Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018)
Nhớ ngày giải phóng Tây Ninh
Thứ hai: 07:53 ngày 30/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Khi chúng tôi vào giải phóng thị xã Tây Ninh, kho vũ khí của địch còn cháy, nổ lép bép. Tôi bảo anh em qua dập lửa, thu giữ vũ khí”, ông Nguyễn Lương, 76 tuổi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14- một trong những đơn vị tham gia giải phóng Tây Ninh, nhớ lại.

Một góc thành phố Tây Ninh ngày nay.

Tự giải phóng quê hương

Theo Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm vụ chung của cả nước lúc bấy giờ là giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh phải tự giải phóng quê hương mình, tổ chức đánh địch liên tục để kềm chân Sư đoàn 25, Liên đoàn Biệt kích 81 và lực lượng của địch ở địa phương, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Chấp hành tinh thần chỉ thị đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.

Tỉnh uỷ cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là không để những phần tử phản động lợi dụng chiến sự nóng bỏng, gây hoang mang trong dân chúng, cản trở bước tiến của quân giải phóng.

Nếu địch rút quân vào nội ô Toà thánh cố thủ chống trả lại, phải vừa bảo vệ được quần chúng tín đồ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa giữ nguyên được Ðền thánh, chợ Long Hoa và các công trình khác do nhân dân ta xây đắp nên.

Tỉnh uỷ quyết định phân công các đồng chí Uỷ viên Thường vụ, Tỉnh uỷ viên cùng một số cán bộ chủ chốt khác về hỗ trợ chỉ đạo ở các huyện. Ðiều động hầu hết lực lượng thanh niên trong khối cơ quan vào bộ đội tỉnh, huyện.

Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong 20 ngày, từ ngày 4 đến 24.4.1975, hơn 3.000 người tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Ta tổ chức được 9 tiểu đoàn mới, bổ sung cho lực lượng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, huyện Tân Biên còn thành lập 13 đại đội độc lập.

Du kích xã cũng phát triển khá mạnh, có xã, quân số lên đến đại đội, xã ít nhất cũng có 20 du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng.

Tỉnh uỷ triệu tập hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mở rộng để quán triệt quyết tâm của Ðảng và bàn kế hoạch cụ thể giải phóng tỉnh, giải phóng từng huyện và đặc biệt là giải phóng thị xã- trung tâm đầu não của địch.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chỉ huy Miền, đêm 24.4.1975, Tây Ninh dùng 3 tiểu đoàn 14, 18, 20 tổ chức đánh chiếm cầu Bàu Nâu, cắt đứt quốc lộ 22, không cho Trung đoàn 49, thuộc Sư đoàn 25 nguỵ tháo chạy về Sài Gòn.

17 giờ ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương, quân dân trong tỉnh đồng loạt nổi dậy, tiến công.

Bộ đội về giải phóng thị xã Tây Ninh (ảnh tư liệu).

Tưng bừng nổi dậy tấn công

Ở Gò Dầu, ngày 26.4, bộ đội huyện kết hợp với du kích và nhân dân tấn công các đồn trong huyện. Ðến ngày 29.4, huyện Gò Dầu cơ bản giải phóng, quân địch chỉ còn 2 bót ở Chi khu Gò Dầu và Bàu Ðồn.

Khi lực lượng chủ lực và xe tăng của ta đi qua để xuống Củ Chi và sang Hậu Nghĩa, trong tình hình địch hoang mang cao độ, Huyện uỷ hạ quyết tâm dồn hết lực lượng đồng loạt tấn công trên khắp địa bàn huyện Trảng Bàng.

Ngày 27.4, lực lượng địa phương tấn công chiếm lĩnh Gia Huỳnh. Ngày 28.4, Tiểu đoàn 1 cánh Ðông của huyện dùng 2 đại đội đánh vào Chi khu Trảng Bàng và 1 đại đội kết hợp với du kích và nhân dân Gia Lộc, Lộc Hưng bao vây bức hàng đồn Rừng Cầy, Láng Liêm, Chùa Ðá, Hốc Nai, Gia Tân, Bàu Hai Năm, Cầu Ván, Ðồng Ớt và Chùa Mọi.

Ngày 29.4, du kích An Tịnh với sự hỗ trợ của nhân dân, bao vây các đồn Suối Sâu, Biện Sen, Bàu Tràm, Cây Dương, An Thới buộc địch phải đầu hàng và nộp súng.

Cùng ngày, quân địch ở 2 đồn Gia Bình và Tha La, trước sức ép của quân ta, cũng buông súng đầu hàng.

Ðúng 16 giờ ngày 29.4, quân dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng nguỵ quyền Trảng Bàng, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên quốc lộ 1, làm cho Liên đoàn 33 biệt động quân của địch từ Gò Dầu chạy về Sài Gòn đến Trảng Bàng không có lối thoát, buộc phải đốt xe, vất súng và đầu hàng. Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

Tại huyện Dương Minh Châu, lực lượng huyện cùng với nhân dân bức hàng đồn Bàu Năng, Bàu Cóp, Chà Là trên tỉnh lộ 26. Hàng binh được đưa về tập trung ở trường học Ninh Hưng, sau đó, được thả về, chờ ngày ra trình diện. Ðến 19 giờ ngày 29.4, huyện Dương Minh Châu cơ bản được giải phóng.

Ở huyện Châu Thành, ngày 29.4, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện tiến vào khu tam giác Thanh Ðiền, Cao Xá, Thái Bình, hình thành thế bao vây Thị xã. Trong khi đó, một bộ phận chủ lực của tỉnh áp sát phía Nam Thị xã và một bộ phận Công an vũ trang đã lọt được vào trung tâm Thị xã.

Ông Nguyễn Lương.

10 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, tỉnh trưởng nguỵ quyền Tây Ninh tuyên bố đầu hàng

Ông Nguyễn Lương kể, so với các huyện khác trong tỉnh, thị xã Tây Ninh giải phóng mà không phải đổ nhiều xương máu, vì Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ đã đầu hàng, khi đó quân ta cũng đã giải phóng xong huyện Toà Thánh (huyện Hoà Thành ngày nay).

Huyện Toà Thánh là địa bàn phức tạp, lực lượng quân sự tập trung đông và chúng bố trí từng khu vực để khống chế quần chúng. Ðêm 26.4.1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh, ta triển khai cho các tiểu đoàn, gồm Tiểu đoàn 20 đánh vào khu vực Long Hải.

Tiểu đoàn 22 chia làm 3 mũi đánh chiếm các khu vực Lò Than, Trường Xuân, Trường Lưu. Tiểu đoàn 24 đánh chiếm khu vực Quy Thiện. Các đội biệt động mật, du kích mật và quần chúng được lệnh chuẩn bị nổi dậy phối hợp nhịp nhàng với lực lượng vũ trang để giáng đòn quyết định.

Thế trận đã bày sẵn, nhưng do hợp đồng tác chiến chưa chặt nên đêm 26.4.1975, Ban Chỉ huy chiến dịch phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công.

Do tiếp nhận lệnh không kịp thời nên Tiểu đoàn 20 vẫn tấn công đánh chiếm khu vực Trường Lưu, tiêu diệt Tiểu đoàn 315, 1 đại đội bảo an của địch và bao vây đồn Trường Ðức.

Cũng trong đêm đó, Tiểu đoàn 26 của Toà Thánh đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn đội phòng vệ dân sự ở đây và đứng chân ở suối Bà Phụng, chuẩn bị tấn công vào trung tâm Thị xã.

Ðêm 27.4.1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Toà Thánh, Tiểu đoàn 24 đánh chiếm Quy Thiện. Sáng hôm sau, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công các mục mục tiêu.

Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân bao vây, giải phóng hàng loạt đồn bót, dồn địch lui dần về trung tâm đầu não. Tại Thị xã, vào lúc 9 giờ 30 phút, Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh gọi điện cho Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài, buộc phải ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng.

Cùng lúc đó, pháo binh của ta từ núi Bà Ðen liên tục bắn vào Tiểu khu, Toà hành chánh nguỵ. Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, Biệt kích dù 81, Biệt động quân 33 và phần lớn Thiết kỵ binh 3 của địch tan rã và đầu hàng.

Các tiểu đoàn địa phương của địch tinh thần rệu rã, không còn ý chí chiến đấu. Ngày 29.4.1975, kho vũ khí lớn nhất của địch (ở vị trí Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi hiện nay- NV) bị pháo của ta bắn trúng, gây cháy nổ.

Không chịu nổi những trận pháo như bão lửa của quân ta, 10 giờ ngày 30.4.1975, Ðại tá Bùi Ðức Tài- Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh buộc phải dùng máy bộ đàm liên lạc với ta và cử người gặp để xin đầu hàng.

Ðúng 10 giờ 30 phút cùng ngày, Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng.

11 giờ ngày 30.4.1975, toàn bộ Ban Chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương, Phước Ninh và các trưởng ty, do Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài dẫn đầu, tập trung tại trụ sở xã Long Thành (Báo Quốc từ) nhận quy chế đầu hàng, do ông Nguyễn Thành Dương- Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố.

Ông Nguyễn Lương kể tiếp: “Ngay sau khi nhận quy chế đầu hàng, Tỉnh trưởng Bùi Ðức Tài cùng đoàn cán bộ cách mạng chúng tôi đi trên 15 chiếc xe ô tô về dinh Tỉnh trưởng.

Trên đường về Thị xã, người dân đứng chờ đầy cứng hai bên đường, tay cầm cờ Mặt trận Tổ quốc, vẫy chào tưng bừng. Về đến dinh Tỉnh trưởng, đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, thị xã Tây Ninh hoàn toàn giải phóng.

Lúc đó, kho vũ khí của địch- chỗ Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi bây giờ- còn cháy, nổ lép bép. Tôi bảo anh em qua dập lửa, thu giữ vũ khí. Khoảng 7 giờ tối, khi tôi cùng anh Ngữ, Thành, Ðời đến Tiểu khu để tiếp quản hồ sơ, sổ sách, lúc đó Ðại tá Tài còn lấy rượu Shisky ra, khui đãi chúng tôi ăn mừng.

Tiểu đoàn 14 chiếm giữ thành Săng-đá - Tiểu khu Tây Ninh, toạ lạc tại vị trí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay”.

Lô cốt của địch ở cầu Quan đã được phá bỏ để mở rộng mặt bằng xây dựng cầu Quan mới.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác.

Nhờ vậy, khi Thị xã giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng vẫn hoạt động bình thường. Ðó cũng là một thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng.

Cuối cùng, quân và dân Tây Ninh đã giải phóng toàn tỉnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn- hang ổ cuối cùng của chính quyền địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài gần 21 năm.

Sau ngày giải phóng, Tây Ninh bắt tay vào xây dựng quê hương. Thị xã Tây Ninh bây giờ đã là thành phố năng động.

Những dấu tích chiến tranh, như đồn bót, thành Săng-đá, dinh Tỉnh trưởng, sân bay, kho vũ khí của địch v.v… dần được thay thế bằng những công trình phục vụ dân sự, dân sinh.

Như trước đây, ở cạnh đầu cầu Quan (phía bên khu phố Gia Long cũ) có một lô cốt của địch để bảo vệ chiếc cầu trọng yếu này.Sau này, cầu Quan cũ được phá bỏ để xây dựng cầu mới, to, rộng hơn.

Trong quá trình thi công công trình này, lô cốt bị đập bỏ để mở rộng mặt bằng. Kho vũ khí của địch, sau giải phóng cũng được san bằng làm sân bóng đá Tây Ninh (cũ), và những năm gần đây trở thành Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh.

Khu vực sân bay của địch, từ cổng sau của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện nay đến ngã ba Mũi Tàu đã trở thành một trong những khu phố sầm uất nhất thành phố Tây Ninh.

Chiến tranh đã qua đi, vốn hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn, nhưng Ðảng bộ và nhân dân Tây Ninh vẫn kiên cường lao động, chung tay xây dựng quê hương “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Ðại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh