Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ một mùa khai giảng…
Chủ nhật: 17:17 ngày 08/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cờ quạt, khăn trải, băng-rôn cũng tận dụng “cây nhà lá vườn”, có gì dùng nấy nên khá đơn sơ. Học trò đứa mặc đồng phục đứa không, cứ vô tư lót dép ngồi phệt xuống sân trường sau màn chào cờ khai mạc.

1.Tốt nghiệp ra trường, tôi được bổ nhiệm về trường vùng sâu xã S. Lần đầu tiên tôi đi dự khai giảng không phải với tư cách học trò mà là… thầy. Lạ lẫm và hồi hộp. Trường xóm núi, phòng ốc tuềnh toàng, học sinh lam lũ. Sân trường chưa phủ nổi bê tông, vẫn bằng đất nện lởm chởm cỏ xanh, chỗ lồi chỗ lõm. Được cái, trong sân đứng lừng lững hai cây cầy (kơ nia) cao to, toả bóng mát rượi. Dưới bóng mát “trời cho” ấy diễn ra lễ khai giảng đầu năm.

Băng bàn học trong các phòng học được khiêng, kê làm bục đứng phát biểu, làm chỗ ngồi cho các thầy cô cùng quan khách. Gọi “quan khách” cho oai chứ thực ra chỉ có bà Hội trưởng Hội phụ huynh với ông Chủ tịch Mặt trận xã. Cờ quạt, khăn trải, băng-rôn cũng tận dụng “cây nhà lá vườn”, có gì dùng nấy nên khá đơn sơ. Học trò đứa mặc đồng phục đứa không, cứ vô tư lót dép ngồi phệt xuống sân trường sau màn chào cờ khai mạc.

Khai giảng nơi ngôi trường “vùng sâu” thật lạ. Trang bị đơn sơ, thiếu thốn tứ bề, vậy mà niềm hưng phấn với buổi tựu trường đầu tiên lại không hề thiếu! Chào cờ, quốc ca không mở máy (có máy đâu mà mở) mà thầy trò đồng thanh hát. To, khoẻ, hào hùng, dù đôi chỗ hơi lạc nhịp. Lễ chào cờ xong, mọi người nhất loạt ngồi xuống, hàng lối chỉnh tề. Thầy hiệu trưởng phát biểu khai mạc.

Ngắn gọn thôi, còn nhường chỗ cho đại diện chính quyền, đại diện học sinh. Cuối lễ, tôi- giáo viên mới về trường- được thầy mời lên nói đôi lời cảm tưởng. Bất ngờ quá. Tôi bước chân lên bục, không nhớ mình đã nói những gì, chỉ biết lúc dứt lời, tiếng vỗ tay nổ ra vang dội. Về chỗ, tôi còn được chị đồng nghiệp thì thầm vào tai: Nói gì nghe cảm động dữ mày!...

Kết thúc lễ là hồi kẻng (trường chưa có trống) khai trường, âm thanh hùng dũng, vang vang. Với tôi, ấn tượng buổi khai giảng đầu tiên ấy sẽ trọn vẹn vô cùng nếu cuối buổi tôi không vướng phải một sự cố dở khóc dở cười. Đang tít mắt, tít mũi với lời khen “hay ho” của chị đồng nghiệp bỗng nghe rớt cái “bộp” lên đùi. Mở mắt dòm thì, eo ơi, một con sâu cầy (sâu chuyên sống trên cây cầy, sau này tôi mới biết) to đụi, béo núc đang lổm ngổm bò trên vạt áo dài xanh. Cái bệnh hãi sâu khiến tôi lập tức nhảy nhồng nhồng, hét to khiến cả hội đồng mất vía…

2.Tối đó lại… khai giảng. Lần này lớp phổ cập!

Cũng lần đầu tiên, tôi biết đến một buổi khai giảng lạ lùng như vậy. “Khai giảng” diễn ra ở hội trường thôn, đèn đuốc sáng choang, cờ ảnh băng bàn có sẵn, tiện nghi hơn hẳn buổi sáng. Nhưng học sinh (phổ cập) toàn thôn tới dự, chỉ vỏn vẹn… 5 em; những em vì lý do gì đó mà việc học dở dang, giờ không có điều kiện ra lớp chính! Ông trưởng thôn đại diện chính quyền kiêm luôn “chủ lễ”. Đại diện ban giám hiệu (cũng tức giáo viên chính thức) là tôi.

Lễ khai giảng diễn ra im lặng, chóng vánh. Các em được phát miễn phí sách giáo khoa, vở, bút, được cô giáo dặn dò ngắn gọn: Tối mai, bảy giờ tới hội trường thôn để học. Ông trưởng thôn động viên thêm: Tụi con cố ráng cho xong lớp 9, mai mốt muốn đi học nghề, xin việc gì cũng phải có cái bằng…

Khai giảng bế mạc.

Dợm bước ra về, ánh đèn pin tôi lia soi nhằm vào một em gái đứng nép mình tự khi nào bên trụ cổng. Em làm gì đây? Đi học sao không vào lớp nhận sách vở? Cô bé lắc lắc đầu, ú ớ. Ông trưởng thôn nhướng mắt nhìn kỹ, xong bật cười, không phải học sinh đâu cô, là con bé câm bên hàng xóm. Nó không thể nói nhưng nghe được… Cô bé câm nhìn hau háu mấy tập vở còn lại trên tay tôi, nuốt nước bọt.

Gì dòm cô hoài vậy, bộ em muốn… đi học sao? Cô bé lập tức gật gật đầu, nhoẻn miệng cười tươi. Trời ạ, đây mới chính là chi tiết “lạ” nhất trong cả buổi lễ khai giảng vốn đã kỳ lạ. Được rồi, em muốn học thì tối mai bảy giờ tới lớp, cô dạy em viết chữ…

Đưa tập vở và cây bút còn dư cho cô bé, tôi định bụng hôm nào rảnh sẽ tìm gặp phụ huynh của em hỏi chuyện. Con bé câm nhưng không điếc và lại còn hiếu học. Tôi tin, nếu thu xếp tốt, sẽ không quá khó khăn để giúp em thành người “có chữ”, sống tốt cho mình, cho người…

Y Nguyên

Tin liên quan