BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Nhớ mít 

Cập nhật ngày: 19/01/2021 - 16:40

BTN - Hồi đó, nhà tôi có miếng vườn không rộng lắm, ông ngoại trồng đủ thứ cây, mỗi loại một vài cây, chủ yếu cho con cháu có cái để ăn.

Lúc đó trong xóm tôi, nhà ai cũng nghèo nên ít khi có tiền để cho cháu con mua quà bánh. Mọi thứ đều trông cậy vào những gì trồng được. Mỗi cây được trồng xuống là bọn con nít chúng tôi lại nhao nhao hỏi ông ngoại: chừng nào cây có trái vậy ngoại? Rồi trông, kiểu trông của con nít không phải cái trông thắt thẻo của người lớn.

Trông đó rồi quên đó. Trong vườn có ba cây mít trồng từ hột mà thành cây. Nhớ ông ngoại nói đi đâu xa người ta mời ăn mít thấy ngon ông ngoại xin hột đem về. Hột mít đem về cứ để khơi khơi vậy cũng tự đâm rễ lên chồi rồi đem trồng. Từ cái cây nhỏ chưa đầy gang mà chờ tới ngày có trái cũng mấy năm trời, đâu như giống mít “mì ăn liền” bây giờ trồng một, hai năm đã cho trái đầu mùa.

Vậy rồi mít kết trái, ban đầu nhỏ xíu khó phân biệt là bông hay trái vì chúng có hình dạng trái bầu dục tương tự nhau. Lại trông khi trái mít từ từ lớn dần lộ rõ gai. Lại trông mít chín. Mít chín dễ biết vì có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng.

Nhưng ai muốn có mít nhanh ăn hơn thì chặt trái mít già xuống, vạt bỏ phần cuống rồi dùng cây nhọn đóng vào cùi mít để mít nhanh chín hơn. Khi chẻ mít chín, lấy lá chuối khô có sẵn trong vườn lau hết lớp nhựa trắng rồi chẻ từng miếng nhỏ cắt cùi gỡ múi. Mít không như sầu riêng, nó có nhiều nhựa nên khi ăn nhựa dính đầy tay, trừ mít ướt.

Mít hồi xưa nhiều loại lắm, mỗi loại có đặc điểm riêng biệt. Mít dừa chín màu vàng nhạt múi to. Mít nghệ múi nhỏ hơn có màu vàng cam đậm như màu củ nghệ già. Mít ướt ngọt nhưng khó ăn vì múi mít chín chảy nhão ra, khi ăn thường nuốt trộng, mà có lần tôi bị mắc nghẹn ứa cả nước mắt. Mỗi loại mít sẽ có vị ngọt đậm nhạt khác nhau. Mít dừa ngọt thanh, mít nghệ ngọt đậm. Vị ngọt, màu sắc đặc trưng của từng loại làm người ta có cái để nhớ về, để trông đợi, như những ca sĩ có chất giọng đặc trưng, mỗi khi cất giọng dễ làm người ta nhận diện ra giữa vô vàn giọng hát khác.

Nhớ mít rồi nhớ sang hột mít, khi ăn mít xong, hột không bỏ phí đi, nhặt lại, tách lớp màng bao quanh rồi rửa thật sạch đem nấu. Trước khi nấu nhớ dằn thêm chút xíu muối để những hột mít khi chín có vị đậm đà hơn. Hột mít còn nóng hổi đổ ra chiếc rổ tre cho nguội bớt, bóc lớp vỏ ngoài, đến lớp lụa màu cánh gián rồi đến lớp thịt bùi thật bùi.

Vậy là ăn, ăn cho đến khi không còn hột nào trong rổ. Hột mít lùi tro sẽ thơm hơn hột mít luộc. Thường anh em tôi canh lúc mẹ nấu cơm cạn, lúc đó có nhiều lửa than hồng, bỏ vài hột mít lùi vào than đỏ, canh một vài phút đến khi ngửi có mùi thơm lan toả là biết hột mít chín. Lấy đũa sắt gắp ra, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài đã cháy sém là có thể ăn rồi. Nhưng mà hạn chế ăn nhiều vì con nít xóm tôi có câu đồng dao: “Ốc mít lùi tro, ăn no té…”.

Trái mít được tận dụng đến vỏ mít cũng không bỏ, không phải để dành phạt những đứa trẻ nghịch ngợm dù ba mẹ hay nói lì quá sẽ phạt quỳ trên vỏ mít chi chít gai, mà đó là nguyên liệu cho món ăn hấp dẫn cực kỳ. Vỏ mít còn lại phần xơ sau khi tách hết múi mít đem bỏ phần gai bên ngoài, ướp vào chút xíu muối, đường, bột ngọt để tạo vị mặn ngọt vừa ăn. Vậy rồi đem chiên vàng hai mặt là đã có món ăn lạ miệng. Sau này, khi ở trọ đi học dưới Sài Gòn, những ngày hết tiền mua đồ ăn, tôi đạp xe chở tụi bạn ở trọ chung ra chợ Cầu Ông Lãnh xin vỏ mít về làm món ăn dân dã này để ăn với cơm nấu từ gạo mượn ở phòng trọ kế bên.

Vậy rồi không biết từ đâu người ta đem về trồng cây mít giống mới, nói là giống mít Thái. Ưu điểm của giống này là trái sai, nhanh có trái sau một hai năm trồng nhưng làm sao ngon và đặc sắc như giống mít ông ngoại trồng ngày nào. Mà nào đâu chỉ có mít, tất cả các loại trái cây khác cũng dần mai một như xoài, ổi, mận bởi những giống du nhập. Bạn chắc sẽ đoán được số phận những cây mít nhà tôi khi đất vườn ngày càng thu hẹp. Thì đúng vậy, cây mít xưa chỉ còn dấu tích duy nhất là chiếc mõ bằng gỗ mít mà chiều chiều mẹ hay gõ khi thắp nhang bàn thờ ông.

Trương Quốc Toàn