Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ làng Hoàng Mai xưa

Cập nhật ngày: 17/12/2010 - 11:15

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thủ đô, làng cổ Tây thành Thăng Long Mơ Rượu xưa - Hoàng Mai nay - cũng không ngừng "thay da đổi thịt"...

Đến Hoàng Mai, mọi người bắt gặp một không gian phố phường ồn ào và náo nhiệt của người, của chợ, của cảnh giao thương buôn bán..., một màu áo mới của cuộc sống đô thị hiện đại đã được khoác lên chốn thanh bình yên ả một thời, nhưng dư vị của làng quê Việt Nam với “hoa”, với “rượu” vẫn còn đó.

Làng Hoàng Mai xưa gồm 4 thôn, tên Nôm thường gọi là Kẻ Mơ. Sau một thời gian xã hội có nhiều biến đổi lớn về kinh tế, làng đã hòa nhập vào với cuộc sống chốn Thành đô bằng việc cho ra đời các mặt hàng, mà cũng sau này trong xã hội nói chung xuất hiện khái niệm chữ ngành nghề có xuất xứ từ đó.

Bốn thôn Kẻ Mơ ở đây bao gồm: Mơ rượu, Mơ thịt, Mơ cơm, và Mơ Táo.

Xưa làng Hoàng Mai là một vùng đất rộng bao la với nhiều  người về đây tụ họp sinh sống. Xung quanh chỉ là sông ngòi, đồng ruộng và hồ ao. Tục truyền rằng xưa tại chính mảnh đất này có một vị Trần tướng quân lãnh đạo chỉ huy cả một vùng. Vị tướng quân này đã nhìn thấy tiềm năng về đất đai phong phú nên đã lệnh cho dân làng nên tạo một nghề chính ngay trên mảnh đất này. Cũng chính ông đã đưa một giống cây trồng dáng dấp thanh tao với tên gọi Mai về làng. Từ đó mọi người trong làng bắt tay vào trồng thứ cây này và coi đó là một nghề để kiếm sống. Thứ quả từ cây trồng này được mọi người cũng tự đặt tên thành “quả mơ”. Giờ Hoàng Mai vẫn được nhiều người nhắc đến với các giống mai: mai vàng, mai trắng, mai hồng song hành cùng các tên gọi làng xã ngày nay là: Hoàng Mai, Bạch Mai, Hồng Mai.

Nói đến Hoàng Mai, mọi người cũng không thể quên được thứ rượu rất ngon, đã trở nên nổi tiếng khắp chốn Kinh kỳ. Mọi người quen gọi chữ Kẻ Mở là muốn nhắc với mọi người khi đến Hoàng Mai đừng quên thưởng thức thứ rượu thơm ngon này. Vẫn có câu: “Rượu làng Mơ, Cờ Mộ Trạch” là vậy.

Đây cũng là nơi mà nhiều vị học giả tiến sĩ đỗ đầu các khoa cử trong kinh thành với các danh hiệu: cử nhân, tiến sỹ, hương cống ….Những người này họ cũng là bậc thầy trong lĩnh vực thơ ca. Vì vậy mà có câu “Rượu làng Mơ, Thơ Kẻ Lủ”( làng Lủ tức Kim Lũ, quận Hoàng Mai ngày nay). Theo sách Dư địa chí ghi chép lại thì hiện Hoàng Mai đã có tới 9 người đậu cử nhân, riêng khoa thi năm 1879, họ Nguyễn ở thôn Đông có tới 3 người đỗ cử nhân. Những bằng chứng đó đã đưa mảnh đất này trở thành nơi có truyền thống về học hành thi cử trong xã hội Việt Nam, góp phần hun đúc lên những nhân tài Đất Việt rạng danh cho đến mãi ngày sau này. Trong cuốn: “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” của Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, công trình nghiên cứu về văn hoá lịch sử xã hội Việt lại thêm một lần nữa khẳng định những giá trị về văn hoá “làng” nói chung của đất nước nghìn năm văn hiến, trong đó có làng Kẻ Mơ (Hoàng Mai) ngày nay.

Đến Hoàng Mai, thấp thoáng đâu đây chúng ta vẫn còn nhìn thấy bóng dáng của những ngôi chùa, mái đình, nhiều di tích về kiến trúc và lịch sử. Điều này đã đưa mọi người quay trở về một làng cổ Hoàng Mai xưa.

Đất Quận Hoàng Mai không chỉ là làng quê của nhiều danh nhân văn hoá, Hoàng Mai còn tạo dựng được nhiều ngành nghề truyền thống. Đó là nghề làm quạt ở làng Lủ, nghề dát bạc ở làng Giáp Lục, nghê Kim Hoàn ở Phường Định Công và cũng là nơi có rất nhiều món ăn ngon nổi tiếng với hương vị đậm chất hà thành khó lẫn.

Và với việc bảo tồn cũng như phát triển hơn nữa những giá trị văn hoá đặc trưng của làng quê Việt. Hoàng Mai hy vọng sẽ trở thành điểm đến khó quên của nhiều người tới thăm trong những năm về sau.

Chùa làng Hoàng Mai là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá của vùng đất cổ Mơ Rượu.

Mái chùa cong cong, những cây cổ thụ khẳng khiu đầy hoài niệm.

Chiếc giếng cổ như một con mắt xanh của đất.

Đình Hoàng Mai lát gạch đỏ với những tượng voi, ngựa đá bên ngoài trông vừa gần gũi vừa tôn nghiêm.

Cả một khuôn viên rộng lớn bao bọc lấy ngôi đình.

Hàng hiên rộng của đình rộng, dài làm điểm tiếp nối giữa sân và đình.

Công chùa truyền thống xen lẫn hiện đại.

Những gian thờ và khoảng sân trong đình một ngày tĩnh mịch.

Những ngôi tháp mang trong mình những câu chuyện và truyền thuyết lịch sử.

K.D (st)