ruột khi nghe tiếng thằng con trai kêu lên: “Ngoại ơi! Mưa dột trúng ngay “cục vàng” của con rồi”. “Cục vàng” chính là chỗ tôi hay nựng con mỗi khi dỗ dành nó. Sáng hôm sau, tôi đưa mẹ vợ ra xe, bà không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn từng giọt, vừa kéo khăn lau mắt bà vừa mếu máo dặn dò tôi: “Con ở lại lo mần ăn đừng uống rượu nhiều nghen con”.

Suốt tháng quanh năm sống bằng nghề lao động phổ thông ở chợ Long Hoa, tôi không có người bạn nào. Chỉ có anh, nhà báo H. Tôi quen biết và thân thiết với anh H từ những bài thơ của tôi được đăng trên báo tỉnh. Nhớ mãi buổi chiều anh chịu cực tìm tôi nơi xóm lao động nghèo để rồi từ đó anh động viên, chia sẻ cùng tôi những buồn vui trong cuộc sống quá ngặt nghèo.

Một lần nơi quán cà phê hẹn theo quy ước, tôi đã kể anh nghe chuyện “bà mẹ vợ trong đêm mưa”, anh lặng thinh không nói gì nhưng mấy hôm sau cũng nơi quán cà phê kỷ niệm ấy anh trao tôi một gói tiền và nói: “Ðây là chút tình của chú S, của phóng viên Th. và của tớ gửi tặng ông về mua lá lợp nhà đi”.

Anh chỉ cho tôi biết chú S và phóng viên Th. là những người vừa từ Hội Văn học Nghệ thuật mới chuyển công tác ra báo tỉnh. Biết nói gì để cảm ơn các ân nhân, tôi đưa tay nhận lấy gói quà mà đôi xương hàm cứ run lập cập không mở ra được tiếng nào.

Tôi trở thành cộng tác viên của Báo rồi là hội viên của Hội Nhà báo tỉnh, đỉnh cao của nghiệp thơ là nhận được giải thưởng văn học nghệ thuật danh giá nhất của tỉnh. Tất cả những gì đẹp nhất của đời mình tôi biết nó xuất phát từ gói quà ngày xưa ấy. Mãi mãi không quên…

NGUYỄN VĂN TÀI