Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Diễn tiến chiến dịch Hồ Chí Minh tại Tây Ninh ngày 30.4.1975:
Nhớ mãi ngày giải phóng quê hương
Thứ hai: 10:22 ngày 01/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, toàn bộ Ban Chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương - Phước Ninh và các trưởng ty hành chính do Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài dẫn đầu tập trung tại trụ sở xã Long Thành (gần Báo Quốc Từ, nay là Bưu điện Hoà Thành) tiến hành nghi thức đầu hàng, nhận quy chế đầu hàng do đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố.

Nụ cười chiến sĩ. Ảnh tư liệu

42 năm trước, một ngày giữa tháng 4.1975, sau khi quân đội cách mạng giải phóng miền Nam đã giành thắng lợi qua các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Ðà Nẵng, làm tan rã Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 của quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Trung và Tây Nguyên, Bộ Chính trị Ðảng ta đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho quân dân tỉnh Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương; tổ chức đánh địch liên tục để kiềm chân Sư đoàn 25, liên đoàn 81 Biệt kích dù, liên đoàn 33 Biệt động quân và toàn bộ lực lượng địa phương của địch, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, góp phần tạo điều kiện cho quân chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của kẻ địch.

Chấp hành tinh thần chỉ đạo trên, Tỉnh uỷ Tây Ninh đề ra nhiệm vụ: xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang. Tỉnh uỷ cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là không để những phần tử phản động lợi dụng chiến sự nóng bỏng, gây hoang mang trong dân chúng, cản trở bước tiến của quân giải phóng. Nếu địch rút quân vào nội ô Toà thánh cố thủ chống trả lại, phải vừa bảo vệ được quần chúng tín đồ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa giữ nguyên được Toà Thánh, chợ Long Hoa và các công trình khác do nhân dân ta xây dựng nên.

Với khí thế sôi nổi ngút trời, chỉ trong một thời gian ngắn đến ngày 24.4.1975, trên 3.000 thanh niên, kể cả những người trung niên tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 12 tiểu đoàn, bao gồm 3 tiểu đoàn 14, 16, 18 đang áp sát, khống chế quốc lộ 22, đoạn Cẩm Giang - Thạnh Ðức, ngăn đường tháo chạy về Sài Gòn của đối phương; cùng với 9 tiểu đoàn mới thành lập. Trong đó các tiểu đoàn mới có phiên hiệu (tiếp nối dãy số chẵn tính từ số 14) là 20, 22, 24, 26 được tập trung bổ sung cho lực lượng chủ lực của tỉnh, 5 tiểu đoàn còn lại là đơn vị của các địa phương gồm Tân Biên 1 tiểu đoàn, Châu Thành 2 tiểu đoàn, Trảng Bàng 2 tiểu đoàn. Lực lượng du kích ở các xã cũng phát triển khá mạnh, có nơi quân số lên đến một đại đội, xã ít nhất cũng có 20 chiến sĩ du kích.

Khắp nơi trong tỉnh, nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng. Lúc này, các đơn vị của tỉnh đã áp sát khu trung tâm tỉnh lỵ Tây Ninh và vùng Toà Thánh - Long Hoa, tức khu vực xã Thái Hiệp Thạnh và các xã Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Long Thành, Trường Hoà thuộc quận Phú Khương theo địa giới hành chính của chế độ Sài Gòn, trong khi các đơn vị của địch phải co cụm lại, chui rúc dưới hầm trú ẩn chịu đựng bão lửa của pháo binh ta dội xuống từ núi Bà Ðen.

Có thể nói những ngày cuối tháng Tư, khu vực tỉnh lỵ Tây Ninh là một vùng “đô thị chết”, gần như toàn bộ nhân viên các ty sở hành chính không đến cơ quan làm việc, hầu hết lực lượng quân sự thuộc Tiểu khu Tây Ninh phải chạy vào đồn trú trên lộ Chánh Môn, khu vực dân cư phía ngoài nội ô Toà thánh để tránh pháo, vì chúng biết quân cách mạng không bắn bừa bãi vào nhà dân, nhà chùa.  

Về phía ta, Tỉnh uỷ tổ chức Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh do đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Ðặng Văn Lý (Mười Ðôi) - Chính trị viên Tỉnh đội làm Chính trị viên. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đêm 24.4.1975, Ban chỉ huy chiến dịch của tỉnh dùng 3 tiểu đoàn 14, 16, 18 đánh chiếm cầu Bàu Nâu, cắt đứt quốc lộ 22, chặn ngang lối thoát cuối cùng của quân địch.

17 giờ ngày 26.4.1975, chiến dịch giải phóng tỉnh nhà bắt đầu. Quân ta triển khai thực hiện phương án tác chiến của Ban Chỉ huy chiến dịch đề ra là tiến công tỉnh lỵ Tây Ninh từ hướng chiến dịch Nam Toà Thánh. Theo tài liệu lịch sử của Tiểu đoàn 14, đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến, phương án này vị chỉ huy quân sự cao nhất của tỉnh là đồng chí Nguyễn Thanh Dương đã nhận định từ sáu năm trước (năm 1969): “Sau này Tiểu đoàn 14 sẽ từ phía của ngõ Gò Dầu - Nam Toà Thánh tiến vào giải phóng thị xã Tây Ninh”.

Sáng ngày 28.4, Tiểu đoàn 14 cùng Tiểu đoàn 20 bao vây, tiêu diệt Tiểu đoàn 352 bảo an của địch đang án ngữ tại nhà tịnh Trí Huệ Cung, chiếm giữ Ðoạn Trần Kiều, đồng thời tấn công đồn Trường Xuân, bắt 6 tù binh, giải thoát 1 chiến sĩ Tiểu đoàn 16 của ta bị địch bắt trước đó vài ngày; Tiểu đoàn 22 chia làm 3 mũi đánh chiếm các khu vực Lò Than, Trường Lưu.

Ngày 29.4, Tiểu đoàn 24 đánh chiếm khu vực Quy Thiện xã Trường Hoà, đêm đó tại bìa ấp chiến lược, đơn vị đụng 1 đại đội Thuỷ quân lục chiến địch, lúc này đã là 5 giờ sáng ngày 30.4, Tiểu đoàn 14 vừa tiến quân tới cùng Tiểu đoàn 24 xung phong đánh bật kẻ địch trong vòng 10 phút, đám lính thuỷ đánh bộ trút bỏ quần áo rằn ri chạy tháo thân, các tua nhỏ của giặc gần đồn Quy Thiện cũng bỏ chạy hết. Ðại đội 1 của Tiểu đoàn 14 truy kích địch theo hướng Long Hải, thu được 2 khẩu đại liên đuôi cá và 20 khẩu tiểu liên AR15 do đám lính thất trận quăng ném lại, sau đó, Ðại đội 1 quay lại cùng Tiểu đoàn đánh tiếp về hướng Long Hoa.

Trong vòng chưa đầy nửa giờ, đến 5 giờ 25 phút Tiểu đoàn 14 đã đánh chiếm 1 đồn cấp đại đội, 2 tua cấp tiểu đội, diệt 60 tên địch, bắt sống 8 tên, đánh tan 1 đại đội thuỷ quân lục chiến, thu trên 120 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Ðến sáng ngày 30.4, Tiểu đoàn 14 cùng các đơn vị cánh Nam Toà Thánh tiến quân theo hướng chợ Long Hoa.

Trong lúc đó, các cánh quân từ hướng núi Bà Ðen cùng tiến quân hướng về Thị xã. Tiểu đoàn 26 của huyện Toà Thánh từ chân núi Bà Ðen tiến đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn đội phòng vệ dân sự và dừng chân ở đây chuẩn bị tấn công vào trung tâm đầu não của đối phương ở tỉnh lỵ Tây Ninh. Nửa đêm 29 rạng ngày 30.4, Tiểu đoàn 26 đến điểm tập kết quy định là đầu lộ Chợ Bắp giao với đường Phan Thanh Giản (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) cách trụ sở xã Hiệp Ninh khoảng 200 mét.

Tại đây, đơn vị đụng một trung đội dân vệ xã Hiệp Ninh, ta diệt tên trung đội trưởng và bắn bị thương 2 tên lính. Ðám dân vệ bỏ chạy tán loạn, các chiến sĩ Tiểu đoàn 26 đã cấp cứu, băng bó những kẻ địch bị thương bị bỏ lại rồi tha cho họ trở về gia đình. Sáng 30.4, Tiểu đoàn 26 tấn công chiếm trụ sở xã Hiệp Ninh, bọn lính bảo an ở đây bỏ chạy về chi khu Phú Khương (nay là trụ sở Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh trên đường Lạc Long Quân, thành phố Tây Ninh).

Tại Gò Dầu, từ ngày 26.4, bộ đội huyện kết hợp với du kích và nhân dân tấn công các đồn trong huyện. Ðến ngày 29.4, huyện Gò Dầu cơ bản giải phóng, quân địch chỉ còn 2 bót ở chi khu Gò Dầu và Bàu Ðồn.

Tại Trảng Bàng, lực lượng ta đồng loạt tấn công đều khắp địa bàn huyện. Ngày 28.4, Tiểu đoàn 1 cánh Ðông của huyện đánh vào chi khu Trảng Bàng, bao vây, bức hàng các đồn Rừng Cầy, Láng Liêm, Chùa Ðá, Hốc Nai, Gia Tân, Bàu Hai Năm, Cầu Ván, Ðồng Ớt và Chùa Mọi. Ngày 29.4, du kích An Tịnh bao vây, bức hàng các đồn Suối Sâu, Biện Sen, Bàu Tràm, Cây Dương, An Thới. Cùng ngày, quân địch ở 2 đồn Gia Bình và Tha La trước sức ép của quân ta cũng buông súng đầu hàng. Ðúng 16 giờ ngày 29.4, quân dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng Trảng Bàng, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22). Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

Tại huyện Châu Thành, ngày 29.4, 2 tiểu đoàn bộ đội huyện tiến vào khu tam giác Thanh Ðiền, Cao Xá, Thái Bình, hình thành thế bao vây Thị xã. Trong khi đó, Tiểu đoàn Công an vũ trang của tỉnh đã lọt được vào trung tâm Thị xã.

Tại thị xã Tây Ninh, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, qua máy bộ đàm, Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh gọi điện buộc Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài phải ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng. Cùng lúc pháo binh của ta từ núi Bà Ðen liên tục bắn vào Tiểu khu, Toà hành chính tỉnh (nay là Bộ CHQS tỉnh và trụ sở UBND tỉnh). Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, Liên đoàn 81 Biệt kích dù, Liên đoàn 33 Biệt động quân và phần lớn đơn vị Thiết kỵ binh 3 của địch tan rã và đầu hàng; các tiểu đoàn địa phương quân tinh thần rệu rã, không còn ý chí chiến đấu, cộng thêm kho vũ khí lớn nhất của Tiểu khu bị cháy nổ (ngày 29.4) do pháo ta bắn trúng.

Không chịu nổi những trận bão lửa của pháo binh ta, đến 10 giờ ngày 30.4.1975, Ðại tá Bùi Ðức Tài- Tỉnh trưởng Tây Ninh buộc phải liên lạc với ta qua máy bộ đàm và cử 2 sĩ quan là Tạ Kim Lời- Tham mưu phó tiểu khu và Tô Minh Chữ - Trưởng ban Quân lực (Ban 1) đến gặp đại diện Ban chỉ huy chiến dịch của ta tại Bến Kéo báo cáo chấp hành lệnh đầu hàng vô điều kiện.

10 giờ 30 phút, Bùi Ðức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Cùng lúc đó, chấp hành lệnh của Tỉnh trưởng, Trung tá Trinh- Quận trưởng Phú Khương gọi điện gặp Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 26 xin đầu hàng và thực hiện lệnh của Tiểu đoàn trưởng Trương Hoàng Ngon, Chính trị viên Lê Anh Tòng đưa 3 xe GMG đến trụ sở xã Hiệp Ninh chở toàn bộ Tiểu đoàn 26 đến tiếp quản chi khu Phú Khương.

Ðến dinh quận, việc đầu tiên Tiểu đoàn 26 thực hiện là treo lá cờ Mặt trận Giải phóng lên đỉnh trụ tháp viễn thông cao nhất Tây Ninh (nay là trụ viba sau Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh). Từ xa, trên ngọn trụ tháp viễn thông Mít Một, lá cờ chiến thắng phất phới trên bầu trời làm nức lòng nhân dân vùng trung tâm đô thị Tây Ninh.   

11 giờ 30 ngày 30.4.1975, toàn bộ Ban Chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương - Phước Ninh và các trưởng ty hành chính do Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài dẫn đầu tập trung tại trụ sở xã Long Thành (gần Báo Quốc Từ, nay là Bưu điện Hoà Thành) tiến hành nghi thức đầu hàng, nhận quy chế đầu hàng do đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố. Thị xã Tây Ninh được giải phóng và tiếp quản hoàn toàn, khu vực Toà Thánh - Long Hoa được bảo vệ trọn vẹn.

NGUYẾN TẤN HÙNG

(Theo tài liệu lịch sử Ðảng bộ tỉnh, LLVT Hoà Thành và Tiểu đoàn 14)

Tin cùng chuyên mục