Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhớ ngày khai trường
Thứ bảy: 09:57 ngày 18/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày năm tháng chín mỗi năm, học sinh rộn ràng tới trường. Niềm vui hớn hở, lòng hồi hộp mừng mừng lo lo, nhất là đối với những bé học lớp một vì lần đầu dự lễ khai giảng.

Mỗi năm về sau cảm giác này sẽ mất đi một chút. Chỉ khi nào bước vào những năm cuối cấp, lòng học trò mới vương chút tiếc nuối, len chút buồn chia tay ngôi trường đã cùng ta lớn lên trong bao nhiêu tháng ngày, bao kỷ niệm gắn bó cùng bạn bè một thuở. Nhớ từng cái cây, góc lớp, nhớ con đường quen thuộc dù có khi qua năm sau vẫn đi trên con đường đó nhưng điểm đến là một nơi khác mất rồi.

Sáng mùa thu năm ấy, tôi lần đầu tới trường nhưng không có cảm giác hồi hộp, âu lo, cũng không vui mừng hay chộn rộn vì được đi học. Ðơn giản vì tôi chưa đến tuổi đi học nhưng thấy chị hai được đi học cũng đòi theo cho vui. Người dẫn chị em tôi nhập học không phải là mẹ như nhà văn Thanh Tịnh miêu tả mà là cô tôi, vì ông nội cho rằng: “Cô Ba hồi đó sáng dạ, học giỏi, thông minh. Giờ dẫn cháu đi học cho cháu cũng được như cô”. Theo từ ngữ bây giờ gọi là “hưởng sái”, tôi cũng không còn nhớ rõ cô Ba dẫn chị em tôi tới lớp rồi nói gì với cô giáo vì lúc đó rất đông, tôi chỉ lo nhìn người, nhìn những dãy lớp học với bảng đen, phấn trắng.

Bàn ghế trong lớp còn thô sơ nhưng với tôi, chắc do mới thấy lần đầu nên những cái bàn dài dính liền với ghế, ngồi chung bốn đứa con nít là vô cùng kỳ lạ, nên tôi cũng đòi vô ngồi với chị. Có lẽ ngày đầu nhận lớp mới nên cô giáo cũng dễ dãi cho tôi. Sau này, tôi đồ rằng cô không phân biệt được đứa nào đủ tuổi đứa nào không nên cho đi học hết. Vì lúc đó phụ huynh dẫn con em mình tới lớp, mà không cần chứng minh đứa nhỏ đủ tuổi hay chưa, ngoài lời gửi gắm cô dạy dỗ cho con mình biết chữ và “nên người”.

Cô giáo lớp một của tôi lúc đó đã độ tuổi trung niên. Tôi nhớ cô cười rất hiền, rất tươi. Cô không mặc áo dài như cô giáo bây giờ, cô mặc đồ bộ giản dị, học sinh cũng không có đồng phục. Giờ ra chơi, cô mang quà bánh ra bán cho học trò. Ăn quà vặt đối với học sinh tiểu học chúng tôi thời ấy chỉ có lèo tèo vài thứ bánh kẹo rẻ tiền. Cà rem, sinh tố bỏ vô bịch rồi ngâm trong nước đá cho đặc lại mà các cô, chú để trên xe đạp bày bán ở cổng trường hoặc những hộ gia đình ở gần trường thì bày quán nhỏ bán nước, bánh tự gói, khoai củ, trái cây các loại có ở vườn nhà.

Chỉ ngày đầu và một, hai ngày kế tiếp, chưa quen đường nên cô tôi chở chúng tôi đến trường. Sau đó, chị em tôi tự lội bộ tới trường, đôi khi có thêm vài bạn ở xóm trên nhưng học cùng một trường nên nhập lại đi chung. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng tôi quyết không nghỉ ngày nào. Cứ thế mà tôi trôi qua hết năm lớp một mà vẫn cảm thấy mình chưa là học sinh thật sự vì không có ngày khai giảng rộn ràng, long trọng như bây giờ. Tôi cũng thường nghĩ mình học ké với chị tôi cho vui thôi.

Thời gian khó đã qua, trường học hôm nay đã khang trang. Tiếng trống trường vang lên rộn rã, những chùm bong bóng bay đủ màu sắc giữa sân trường rộng rãi. Hoa nắng ửng hồng trên đôi má phúng phính trẻ thơ hoà lẫn niềm vui ngày khai giảng. Nhưng trong lòng tôi vẫn nhớ hoài một ngày mùa thu trời trong xanh yên ả, nắng hiền hoà, gió dìu dịu, tôi ngồi trên yên sau chiếc xe đạp cọc cạch, lưng áo cô tôi ướt đẫm mồ hôi kiên nhẫn đưa chị em tôi tới trường…

Nguyễn Hồng Vân

Tin cùng chuyên mục