BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhớ ngày nhà giáo đầu tiên

Cập nhật ngày: 19/11/2012 - 11:10

Bốn năm sau khi tôi ra trường đi dạy học, năm 1982- lần đầu tiên trường tôi và ngành Giáo dục cả nước hân hoan mừng đón Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đấy là lần đầu tiên những thầy, cô giáo chúng tôi có một ngày riêng được cả xã hội tôn vinh.

Sau khi ra trường, tôi được phân công về dạy học ở một trường huyện vùng sâu tỉnh Minh Hải (thuộc tỉnh Cà Mau bây giờ). Ngôi trường tôi đến dạy duy nhất chỉ có một dãy 5 phòng học, cột bằng cây tràm, lợp lá dừa nước, dựng trên nền đất ẩm ướt, lồi lõm. Trường chẳng có khu nội trú cho thầy giáo nên tôi ở tạm trong một phòng học. Lúc tôi về trường, ở đây chỉ mới có ba lớp- một lớp 10, một lớp 11 và một lớp 12. Học sinh đến đây học không chỉ ở huyện Thới Bình mà còn ở tất cả các huyện khác như Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước... bởi lúc đó các huyện này chưa có trường cấp 3. Học trò của trường tôi hầu hết là con nhà nông- chỉ một số rất ít con các tiểu thương buôn bán tại thị trấn. Do đó, đến mùa vụ chúng rất cực vì phải phụ gia đình gieo cấy hoặc gặt lúa. Tuy nhiên, hầu hết học sinh chịu theo học đến cấp ba đều là những học sinh có ý thức học rất cao. Nhiều học sinh nhà ở xa đem cây lá đến cất những căn chòi nhỏ chung quanh trường để làm nơi ăn học. Hầu hết chúng tự tổ chức cuộc sống trong căn chòi của mình. Riêng tôi, do được sắp xếp ở trong cả một căn phòng học rộng lớn, nên tôi tiếp nhận gần chục học sinh nghèo nhà ở xa đến ở chung. Thầy trò chúng tôi sống chung như một gia đình. Những ngày chủ nhật, thầy trò mượn xuồng vào những con kênh trong rừng U Minh hạ chài cá rộng lại để ăn cả tuần lễ. Chuyện dạy và học ở đây rất cực nhưng cũng có nhiều niềm vui.

Những ngày trước ngày 20.11, không khí trường tôi hết sức rộn ràng. Ở vùng mùa khô nước mặn, mùa mưa nước phèn này rau xanh còn không trồng được thì làm gì có hoa tươi. Mà nếu có hoa tươi đi nữa thì có lẽ học trò nghèo vùng quê này chẳng tìm đâu ra tiền để mua. Do đó, cả tuần trước Ngày Nhà giáo, những học sinh trường tôi đi chặt tàu dừa, róc lấy cọng lá dừa để làm cành hoa. Sau đó chúng tập trung lại thành từng nhóm theo từng lớp lấy giấy màu cặm cụi làm những cánh hoa. Các em tranh thủ tất cả thời gian rảnh để làm, trong đó có nhiều nhóm tập trung làm hoa giấy tại trường, nên dù chỉ có 3 lớp mà trường tôi trong những ngày chuẩn bị đón Ngày Nhà giáo luôn đông học sinh và tràn ngập tiếng cười. Ngoài những nhóm làm hoa giấy, một số học sinh cũng tập trung tại trường để tập một số bài hát chuẩn bị biểu diễn trong ngày lễ và không khí cũng náo nhiệt không kém. Trong những ngày này, cho dù trường tôi trống lơ trống lốc nhưng không khí thì thật là ấm áp, vui vẻ, vừa khiến cho tình bạn học thắm thiết hơn, vừa làm cho ý thức “tôn sư trọng đạo” của học sinh được sâu sắc hơn.

Riêng tôi, do ở tại trường nên lúc nào cũng được chứng kiến cảnh cả thầy lẫn trò tất bật chuẩn bị Ngày Nhà giáo năm đầu tiên ấy. Lòng tôi cũng tràn ngập niềm vui và lòng tự hào. Những năm ấy, ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn- đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài đồng lương ít ỏi, thầy, cô giáo không có nguồn thu nhập nào thêm từ nghề nghiệp của mình. Bởi vì thời ấy vùng nông thôn không có chuyện dạy thêm. Không ít thầy, cô giáo dù có yêu nghề nhưng do cuộc sống quá khó khăn đành phải bỏ nghề để tìm sống bằng các ngành nghề khác. Một số thầy, cô giáo cố giữ nghề dạy học thì phải tìm cách kiếm thêm thu nhập bằng việc làm tay trái, hoặc tranh thủ giờ rảnh đi hái rau, bắt cá để giảm bớt tiền ăn. Trường tôi dạy lúc ấy đã từng xảy ra chuyện đau lòng từ chuyện cải thiện cái ăn. Một thầy giáo quê ở miền Trung về trường dạy chẳng bao lâu, trong một lần qua sông hái rau má nấu canh, đã bị lật xuồng mà tử vong. Sau chuyện đau lòng đó, hầu hết thầy, cô giáo trường tôi bị hụt hẫng tinh thần, tâm trạng luôn nặng trĩu. Tuy nhiên khi nhìn cảnh những học sinh “đầu trần chân đất” tất bật làm những cành hoa giấy để tặng thầy, cô thì sự buồn phiền trong lòng các thầy, cô dường như biến mất. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm đầu tiên đó giống như liều thuốc tiên giúp giáo viên trường tôi củng cố tinh thần, giữ vững nhiệt tình giảng dạy.

Sáng ngày 20.11.1982, trường tôi hân hoan tổ chức lễ tại sân trường. Những học sinh của trường đã lần lượt dâng tặng thầy, cô những cành hoa giấy tự tay mình làm trong nhiều ngày trước đó. Không hề có quà kèm theo, nhưng từ công sức để tạo ra hoa đến cách tặng hoa đều làm chúng tôi rất xúc động. Bởi vì ẩn chứa trong đó là lòng “tôn sư trọng đạo” một cách chân thành. Riêng những học sinh ở chung phòng trong trường với tôi, mỗi em đem về vài cành hoa cắm trên vách. Căn phòng nền đất, vách lá tuềnh toàng của tôi trong ngày này rực rỡ những hoa. Hoa giấy không có mùi thơm như hoa tươi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi thơm của cọng lá dừa, của giấy dán và cả của những tấm lòng từ những đứa học trò nghèo khó. Từ đó về sau, Ngày Nhà giáo năm nào, căn phòng tạm của tôi cũng đầy hoa giấy đủ màu sắc, cắm đầy trên vách cho đến ngày tôi rời nơi đây về quê công tác.

Đã 30 năm trôi qua, nhưng mỗi năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam là lòng tôi lại nhớ về Ngày Nhà giáo năm đầu tiên tại ngôi trường nghèo nàn ở một miền quê thuộc vùng đất Mũi Cà Mau đó. Hiện nay, ngôi trường mái lá cũ của tôi dạy ngày xưa đã trở thành trường chuẩn quốc gia và một trong những học trò cũ của tôi có tham gia làm hoa trong Ngày Nhà giáo năm đầu tiên đang làm hiệu trưởng. Điều hạnh phúc nhất hiện nay của tôi là năm nào đến Ngày Nhà giáo, tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại thăm hỏi từ những học trò cũ của mình.

Sơn Trần


 
Liên kết hữu ích