Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhớ ngày nhà giáo đầu tiên.
Chủ nhật: 10:15 ngày 15/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi tôi tốt nghiệp, ra trường đi dạy học thì nước ta chưa có Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 28.9.1982- tròn 3 năm sau khi tôi đi dạy, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định lấy ngày 20.11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam- lúc đó còn gọi là Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Và ngày 20.11.1982, lần đầu tiên, Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể khắp cả nước, trong đó có trường tôi.

U Minh Thượng.

Trường tôi dạy học là ngôi trường cấp 3 mới thành lập, nằm trong thị trấn huyện Thới Bình nhỏ xíu, cách thị xã Cà Mau hơn 30 cây số, cạnh rừng U Minh Hạ và sát con sông Trẹm hiền hoà.

Ngôi trường chỉ có một dãy 5 gian nhà tạm, cột bằng cây tràm, lợp lá dừa nước, dựng trên nền đất ẩm ướt, lồi lõm. Lúc tôi về, trường chỉ mới có ba lớp- một lớp 10, một lớp 11 và một lớp 12, với tổng cộng hơn trăm em.

Học sinh đến đây học không chỉ ở huyện Thới Bình mà còn có ở tất cả các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước... vì lúc đó các huyện này chưa có trường cấp 3. Học trò của trường hầu hết là con nhà nông nghèo- chỉ một số rất ít là con các tiểu thương buôn bán tại thị trấn.

Nhiều học sinh nhà ở xa phải đem cây lá đến cất những căn chòi nhỏ gần trường để có nơi ăn học. Nhiều học sinh ngoài giờ lên lớp phải tranh thủ đặt lờ, đặt lợp hoặc đi câu kiếm cá ăn hằng ngày. Riêng tôi thì được sắp xếp ở trong một căn phòng học trống, nên tiếp nhận gần chục học sinh nghèo nhà xa vào ở chung.

Chẳng có điện đùng gì, tối tối thầy đốt đèn dầu soạn bài, trò đốt đèn dầu học bài, lâu lâu phải lấy vỏ cây tràm đốt lên un khói để đuổi muỗi. Những ngày chủ nhật rảnh, thầy trò mượn xuồng vào những con kênh trong rừng U Minh Hạ- cách trường vài cây số, chài cá về cải thiện bữa ăn.

Tình nghĩa thầy trò trong môi trường thiếu thốn, cơ cực có nhiều điều đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là Ngày Nhà giáo đầu tiên tại trường tôi. Thời ấy, hầu hết học sinh vùng nông thôn nơi tôi dạy học đều nghèo nên chỉ có thể biểu hiện lòng tôn kính thầy bằng cách tặng hoa mà thôi.

Thế nhưng ở địa phương này, mùa mưa nước nhiễm phèn nặng, mùa nắng nước biển lấn vào mặn chát nên khó trồng được hoa tươi. Hơn nữa lúc bấy giờ, người dân tập trung vào sản xuất lúa gạo để có cái ăn, chẳng ai nghĩ đến chuyện trồng hoa.

Do vậy, để có hoa tặng thầy trong ngày trọng đại này, học sinh trường tôi phải tự làm hoa giấy. Cả tuần lễ trước ngày 20 tháng 11 năm ấy, trường tôi luôn trong không khí như ngày hội.

Tuy trường chỉ có mấy lớp, nhưng gần như lúc nào cũng có học sinh tới lui để làm hoa giấy- nhóm thì đi tìm những nhánh cây đẹp, nhóm tìm tàu dừa chuốt lấy cọng lá, nhóm mua giấy màu các loại, nhóm quậy hồ dán...

Còn những học sinh nữ khéo tay thì quây quần từng cụm chỉ vẽ nhau cách cắt, dán hoa lên những nhánh cây, cọng lá dừa. Tiếng kêu gọi, cười đùa vang lên không ngớt, khiến không khí ngôi trường đơn sơ, thiếu thốn của chúng tôi vui hẳn lên, các thầy giáo ở trường cảm thấy hết sức ấm lòng, tuy chưa chính thức đến Ngày Nhà giáo.

Sáng ngày 20 tháng 11 đầu tiên ấy, thầy trò trường tôi tập trung ra sân trường sớm hơn thường lệ. Thời điểm này, thiên nhiên như cũng muốn góp phần chung vui cùng thầy trò trường tôi.

Gió bấc non lùa về tung bay lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh trụ cờ làm bằng cây đước trồng giữa sân trường. Đám cỏ dại trên sân cũng như tươi tắn hơn sau mấy tuần giảm mưa, đất không còn bị sũng nước, nhầy nhụa nữa.

Toàn thể học sinh cả 3 khối lớp nghiêm trang ngồi vào những dãy bàn học được đem ra sân trường từ chiều hôm trước, trên bàn chất đầy hoa giấy các loại, màu sắc rực rỡ chẳng kém gì hoa tươi.

Toàn thể thầy giáo- chưa đến chục người kể cả ban giám hiệu, ngồi vào những dãy bàn được đặt phía đối diện. Khai mạc Ngày Nhà giáo đầu tiên, thầy hiệu trưởng trân trọng giới thiệu lịch sử hình thành, ý nghĩa cao cả của Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời nhắc lại truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc trải qua mấy ngàn năm lịch sử.

Giọng nói của thầy hiệu trưởng hôm ấy chất chứa nhiều cảm xúc, học sinh cảm động lắng nghe, thỉnh thoảng vỡ oà bằng những tràng pháo tay gần như không dứt.

Lòng tôi lúc ấy cũng cảm thấy vô cùng ấm áp, quên đi những nhọc nhằn mình đang cùng những đứa học sinh nghèo khó cố gắng vượt qua ở ngôi trường thiếu thốn đủ thứ này. Không những vậy, tôi còn cảm thấy tự hào hơn về nghề dạy học của mình.

Nghi thức tặng hoa, chúc mừng thầy cô tại sân trường diễn ra hết sức chân thành và cảm động. Chẳng phải bông hoa, nhánh hoa giấy nào các em làm cũng đẹp, nhưng chứng kiến quá trình các em dốc hết tấm lòng làm ra chúng, tôi vô cùng trân trọng và cảm ơn các học sinh của mình.

Sau khi nhận được nhiều nhánh hoa, tôi đem về giắt lên vách lá chung quanh căn phòng của mình. Căn phòng đơn sơ bừng sáng hẳn lên, lòng tôi cảm thấy hân hoan suốt nhiều ngày sau đó.

Những chất chứa trong lòng một thầy giáo trẻ ra trường về dạy ở một ngôi trường quá nhiều khó khăn cũng vơi dần đi. Từ đó, tôi lên lớp thoải mái hơn, nhiệt tình hơn, tâm huyết hơn và học trò của tôi cũng ngày càng quý mến thầy hơn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên đã tạo thành ấn tượng sâu sắc và có rất nhiều ý nghĩa đối với tôi. Tuy sau đó, năm nào trường tôi cũng rộn rã tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng kỷ niệm Ngày Nhà giáo lần đầu tiên vẫn luôn in đậm trong ký ức của tôi.

Những năm sau này, tôi không còn dạy học ở ngôi trường cũ nữa, Ngày Nhà giáo năm nào tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại thăm hỏi từ những học trò cũ.

Hiện tại, ngôi trường cũ tạm bợ tôi từng dạy học đã không còn, thay vào đó là ngôi trường mới được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia với hàng ngàn học sinh theo học.

Thế nhưng, hình ảnh ngôi trường lá đơn sơ, những học trò chân chất, những người thầy nhiệt tâm không ngại khó vẫn luôn tồn tại trong ký ức của tôi, đặc biệt là hình ảnh của Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên mà tôi được đón nhận.

Sơn Trần

Tin cùng chuyên mục